2 bí kíp giúp DN đứng vững trước biến động thị trường

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tránh được việc lúng túng trước biến động thị trường nếu gạt bỏ tâm lý chờ đợi khách hàng cũng như chủ động tìm kiếm thông tin và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Thành công nhờ đi đường ngách

Đến cuối quý III/2016, Công ty Cổ phần may Đáp Cầu mới có đơn hàng cho quý IV, trong khi cùng thời điểm này các năm trước, khách hàng đã “đặt chỗ” đến tận quý I, quý II, thậm chí là quý III năm sau.

Chưa kể các đơn hàng mà đơn vị này nhận được cũng không đúng sở trường của doanh nghiệp. Câu chuyện này phản ánh một thực tế cho thấy tình trạng giảm đơn hàng đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã diễn ra từ năm 2015 do khách hàng chuyển sang các nước lân cận trong ASEAN hoặc Bangladesh nhờ chi phí sản xuất, nhân công của các quốc gia này cạnh tranh hơn.

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia của cộng đồng doanh nhân MobiBiz.vn cho biết việc quá phụ thuộc và chờ đợi khách hàng về lâu dài đã khiến doanh nghiệp trở nên thụ động và kém linh hoạt. Ngay cả trong điều kiện thị trường thuận lợi, tăng trưởng cao, doanh nghiệp cũng luôn phải lường trước khả năng thị trường thay đổi để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, chuẩn bị các phương án dự phòng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp quá tập trung vào một phân khúc thị trường phổ biến sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các đối thủ xung quanh. Để “độc chiếm” thị trường, lời khuyên được đưa ra là trong khi các doanh nghiệp cùng ngành chọn “đường lớn” thì người đi sau nên chọn “ngách nhỏ”.

Ông Nguyễn Văn Khải, thành viên HĐQT Công ty thủy sản Bến Tre (ABT) cho biết doanh nghiệp chọn hướng sản xuất sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao và xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Ngoài ra, thay vì chọn đi qua các kênh phân phối truyền thống như chợ, siêu thị… đơn vị này đưa thẳng sản phẩm vào các nhà hàng, khách sạn cao cấp.

Với hướng đi này, ABT phải tự đầu tư tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác.“Tự lượng sức mình là doanh nghiệp nhỏ trong ngành, chúng tôi chọn lối nhỏ để ít đụng chạm”, ông Khải lý giải cho việc chọn đường ngách và khó đi hơn.

Doanh nghiệp có thể đứng vững trước biến động thị trường nếu chọn đường ngách và chủ động tiếp cận thông tin

Chủ động tiếp cận thông tin

Ngoài ra, có một thực trạng chung là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề trong hoạt động kinh doanh mà khó tìm được người tư vấn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ khảo sát của cơ quan này cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Theo đó, chỉ có khoảng 20 - 30% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này. Ngoài ra, chỉ có 51 - 61% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan Trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn là 77%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể chủ động mở rộng cơ hội tìm kiếm thông tin của mình thông qua các diễn đàn, cộng đồng dành cho doanh nhân. Các cộng đồng này có thể không đáp ứng trực tiếp nhu cầu về vốn nhưng lại là nguồn thông tin và kinh nghiệm đa dạng do thành viên cũng như các chuyên gia chia sẻ.

Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, đơn vị đang xây dựng cộng đồng MobiBiz.vn cho biết mỗi tháng, chuyên mục Góc tư vấn của trang này nhận được khoảng 60 - 70 câu hỏi xin tư vấn về nhiều vấn đề về vốn, marketing, xử lý khủng hoảng, quản trị nhân sự… Ngoài việc giải đáp các thắc mắc một cách chi tiết nhất có thể, các chuyên gia thường đưa thêm gợi ý tìm kiếm thông tin (trong các tài liệu, sự kiện…) để khuyến khích doanh nghiệp chủ động mở rộng các nguồn hỗ trợ của riêng mình.

Tấn Tài

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/2-bi-kip-giup-dn-dung-vung-truoc-bien-dong-thi-truong-341930.html