2 phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phải đầu tư trong năm nay nhưng vốn ngân sách không còn, nếu chờ sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành sân bay Long Thành.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xây dựng, được đưa vào khai thác từ giữa năm 2016 với quy mô bốn làn xe.

“Hiện lưu lượng phương tiện trên tuyến liên tục tăng cao, trong đó đoạn TP.HCM - Long Thành dài 26 km, dự báo đến năm 2025 vượt 25% so với năng lực thông hành hiện hữu nên chúng tôi đang kiến nghị mở rộng”- đại diện VEC cho hay.

2 phương án đầu tư

Theo VEC, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường bộ chính yếu kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành. Năm 2026, sân bay Long Thành đi vào hoạt động cùng với tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ gây áp lực lên dự án.

Để sớm mở rộng dự án, thời gian qua, VEC đã nghiên cứu đề xuất hai phương án nâng cấp mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành. Cụ thể, phương án 1, VEC sẽ là chủ đầu tư (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư).

Theo đó, đoạn tuyến cao tốc thuộc dự án có phạm vi xây dựng từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa (Km4+00 đến Km25+920) với tổng chiều dài 21,92 km. Quy mô đầu tư từ 4 làn xe lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe (hiện đã giải phóng mặt bằng để mở rộng 8 làn xe). Hai cầu (Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Km24+646) đầu tư mở rộng hoàn chỉnh 10 làn xe.

Tổng mức đầu tư của phương án trên hơn 14.339 tỉ đồng, bao gồm trên 4.639 tỉ đồng vốn chủ sở hữu của VEC (32%), vốn vay thương mại 9.700 tỉ đồng (68%). Nếu được thông qua, dự án sẽ ngay lập tức tiến hành các bước đầu tư để đến tháng 6-2028 hoàn thành. Thời gian hoàn vốn dự án là 29 năm.

Theo VEC phương án này sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035, với lưu lượng khoảng 114.315 xe con quy đổi/ngày đêm.

VEC đưa ra hai phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phương án hai, Bộ GTVT đóng vai trò là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư. Phạm vi thực hiện giữ nguyên như phương án 1, nhưng đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km8 đến Km25+990) đầu tư 10 làn xe.

Với phương án này, tổng mức đầu tư của dự án trên 15.628 tỉ đồng, với hai nguồn vốn Nhà nước và của VEC lần lượt là 9.000 tỉ đồng (chiếm 58%) và 6.628 tỉ đồng (chiếm 42%).

Tiền trung hạn đã được Quốc hội phân bổ hết

Với hai phương án trên, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng nếu để VEC đầu tư theo hình thức đầu tư kinh doanh cần phải làm rõ sự phù hợp của việc áp dụng Luật Đầu tư, do dự án này trước đây được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Song song đó cần rà soát, cân nhắc phương án đầu tư với quy mô 8 - 10 làn xe do có thể làm tăng mạnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng huy động vốn và tính khả thi về phương án tài chính của VEC.

Còn phương án 2, Bộ KH&ĐT nhận thấy kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội giao cho các bộ ngành, do đó không còn nguồn cho dự án. Trường hợp cần thiết triển khai dự án trong giai đoạn 2026 - 2030, kiến nghị cụ thể cơ quan chủ quản dự án, phối hợp xây dựng dự kiến kế hoạch vốn cho dự án trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT cho rằng cần phải xem khả năng cân đối vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại của VEC, khi vốn điều lệ hiện hành của đơn vị này chỉ khoảng 1.115 tỉ đồng.

Còn Bộ Tài chính đề nghị nếu giao toàn bộ cho VEC thì cần rà soát, cân đối các nguồn vốn huy động để đảm bảo an toàn tài chính và khả năng thanh toán của VEC cho các năm tiếp theo.

Trước những ý kiến đóng góp trên cũng như khó khăn về nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đại diện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng chấp thuận phương án 1.

Thêm vào đó, CMSC đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép VEC khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2033-2036; chấp thuận bổ sung dự án vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông.

Để giảm tải áp lực giao thông sau khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác vào năm 2026, CMSC nhận thấy cần phải rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư và lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, tổng dự toán để có thể hoàn thành phần đường và các cầu cạn vào tháng 1-2027, cầu Long Thành vào tháng 12-2027 (rút ngắn 6 tháng so với đề xuất của VEC).

Liên quan đến khả năng cân đối vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại của VEC, CMSC cho biết VEC đang thực hiện quy trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền về việc tăng vốn điều lệ, dự kiến trong năm 2024 vốn điều lệ sẽ tăng từ 1.115 tỉ đồng lên khoảng 25.000 tỉ đồng. “Như vậy, sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương, Thủ tướng quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ, VEC sẽ đảm bảo điều kiện huy động vốn vay thương mại cho dự án”- lãnh đạo CMSC khẳng định.

Thêm vào đó, VEC, cho biết tính đến 31-12-2022 dòng tiền VEC tích lũy từ các nguồn hợp pháp khoảng 10.700 tỉ đồng. Sau khi cân đối thu xếp để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khoảng 7.000 tỉ đồng, hòa chung dòng tiền năm dự án tại thời điểm hiện nay, tiền lũy kế của VEC luôn dương với mức dương thấp nhất là 257 tỉ đồng năm 2028. “Như vậy VEC đủ khả năng triển khai dự án”- đại diện VEC cho hay.

Bổ sung nút giao kết nối với TP Thủ Đức

UBND TP.HCM và Đồng Nai kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu phương án bổ sung công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành một lần theo đúng lộ giới quy hoạch, bổ sung nút giao thông kết nối với đường Long Phước TP Thủ Đức; bổ sung thêm làn thu phí, cải tạo vòng xoay trên Quốc lộ 51.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/2-phuong-an-dau-tu-mo-rong-cao-toc-tphcm-long-thanh-dau-giay-post786040.html