230.000 tỷ xây cao tốc Bắc Nam: Nếu vay Trung Quốc...

"Làm đường cao tốc mà đi vay, làm đường cao tốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giao thông thuận tiện là ý nghĩ chủ quan".

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương với báo chí ngày 4/11.

Làm đường cao tốc để làm gì?

Bên cạnh đó, theo ông Cung, tại sao chỉ nhắm vào xây dựng đường cao tốc, BOT đường bộ, trong khi kinh tế biển của Việt Nam chúng ta bỏ qua các cảng biển, dịch vụ logistic cho nước ngoài khai thác. Đường sắt, đường hàng không và đường biển chậm chuyển đổi?.

Trong thời đại kinh tế biển, chúng ta đã có gì cho kinh tế biển, một thế mạnh của Việt Nam cần được khai thác lại chưa có gì so với thế giới.

Ông Cung nhấn mạnh: "Chúng ta phải xem làm đường cao tốc để làm gì? Để đáp ứng vận chuyển hàng hóa ư? Vậy tại sao chúng ta không tạm thời cải tạo đường sắt Bắc Nam thành đường sắt cao tốc, phát triển vận tải biển. Đây là những loại hình vận tải chuyên chở khối lượng lớn, giá rẻ.

Còn hành khách, thế giới đang phát triển và mở rộng hàng không, chúng ta cần xây dựng hàng không để vận chuyển hành khách”.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đừng nói đến bàn mà hãy gạt chuyện làm cao tốc Bắc Nam sang một bên, chờ nguồn lực, bởi hiện nay chúng ta chưa biết có nguồn lực ở đâu ra. Hãy dành nguồn lực cho sân bay Long Thành đi, đây mới là chỗ cần xây dựng, cần khơi nguồn cho phát triển.

Ông Cung nhấn mạnh thêm: "Làm đường cao tốc mà đi vay, làm đường cao tốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giao thông thuận tiện là ý nghĩ chủ quan".

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế, TS Bùi Trinh nghi ngờ vì từ xưa đến nay chúng ta vẫn quen đầu tư mà không tính đến hiệu quả sử dụng vốn, không hoạch toán suất đầu tư trên giá trị, hiệu quả mang lại.

"Suất đầu tư cao tốc hiện nay quá cao, trong khi cao tốc độc đạo hiện đại không có tính kết nối với các tuyến đường tỉnh lộ, đường nhánh khác. Bên cạnh một tuyến đường hiện đại là một tuyến đường xấu xí, chật hẹp.

Hơn nữa, các tuyến đường này đều rải các trạm BOT. Điều này tác động cực lớn đến cước vận chuyển và đầu ra cho sản xuất", ông Trinh nói.

Đi vay và mối lo điều kiện đi kèm

Đặc biệt, liên quan đến đề xuất vay vốn Trung Quốc để làm, theo TS Trinh, chúng ta đã có một bài học về vay vốn Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông và rất nhiều dự án xi măng, sắt thép khác của nhà đầu tư Trung Quốc.

"Nếu phải làm và vay Trung Quốc, điều cần nhất là phải đàm phán rất kỹ về các điều khoản, cơ chế: chống việc chỉ định thầu, lao động, nguyên liệu và đặc biệt là tiến độ dự án.

Nếu không, khi hoàn thành chúng ta sẽ chỉ nhận được duy nhất một công trình nhưng không thu lại được giá trị gia tăng, lạc lõng và tăng gánh nợ cho quốc gia”.

Đưa ra quan điểm, ông Cung phân tích: "Việc vay vốn WB, ADB, Nhật Bản hay Trung Quốc đều là kênh huy động tín dụng. Điều quan trọng nhất là tính cấp thiết của dự án và phải chọn lựa dự án hiệu quả, lúc đó mới nghĩ đến vốn ở đâu?.

Các nước cho vay hiện đều có những điều khoản đi kèm và các cơ chế đàm phán riêng. Vì thế, đàm phán và đưa ra phương án có lợi nhất là điều bắt buộc phải làm.

Hãy bỏ tư duy phân bổ vốn và lựa chọn dự án bằng việc lựa chọn dự án, đánh giá hiệu quả rồi phân bổ vốn. Đây là cách để chúng ta hạn chế đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả”.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nói thẳng là không ủng hộ xây dựng dự án này mà cần đẩy mạnh phát triển giao thông thủy và giao thông hàng hải.

Thay vì đặt ra vấn đề đầu tư cao tốc Bắc-Nam, chúng ta cần đảm bảo đường Hồ Chí Minh chạy tốt bốn mùa để phân luồng giao thông từ miền Trung, Tây Nguyên và TP.HCM ra phía Bắc tốt hơn.

Trên tuyến đường này cần làm nhiều đường ngang, nối từ ven biển miền Trung lên Tây Nguyên. Khi đó áp lực giao thông của quốc lộ 1 sẽ giảm rất nhiều.

Một vấn đề nữa, Nghị quyết Trung ương 4 khóa IX xác định Việt Nam là quốc gia biển và chiến lược đến năm 2020 là 60% GDP phải liên quan đến biển. Vậy chúng ta đầu tư cho biển cái gì?. Nếu đã xác định quốc gia phải đi lên từ biển thì cần tăng cường đầu tư hàng hải, vận tải biển.

Trong khi, ĐBQH Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cũng lưu ý tới hiệu quả, cách thực thực hiện cũng như phương án huy động vốn sẽ thực hiện cho dự án này.

"Việt Nam đang rơi vào tình trạng trần nợ công rất cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn bị hạn chế, việc huy động ngay một lúc đủ nguồn lực từ ngân sách để thực hiện dự án trên là bất khả thi.

Vì vậy, quan điểm của tôi vẫn cho rằng, nếu thực hiện dự án trên nên thực hiện theo phương án xã hội hóa, dứt khoát không sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đáp ứng một nguồn ngân sách cơ bản, còn lại giao doanh nghiệp tự thu xếp vốn", ông Cường phân tích.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/230000-ty-xay-cao-toc-bac-nam-neu-vay-trung-quoc-3322312/