2013: Xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng

Các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà khôi phục là thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013, nhờ vậy, hàng tồn kho sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới không được như mong đợi, thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam bị thu hẹp, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất nhưng tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 vẫn đạt trên 16% (vượt mức 13 - 14% kế hoạch đề ra). Đây là một trong những thành tích đáng kể của kinh tế Việt Nam 2012.

Sang năm 2013, các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà khôi phục là thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam, thêm vào đó, sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc xuất khẩu khi nhân công và chi phí đầu vào của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn 2 - 2,5 lần so với Ấn Độ, Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư FDI, ODA vào Việt Nam trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam, nền kinh tế còn phục thuộc nhiều vào đầu tư khởi sắc.

Tại buổi công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013, hôm nay, ngày 7/12, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được cải thiện trong năm 2013 nhờ các ưu tiên cứu trợ trong chính sách trợ giúp doanh nghiệp của Chính phủ. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chủ yếu cũng là nhóm hàng tiêu dùng như gạo, cà phê, chè… và giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng, do đó tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục ổn định trong năm 2013.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu năm 2013 cũng gặp phải không ít khó khăn khi mà nền kinh tế thế giới năm 2013 được dự báo là có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012 nhưng không nhiều, và vào những tháng cuối năm lại có xu hướng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 giảm so với trước đó (từ mức 3,9% xuống 3,4%). Điều đó chứng tỏ nền kinh tế thế giới vẫn đang chứa đựng nhiều rủi ro. Đặc biệt, hai đối tác nhập khẩu quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng được dự báo chỉ nhỉnh hơn năm trước, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được dự báo sụt giảm hơn sẽ gây tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013.

Cùng với đó, hiện Việt Nam đang thực hiện xóa bỏ và giảm thiểu các trợ cấp xuất khẩu theo cam kết gia nhập WTO, trong khi việc sử dụng các hàng rào bảo hộ kĩ thuật có thể khiến cho hàng xuất khẩu Việt Nam mất đi những lợi thế cạnh tranh tương đối. Và dù rằng kinh tế châu Âu và Mỹ có dấu hiệu phục hồi nhưng các bảo hộ thương mại có xu hướng được sử dụng nhiều hơn sẽ là rào cản lớn đối với hàng hóa Việt Nam vào hai nền kinh tế lớn này, vì vậy chính phủ các nước có khả năng dè dặt trong việc nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu có tăng nhưng sẽ không tăng cao. Riêng với nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất và hàng tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, những yếu tố rủi ro của kinh tế thế giới cũng như khó khăn của kinh tế Việt Nam sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu năm 2013.

Với sự phục hồi của xuất nhập khẩu, dự báo năm 2013 kim ngạch xuất khẩu (giá FOB) đạt 129,498 tỷ USD, nhập khẩu (giá FOB) tăng đạt 132,836 tỷ USD, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ thâm hụt (-) 3,328 tỷ USD năm.

Như vậy, nhờ khả năng xuất khẩu sẽ tăng trong năm 2013 mà tình hình tồn kho thành phẩm của các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất trong nước sẽ không đáng ngại, thậm chí TS. Lương Văn Khôi còn nghi ngờ con số hàng tồn kho được đưa ra thời gian qua. Bởi theo điều tra khảo sát niềm tin kinh doanh tại Việt Nam tiến hành trong quý III/2012. Trong số 910 doanh nghiệp được điều tra khảo sát thì có tới 66,4% cho rằng tồn kho thành phẩm xét theo khối lượng của doanh nghiệp là bình thường, chỉ có 15,1% cho rằng trên mức bình thường, trong đó có 9,1% đánh giá ở mức dưới mức bình thường. Có thể nói, tồn kho trong lĩnh vực bất động sản mới chiếm phần lớn lượng tồn kho chung, còn thực sự tồn kho trong nền kinh tế Việt Nam không quá nguy cấp như chúng ta tưởng.

(T.Hương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/2013-xuat-nhap-khau-cua-viet-nam-se-co-nhieu-diem-sang/201212/126455.dfis