2014: EU vẫn chật vật thúc đẩy hội nhập

(HQ Online)- Tại cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2013, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã không ngớt lời ca ngợi thỏa thuận đạt được giữa các nước thành viên về tiến trình xây dựng "Liên minh ngân hàng châu Âu". Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề về Ukraine, thỏa thuận về liên minh ngân hàng là chủ đề duy nhất mà các thành viên EU đạt nhất trí cao tại hội nghị này. Đối với các chủ đề còn lại EU vẫn còn nhiều bất đồng phải giải quyết để thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu của mình.

EU còn nhiều việc phải làm trong năm mới để hướng tới hội nhập

Về phòng thủ, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn ủng hộ sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các thành viên EU. Tổng thống Pháp Francois Hollande thì đặc biệt ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận hợp tác trong việc phát triển "máy bay không người lái thế hệ mới", coi đây sẽ là một trong những thành tựu hợp tác quan trọng để phòng thủ châu Âu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron đã "dội một gáo nước lạnh" vào nhiệt huyết của cả Đức lẫn Pháp khi khẳng định rằng London sẽ ngăn chặn mọi sáng kiến đi theo hướng châu Âu phòng thủ thực sự. Ông khẳng định: "Đối với EU, việc trang bị các vũ khí giống nhau là không phù hợp".

Liên quan đến việc can thiệp quân sự tại Cộng hòa Trung Phi, Pháp chỉ nhận được sự ủng hộ khiêm tốn của EU. Một số nước nói là có thể can dự vào năm 2014 nhưng không trực tiếp ủng hộ tài chính cho chiến dịch của Pháp. Sự tích cực của Tổng thống Pháp đối với trường hợp Cộng hòa Trung Phi dường như đang gây khó chịu cho một số đồng nhiệm châu Âu.

Thủ tướng Áo Werner Faymann phát biểu: "Khi đã phát động một chiến dịch như vậy, lẽ ra Pháp phải tìm được sự nhất trí từ trước và đây là điều rất quan trọng. Chúng tôi không thể can dự theo cách bị động như vậy". Trong khi đó, Thủ tướng Merkel tuyên bố rằng Đức sẽ không chi tiền tùy tiện cho chiến dịch của Pháp và sẽ "tiếp tục thảo luận" về sự ủng hộ mà EU có thể mang lại cho chiến dịch của Pháp tại Trung Phi.

Như vậy, sự ủng hộ của EU vẫn chủ yếu mang tính chính trị, thể hiện ở phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy rằng sự can thiệp của 1.600 binh sĩ Pháp tại Bangui đã giúp Trung Phi "tránh được thảm họa nội chiến, thậm chí có thể là nạn diệt chủng".

Những lựa chọn can dự khác nhau của EU hiện vẫn được đặt trên bàn của Đại diện cấp cao phụ trách ngoại giao của EU Catherine Ashton. Bà có trách nhiệm giới thiệu các lựa chọn trên tại hội nghị cấp ngoại trưởng dự kiến diễn ra tại Brussels ngày 20-1-2014 để các nước EU quyết định.

Về vấn đề kinh tế - tài chính, ý tưởng ký kết thỏa thuận để thúc đẩy chương trình cải cách cơ cấu, đổi lại hỗ trợ về tài chính đã thực sự gây khó xử cho nhiều nước. Dự án "Đối tác vì tăng trưởng, việc làm và sức cạnh tranh", thực chất nhằm củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ, đã được Đức nhiệt liệt ủng hộ nhưng lại gặp phải phản ứng dè dặt của các thành viên khác, đặc biệt là Pháp.

Tổng thống Pháp đánh giá Ngân hàng Đầu tư châu Âu (IEB) có thể đảm nhận vai trò đồng hành nhưng trước hết, ông bày tỏ sự ủng hộ giải pháp sử dụng công trái, việc này cũng được Thủ tướng Italy Enrico Letta hưởng ứng. Hội đồng châu Âu đã quyết định lùi cuộc thảo luận về vấn đề này đến cuộc họp thượng đỉnh EU vào tháng 10 thay vì tháng 6-2014 như dự kiến ban đầu.

Cuối cùng, trong rất nhiều vấn đề được đề cập, EU vẫn bảo lưu quan điểm ủng hộ việc ký kết với Ukraine một thỏa thuận liên kết, đồng thời kêu gọi chính phủ nước này tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do của người dân. Trong thông cáo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2013, EU đã tái khẳng định chủ trương tăng cường quan hệ với Ukraine, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới dự án thành lập khu vực tự do thương mại với nước Cộng hòa này.

Hội đồng châu Âu tuyên bố ủng hộ cách giải quyết dân chủ cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine để "đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân". Ukraine là vấn đề hiếm hoi mà các nước EU đạt được sự nhất trí về cách giải quyết.

Q.T

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/2014-eu-van-chat-vat-thuc-day-hoi-nhap.aspx