22 doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm đối tác cung cấp tại Việt Nam

Triển lãm lần này có 22 công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa.

Trong ảnh: Máy đo độ chính xác bằng kính hiển vi đến từ Nhật Bản. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong ảnh: Máy đo độ chính xác bằng kính hiển vi đến từ Nhật Bản. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Sáng 9/8, tại Hà Nội, Cục xúc tiến Thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), VPĐD tại Hà Nội và Công ty RX Tradex Việt Nam đã khai mạc “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 tại Hà Nội và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14 với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong ảnh: Gian triển lãm công nghệ bốc xếp hàng kho vận. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong ảnh: Gian triển lãm công nghệ bốc xếp hàng kho vận. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Chia sẻ tại triển lãm, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản tại Hà Nội, ông Takeo Nakajima cho hay, triển lãm lần này có 22 công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa, cùng đó có 28 công ty Việt Nam giới thiệu sản phẩm, mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải là chất lượng các nhà cung cấp còn yếu, chính vì thế chúng tôi kỳ vọng có cơ hội gặp gỡ các nhà cung cấp ưu tú tại triển lãm lần này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa trên 50% nhưng vấn đề gặp phải là giá thành, chính vì thế họ tìm kiếm những nhà cung cấp cạnh tranh về giá. Thông qua triển lãm lần này, JETRO mong muốn góp một phần công sức vào sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp", ông Takeo Nakajima cho hay.

Trong ảnh: Gian trưng bày công nghệ in 3D. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong ảnh: Gian trưng bày công nghệ in 3D. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Năm 2023 đánh dấu giai đoạn nhiều biến đổi của nền kinh tế với sự xuất hiện của các xu hướng như sản xuất xanh, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp bền vững và chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và áp lực tăng trưởng sau đại dịch đã thúc đẩy tiến trình tăng cường hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực của các doanh nghiệp quốc tế và địa phương trên toàn cầu. Bên cạnh những thách thức từ bất ổn kinh tế thế giới thì xu hướng chuyển đổi thị trường sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam cũng hứa hẹn góp phần tạo ra những cơ hội đầu tư và hợp tác cho các công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nắm bắt cơ hội giao thương.

Ông Yip Je Choong – Phó Chủ tịch cấp cao, Khối Thương mại - Khu vực Asia Pacific, Ban lãnh đạo tập đoàn RELX (Singapore) - Đại diện RX Tradex Vietnam chia sẻ: “triển lãm kép” VME-SIE là cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ liên kết giữa các nhà sản xuất phụ tùng, các công ty trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực sản xuất có liên quan.

Trong ảnh: Gian triển lãm Robot bốc xếp hàng đến từ Đức. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong ảnh: Gian triển lãm Robot bốc xếp hàng đến từ Đức. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo ban tổ chức, VME năm nay sẽ trưng bày máy móc và công nghệ ngành sản xuất và các ngành công nghiệp hỗ trợ đến từ 200 thương hiệu của hơn 20 quốc gia công nghệ hàng đầu, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và các quốc gia khác, cũng như sự ra mắt lần đầu tiên của 02 khu gian hàng mới đại diện cho Triển lãm Mối nối Công nghiệp Việt Nam (Fastener and Fixing Vietnam) và Triển lãm Quy trình Hạ nguồn và Xử lý Vật liệu Việt Nam (Vietnam Material Handling - ViMAT).

Theo ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản, nếu như tại Việt Nam, việc cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện được ổn định sẽ tăng cường linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều đó góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chế tạo trong nước ngày càng phát triển.

"Từ phía chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi đã, đang và sẽ hỗ trợ hết sức cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản, trong đó có Quỹ tài trợ của JETRO đang hỗ trợ cho việc thành lập các nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản củng cố chuỗi cung ứng. Việt Nam là quốc gia có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản được lựa chọn nhận tài trợ nhất. Ngoài ra, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng việc nâng cao kỹ thuật, tăng cường quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp đối tác Việt Nam", ông Watanabe Shige nói.

“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” (Supporting Industries Exhibition - SIE)” lần thứ 10 tại Hà Nội và "Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo - VME 2023)” lần thứ 14 diễn ra vào ngày 9-11 tháng Tám năm 2023 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn Hóa). Tại triển lãm, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.../.

Đức Dũng

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/22-doanh-nghiep-nhat-ban-muon-tim-doi-tac-cung-cap-tai-viet-nam/302365.html