230.000 tỷ xây đường bộ cao tốc Bắc-Nam: 'Canh bạc mạo hiểm'

Đầu tư cho ngành giao thông vận tải phải lấy phương thức vận tải tối ưu làm quan điểm đầu tư, không phải đầu tư bằng mọi giá cho đường bộ.

Nằm trong một loạt siêu dự án vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét có dự án cao tốc Bắc - Nam. Dự án được đề xuất xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến là 229.826 tỷ đồng (tương đương hơn 10 tỷ USD), gồm: huy động tư nhân 136.282 tỷ đồng; vốn tham gia của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng, tư vấn, xây lắp, dự phòng là 93.543 tỷ đồng.

Nêu quan điểm về dự án trên, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói thẳng là không ủng hộ xây dựng dự án này mà cần đẩy mạnh phát triển giao thông thủy và giao thông hàng hải.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên

PV:- Xin ông nói rõ hơn quan điểm của mình?

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Quan điểm của tôi là không ủng hộ làm dự án trên. Tôi vẫn cho rằng, đầu tư cho ngành giao thông vận tải phải lấy phương thức vận tải tối ưu làm quan điểm đầu tư chứ không phải đầu tư bằng mọi giá cho đường bộ.

Khoảng cách từ biển vào đến biên giới ở Hà Tĩnh, thế giới hay gọi là “vùng cán xoong”, chỉ có 70 km. Nếu chạy theo trục dọc đó, chúng ta đã có đường sắt Bắc-Nam, có đường Hồ Chí Minh, rồi đường bộ chạy từ sông Bưởi đi vào, quốc lộ 1A cũng mới cải tạo xong. Nhiều tuyến giao thông song song như thế, thử hỏi có cần phải làm thêm đường nữa không?

Chưa kể giao thông hiện đang được phân theo khu. Quy hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay là phát triển hai đầu tàu TP.HCM và Hà Nội, tức cụm kinh tế trọng điểm khu vực miền Nam và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hàng hóa vận chuyển từ Bắc vào Nam không thể giống với hàng hóa vận chuyển từ Nga tới Ukraine.

Tôi lấy ví dụ như sản xuất phân đạm, miền Nam có nhà máy đạm Cà Mau, nhà máy đạm Phú Mỹ, miền Bắc lại có nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Bắc Hà, lân Văn Điển... hàng hóa không cần phải vận chuyển từ Bắc vào Nam nữa.

Xi măng chúng ta chuyển clinker, xuất khẩu gạo cũng vậy... như vậy thì vận chuyển bằng đường bộ tốt hay đường thủy tốt hơn? Còn loại hàng hóa nào phải vận chuyển bằng đường bộ từ Bắc vào Nam nữa, tôi cho là tỉ trọng rất ít.

Thay vì đặt ra vấn đề đầu tư cao tốc Bắc-Nam, chúng ta cần đảm bảo đường Hồ Chí Minh chạy tốt bốn mùa để phân luồng giao thông từ miền Trung, Tây Nguyên và TP.HCM ra phía Bắc tốt hơn. Trên tuyến đường này cần làm nhiều đường ngang, nối từ ven biển miền Trung lên Tây Nguyên. Khi đó áp lực giao thông của quốc lộ 1 sẽ giảm rất nhiều.

Một vấn đề nữa, Nghị quyết Trung ương 4 khóa IX xác định Việt Nam là quốc gia biển và chiến lược đến năm 2020 là 60% GDP phải liên quan đến biển. Vậy chúng ta đầu tư cho biển cái gì?

Mới đây, Thủ tướng đã ký với Campuchia, Lào, Myanmar mở đường cao tốc từ TP.HCM đi Phnompenh, từ Hà Nội - Vinh - Viêng Chăn… để kéo sang Thái Lan, tạo trục giao thông Đông-Tây. Như vậy phải có tiền để đối ứng. Nếu đi vay ODA của Hàn Quốc, Nhật Bản… thì cũng phải có tiền để giải phóng mặt bằng, chứ không lấy tiền ở đâu? Dồn tất cả vào dự án cao tốc Bắc - Nam là canh bạc quá mạo hiểm.

Nếu thử cân đối vốn đầu tư trong 5 năm giành cho ngành giao thông vận tải là 130.000 tỷ, vốn trung ương là 75.000 tỷ thì có tới 70.000 tỷ cho đường cao tốc Bắc - Nam. 5.000 tỷ còn lại là dành cho phát triển sân bay Long Thành, nghĩa là không còn nguồn nào để đầu tư cho ngành đường sắt, đường thủy và hàng hải?.

PV:- Hiện đang có đề xuất vay vốn từ Trung Quốc để thực hiện dự án trên, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Không nên e ngại nguồn vốn từ Trung Quốc hay nước nào. Đồng vốn vốn dĩ không xấu, làm nó xấu là do cách quản lý, sử dụng của chính chúng ta.

Tôi hiểu, người ta ngại vốn Trung Quốc là vì khả năng giải ngân chậm, dự án hay bị kéo dài dẫn tới đội vốn, rẻ hóa đắt. Nhưng tất cả những vấn đề đó không phải do lỗi từ đồng vốn, nó là lỗi của chúng ta.

PV:- Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang xin cơ chế chỉ định thầu cho dự án trên, đồng thời muốn chẻ nhỏ dự án trên thành nhiều dự án nhỏ có vốn dưới 10.000 tỷ đồng để không phải trình Quốc hội, ông đánh giá thế nào?

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Dự án này chắc chắn phải trình ra Quốc hội. Có hai cách, một là Bộ GTVT sẽ trình cả gói hai là trình tựng dự án nhỏ. Nếu sử dụng chiêu trò láu cá, chẻ nhỏ dự án thì bắt buộc Bộ GTVT phải trình phương án duyệt ngân sách hàng năm, bao gồm ngân sách cho phát triển trung hạn và ngắn hạn. Với cách thức này, đến một hào Bộ GTVT cũng phải trình.

Vay vốn Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam: Mất cân đối...

PV:- Không ủng hộ xây cao tốc Bắc - Nam nhưng theo ông có giải pháp nào giải quyết nhu cầu về giao thông, vận tài hàng hóa hiện nay?

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên:- Như tôi đã nói, phải phát triển phương thức vận tải, trong giao thông phương thức vận tải sẽ quyết định tổng mức đầu tư.

Nếu đã xác định quốc gia phải đi lên từ biển thì cần tăng cường đầu tư hàng hải, vận tải biển. Nhưng cũng đừng ngộ nhận rằng chúng ta phải xây dựng được một tập đoàn vận tải biển hoành tráng. Nước Mỹ GDP 17.000 tỉ USD/năm mà làm gì có tập đoàn vận tải biển. Các tập đoàn vận tải biển lớn hiện nay đều của Đài Loan, Hàn Quốc…

Vấn đề của chúng ta là phải đầu tư cảng, thiết bị bốc xếp, cơ sở hậu cần đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Hãy nhìn sang Singapore xem họ đã phát triển logistic tốt như thế nào.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/230000-ty-xay-duong-bo-cao-toc-bac-nam-canh-bac-mao-hiem-3322036/