20.000 công nhân xung kích Bình Dương góp phần ổn định an ninh

Từ khi thành lập mô hình công nhân xung kích ở Bình Dương, tình hình an ninh trong công nhân đã ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp.

Năm 2014, tại Bình Dương xảy ra vụ việc công nhân đình công ở nhiều nơi. Một số công nhân quá khích đã kích động các công nhân khác đập phá tài sản của công ty, gây thiệt hại tài sản cho doanh nghiệp.

Với yêu cầu cấp thiết cần có lực lượng tại chỗ để thông tin thường xuyên về tình hình an ninh trật tự (ANTT) và tự bảo vệ tài sản của doanh nghiệp khi có sự việc đột xuất xảy ra.

Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã có ý tưởng thành lập Đội công nhân xung kích (CNXK) tự quản về ANTT trong doanh nghiệp để đảm bảo tình hình ANTT trong các doanh nghiệp và khu công nghiệp (KCN).

Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng bằng khen cho bốn tập thể và bảy cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm năm thực hiện mô hình Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp tại Bình Dương (giai đoạn 2018-2022). Ảnh: LÊ ÁNH

Gần 20.000 công nhân tham gia đội CNXK

Đây là mô hình cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước được thực hiện bài bản, có hiệu quả. Mô hình này đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ người lao động đến người quản lý trong doanh nghiệp.

Từ đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Tháng 3-2018, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 562/QĐ-UBND về đề án thành lập Đội CNXK tự quản về ANTT trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2022.

Từ năm 2018 đến nay, Bình Dương đã thành lập tổng số 1.021 đội CNXK (trong KCN: 458 đội, ngoài KCN: 551 đội) với 19.390 thành viên.

Trong đó có 1.021 đội trưởng, 1.168 đội phó, đội CNXK hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, trong đó nhiệm vụ chính là lao động sản xuất.

Khi có yêu cầu của chủ doanh nghiệp hoặc các cơ quan chức năng thì các thành viên trong đội sẽ tham gia tuần tra, canh gác, phối hợp với lực lượng bảo vệ, công an địa phương đảm bảo giữ gìn ANTT tại doanh nghiệp và địa phương nơi doanh nghiệp trú đóng theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, các thành viên đội CNXK chủ động nắm tình hình về đời sống của công nhân, chế độ chính sách của doanh nghiệp, tham mưu chủ doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, yêu cầu chính đáng của người lao động. Qua đó giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, thiếu sót, giữ được mối quan hệ hài hòa giữa quyền lợi của chủ doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, lực lượng công an địa phương cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tập huấn các kiến thức về pháp luật, võ thuật cho những thành viên của đội CNXK.

Anh Lê Văn Thi, thành viên Đội CNXK tự quản về ANTT Công ty Vison KCN Vsip 1, chia sẻ: “Công việc chính là bát cơm của mình, bảo vệ bát cơm chính là bảo vệ công việc. Chính vì vậy, công nhân viên của công ty rất có ý thức bảo vệ công việc của mình. Vì vậy, khi đội CNXK triển khai phổ biến các vấn đề về ANTT thì rất thuận lợi”.

Đây là mô hình cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước được thực hiện bài bản, có hiệu quả. Mô hình này đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ người lao động đến người quản lý trong doanh nghiệp.

Mô hình hiệu quả

Theo các doanh nghiệp, từ lúc thành lập đội CNXK thì tình hình đình công, lãn công, số vụ trộm cắp tài sản giảm đáng kể. Có những công ty trong suốt năm năm qua không xảy ra vụ việc trộm cắp tài sản.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (thời điểm thành lập mô hình, ông Thao là phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương), một trong những người khởi xướng thành lập và rất tâm huyết với mô hình này, chia sẻ: “Mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn, ban đầu chỉ có vài đội thì đến nay đã có hàng ngàn đội. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay tình hình ANTT trong công nhân đã ổn định, không để xảy ra các vụ việc phức tạp”.

Còn Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), nhận định: Đội CNXK tự quản về ANTT trong doanh nghiệp tại Bình Dương góp một phần rất quan trọng đối với lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của công nhân và lợi ích của Nhà nước.

Thiếu tướng Tráng A Tủa cho biết thêm đang tham mưu lãnh đạo Bộ Công an có văn bản gửi các địa phương khuyến khích nhân rộng mô hình này của tỉnh Bình Dương.

Còn theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Bình Dương là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành về đây làm ăn, sinh sống nên kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về ANTT.

Đáng chú ý, tình hình tín dụng đen đang đe dọa, thao túng tâm lý khiến công nhân hoang mang, sợ hãi...

Trung tướng Hùng nhấn mạnh: “Trước những diễn biến phức tạp như vậy, cần có sự phối hợp giữa lực lượng công an, liên đoàn lao động và các ngành tuyên truyền đến công nhân chính sách pháp luật của Nhà nước. Củng cố và nhân rộng các mô hình tự quản trong công nhân để củng cố thế trận an ninh trong doanh nghiệp, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ ảnh hưởng đến ANTT chính trị và đời sống”.•

Đội CNXK tuần tra, bảo vệ gần 10.000 lượt

Trong thời gian qua, đội CNXK trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương đã tổ chức tuần tra, bảo vệ được gần 10.000 lượt tại doanh nghiệp.

Thông qua việc tổ chức công tác tuần tra, canh gác, tuyên truyền, lực lượng CNXK đã kịp thời cung cấp cho lực lượng công an hơn 3.000 tin có liên quan về ANTT để xử lý, tiếp nhận và giải quyết hơn 1.000 vụ việc, phối hợp tham gia chữa cháy trên 57 vụ.

LÊ ÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/20000-cong-nhan-xung-kich-binh-duong-gop-phan-on-dinh-an-ninh-post743494.html