15 năm mở rộng địa giới, thu nhập của người dân Hà Nội tăng 3,5 lần

Thu nhập bình quân đầu người của TP Hà Nội đạt 141,8 triệu đồng trong năm 2022, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD), thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính.

Tháng 5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.

Theo Nghị quyết, thủ đô bao gồm: Hà Nội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Sau sáp nhập, Hà Nội có diện tích rộng hơn 3.300 km2 và nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội cho biết, thời điểm hợp nhất (tháng 8/2008) với dân số 6,2 triệu người, qua 15 năm phát triển, đến nay dân số của Hà Nội khoảng 8,6 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm sáp nhập).

Sau sáp nhập, an sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội được nâng cao. Thành phố triển khai 4 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng. Từ năm 2008, không còn xã, thông trong diện đặc biệt khó khăn.

Người dân huyện Mê Linh nhận tiền bồi thường đường Vành đai 4. (Ảnh: Quang Phong)

Người dân huyện Mê Linh nhận tiền bồi thường đường Vành đai 4. (Ảnh: Quang Phong)

Đời sống nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện một bước đáng kể. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 141,8 triệu đồng, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD).

Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn TP Hà Nội còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 92,5%.

Hà Nội nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, nghề nghiệp có đóng góp quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao.

Định hướng thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại trà; nâng cao dân trí, chú trọng giáo dục chất lượng, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng thế hệ trẻ sáng tạo.

TP Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể trọng dụng nhân tài. Phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030.

Hà Nội định hướng xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực tiếp cận các nước phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng định hướng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện hưởng thụ chính sách. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/15-nam-mo-rong-dia-gioi-thu-nhap-cua-nguoi-dan-ha-noi-tang-3-5-lan-2171344.html