2 công trình lần đầu được công bố của học giả Nguyễn Văn Huyên

Trong cuốn sách 'Địa lý hành chính và tập quán của người Việt' vừa được xuất bản của Nguyễn Văn Huyên có 2 công trình lần đầu được công bố gồm: 'Nghiên cứu tập quán người Việt' và 'Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu'.

Cuốn sách "Địa lý hành chính và tập quán của người Việt"

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một trong những học giả lớn hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX. Các công trình của ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình nên vốn hiểu biết căn bản về dân tộc và xã hội Việt Nam với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.

Trong cuốn sách Địa lý hành chính và tập quán người Việt, bên cạnh đơn vị làng/xã vốn đã được bản thân Nguyễn Văn Huyên điều tra, khảo tả rất kỹ lưỡng trong các công trình trước đây, lần này ông muốn nhìn địa lý hành chính ở một tầng bậc cao hơn qua hai đơn vị tỉnh và tổng. Đây cũng chính là 2 đơn vị hành chính riêng khác với nhiều nét đặc thù của Việt Nam truyền thống, ở đó thể hiện rất rõ sự phân tầng và quản trị của chính quyền phong kiến trung ương, cũng đồng thời bộc lộ một cách sinh động nhất đời sống của người dân quê vùng đồng bằng Bắc bộ.

Khác với các học giả người Pháp, Nguyễn Văn Huyên có vị thế và điều kiện của một trí thức bản địa, cho phép ông thấu thị tất cả sự thống nhất lẫn phức tạp, hợp tác lẫn đấu tranh, giằng co giữa các làng/xã trong một tổng xung quanh một chiếc chiếu giữa chốn đình chung hay một cái ao, một khoảnh đất bồi có thể đem lại nhiều quyền lợi.

Học giả Nguyễn Văn Huyên (1905-1975)

Một điểm nữa trong các nghiên cứu địa lý hành chính của Nguyễn Văn Huyên là bên cạnh những hiểu biết và trực giác sâu sắc của mình, ông còn sử dụng rất nhuần nhuyễn các phương pháp và kỹ thuật của địa lý nhân văn, hành chính như thực địa, vẽ bản đồ, phân tích số liệu, lập bảng biểu, sơ đồ…, qua đó cung cấp "một mỏ thông tin" như ông khẳng định. Vì thế, các kết quả nghiên cứu địa lý hành chính của ông đã vượt xa các ghi chép địa chí trước kia đồng thời đặt nền tảng cho các tri thức khoa học về Việt Nam truyền thống.

Điều đặc biệt, đối với Nguyễn Văn Huyên, nghiên cứu địa lý hành chính là cơ sở cho phép ông đi sâu hơn, hiểu một cách cặn kẽ cũng như rộng rãi hơn những phong tục, tập quán trong đời sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Những nghiên cứu mới lần đầu được xuất bản

Trong cuốn sách Địa lý hành chính và tập quán của người Việt vừa được NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam phát hành, có 2 công trình của Nguyễn Văn Huyên lần đầu được công bố, gồm: Nghiên cứu tập quán người ViệtNghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu. Do tình thế phức tạp những năm 1944-1945, các công trình này chưa có cơ hội được in thành sách, mà mới chỉ tồn tại ở dạng bản thảo của tác giả.

Công trình Nghiên cứu tập quán của người Việt xuất phát từ bài diễn thuyết của Nguyễn Văn Huyên ngày 18/7/1943. Còn công trình Nghiên cứu về một tổng của người Việt: tổng Dương Liễu là bản thảo viết tay được thực hiện năm 1944, hiện do gia đình tác giả lưu giữ. Cả 2 công trình đều là những nghiên cứu sắc sảo, có giá trị quan trọng của Nguyễn Văn Huyên về địa lý hành chính và về phong tục, tập quán của người Việt.

Cũng trong 2 công trình này, ta có thể nhận thấy phương pháp làm việc đặc biệt nghiêm cẩn và khoa học của Nguyễn Văn Huyên qua việc đi thực địa và vẽ lại sơ đồ các tổng/làng/xã, việc lập bảng số liệu để đối chiếu, so sánh. Riêng về sơ đồ tổng Dương Liễu, dù mới chỉ dừng ở bản vẽ tay chưa hoàn thiện, ông đã lập trên 20 sơ đồ khác nhau, ở cả cấp độ bao quát lẫn chi tiết, ở nhiều phạm vi, khu vực khác nhau. Hoặc khi khảo sát về vấn đề dân số ở tổng Dương Liễu, ông cũng lập hàng chục bảng số liệu ở các thời điểm, giai đoạn hoặc nội dung khác nhau.

Buổi giao lưu nhân dịp ra mắt cuốn sách Địa lý hành chính và tập quán của người Việt sẽ được tổ chức tại Phố Sách Hà Nội vào 10h ngày 5/2/2024. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TS. Bùi Xuân Đính - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Viện Dân tộc học), biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ.

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/2-cong-trinh-lan-dau-duoc-cong-bo-cua-hoc-gia-nguyen-van-huyen-2024020218051328.htm