15 năm bền bỉ 'theo đuổi' hạt thóc ở biên giới

Suốt 15 năm qua, BĐBP Quảng Bình đã kiên trì, nỗ lực cùng với người dân ở biên giới khai hoang trồng lúa nước. Từ chỗ chỉ một đám ruộng nhỏ làm thí điểm, sau đó ra các dự án trồng lúa nước lớn, đưa cơ giới vào canh tác. Với sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình, đồng bào ở sát biên giới đã thay đổi cách nghĩ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình về vấn đề này.

Đại tá Trịnh Thanh Bình. Ảnh: Hải Luận

Bộ đội dàn hàng ngang đào đá lấy đất trồng lúa

- Một số người dân ở xã Thượng Hóa nói vui, đồng chí Trịnh Thanh Bình trưởng thành từ thực tiễn ruộng lúa Rục Làn. Cụ thể câu chuyện này là như thế nào?

- Bà con nói như vậy cũng có cái đúng, vì thời điểm triển khai dự án làm lúa nước ở Rục Làn, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tôi giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng. Bây giờ nhìn thấy cánh đồng nặng trĩu hạt lúa, nằm dưới núi đá vôi đẹp như tranh. Để có được như vậy, biết bao nhiêu công sức bộ đội đã đổ xuống đó. Lúc đầu, vùng này có nhiều bụi cây rừng, bộ đội bắt đầu đi chặt cây, đào gốc, dưới đó có từng lớp đá cuội to, bộ đội phải dàn hàng ngang ra đào lấy hết đá tạo ra đất trồng lúa. Rồi đắp bờ giữ xung quanh, cày cuốc, gieo giống, làm cỏ...

Mọi công việc nặng nhọc, chỉ huy đồn đều tham gia ra làm với anh em, khi đó, nỗ lực toàn đơn vị mới đồng lòng, đồn trưởng trực tiếp vác đá, cũng bị ong đốt sưng mặt như chiến sĩ. Để bà con đồng tình, chỉ huy đơn vị cũng phải xuống gặp dân vận động, giải thích chuyện trồng lúa nước. Đối với người đồng bào ở vùng này, không phải chỉ nói một lần đã “lọt tai”, bộ đội kiên trì vận động, kiên trì dùng công sức làm mẫu, làm đến nỗi giống như công việc của gia đình mình.

- Từ lâu, chưa ai làm lúa nước dưới chân núi đá vôi ở vùng biên giới, bộ đội căn cứ vào đâu cùng một lúc làm mấy héc ta?

- Nguồn gốc bắt đầu năm 2009, Đồn Biên phòng Cà Xeng cùng với ông Trần Trung Trực, dân tộc Sách, bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa bỏ công sức khai phá trồng lúa nước đầu tiên khoảng gần 2 sào. Chúng tôi chọn diện tích đất nằm dưới thấp, sát suối nước, vụ đầu tiên gieo giống xuống, gặp trời rét, lúa chết sạch. Rồi làm đi làm lại mấy lần cũng bị thất bại. Vụ sau rút kinh nghiệm, làm lại, lúa vẫn chết, nhưng cứ kiên trì làm tiếp cũng thành công.

Thế nhưng khi cây lúa bén rễ, xanh tốt, bắt đầu làm đòng (chuẩn bị trổ bông), cũng là lúc thành “miếng mồi” ngon ở giữa rừng cho các loại côn trùng, sâu bệnh, nạn chuột, chim... tập trung đến ruộng lúa cắn phá. Bộ đội và ông Trực phải tính kế xua đuổi “khách” không mời đến phá. Làm mọi cách bảo vệ, vụ đầu tiên thu hoạch được 5 tạ lúa, coi như một thành công lớn.

Từ 5 tạ lúa đó, giống như một công trình nghiên cứu khoa học, đã qua thực tiễn nghiệm thu và đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có cơ sở báo cáo lên Bộ Tư lệnh BĐBP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình. UBND tỉnh Quảng Bình giao cho BĐBP tỉnh trực tiếp khảo sát, nghiên cứu, lập đề án phát triển vùng lúa nước Rục Làn. Càng mở rộng diện tích làm lúa, đồng nghĩa công việc của bộ đội tăng lên gấp nhiều lần. Lực lượng tại chỗ của Đồn Biên phòng Cà Xèng kham không nổi, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình phải điều quân các đơn vị khác đến trợ giúp. Tôi nhớ, vụ gặt lúa tháng 7/2011, xe ô tô chở cả một tiểu đoàn huấn luyện tăng cường cho đồn.

Niềm tin hạt thóc

- Thành công ruộng lúa ở Rục Làn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có triển khai thêm ở nơi nào nữa không?

- Làm được lúa ở Rục Làn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lên kế hoạch “tiến quân” vào bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Đất ở đây rất xấu, việc đầu tiên phải lập “lý lịch” cho đất, bốn vấn đề then chốt được đưa ra: Đất giữ nước ở mức trung bình; chất đất thuộc loại cằn; có quá nhiều cây rừng nằm giữa ruộng; tập quán canh tác của đồng bào rất lạc hậu. Biết được “lòng dạ” của đất, chúng tôi xác định mức độ khó khăn, phải trải qua ba vụ sản xuất giai đoạn đầu đạt năng suất không cao, cần kiên nhẫn làm để cải tạo đất cho thuần thục.

Một mình quân của Đồn Biên phòng Làng Ho không thể làm nổi, Bộ Chỉ huy quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Đồn Biên phòng Làng Ho. Điều động cả một tiểu đoàn hành quân đến Tân Ly dựng lán dã chiến, ăn, ở tại chỗ, để khai hoang làm ruộng lúa. Gần 7.000m2 đất đá được bộ đội đào bới bằng tay, những bụi lau to, 10 chiến sĩ khỏe nai lưng đào cả ngày, rồi luồn dây thừng xuống buộc lại, xúm nhau khiêng ra khỏi ruộng. Nhóm khác hạ độ thấp những đám ruộng tạo mặt bằng, hết đám này chuyển sang đám khác, cứ thế mà làm gần tháng trời mới xong.

Ban chỉ huy công trường quyết định dời con đường nhiều đất đá ra phía ngoài bờ suối để lấy đất làm lúa mẫu. Bộ đội dàn hàng đào hết từng lớp đá to, rồi nhặt từng viên đá nhỏ, đắp bờ mới ra hình hài ô ruộng. Nhiều người dân lắc đầu cho rằng, bộ đội sẽ không thu được hạt thóc nào. Kết thúc nhiệm vụ mở đất, đã có 4 cán bộ, chiến sĩ bị đổ bệnh sốt rét tại công trường lúa nước, trong đó, có một chiến sĩ bị sốt rét ác tính co giật. Đến hôm nay, người dân Tân Ly làm 2 vụ lúa/năm ăn chắc, từ những chỗ đất bộ đội khai hoang.

Những năm sau, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục triển khai làm lúa nước tại bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Giai đoạn đầu, bộ đội cũng nai lưng ra làm nhiều công đoạn, rồi dần dần người dân trong bản làm theo.

Lúa ở Rục Làn được mùa. Ảnh: Hải Luận

- Từ một cán bộ chỉ huy cấp đồn trực tiếp khai hoang ruộng lúa, nay là Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, đồng chí có những ấn tượng gì trong quá trình chỉ huy làm lúa nước?

- Có một người đồng bào dân tộc kể lại với tôi bằng giọng địa phương: “Cái chân bộ đội không nghỉ, ngày mô hắn cũng ra ruộng 4 - 5 lần. Có ngày, cả mấy anh em ở luôn ngoài ruộng. Ruộng của mình sát bên bộ đội, nhưng không biết mần chi hết, cái bộ đội nó “múa giống, múa phân” cho mình hết”. Đến hôm nay, ruộng lúa ở Rục Làn, Ka Ai, bộ đội vẫn còn “múa giống, múa phân” giúp cho bà con. Vì bà con bón phân hóa học không đều tay, sẽ ra ruộng lúa giống như da con hổ (chỗ xanh, chỗ vàng).

Hồi mới làm lúa giúp dân, nghe ở đồn báo về Bộ Chỉ huy, lúa bị chuột cắn phá nhiều, có hiện tượng sâu cuốn lá... Cả Bộ Chỉ huy như ngồi trên đóng lửa, lập tức cử người xuống cùng đồn tổ chức diệt chuột, sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỏi các chuyên gia nguồn gốc gây bệnh, để có biện pháp xử lý triệt để vì công sức, tiền của bộ đội đổ ra rất nhiều. Điều đặc biệt quan trọng, tất cả đều đặt niềm tin vào hạt thóc, ruộng không có hạt thóc nào coi như niềm tin của bà con đối với bộ đội có nguy cơ bị “mất trắng”. Đây là lý do 15 năm qua, BĐBP Quảng Bình luôn bền bỉ “theo đuổi” hạt thóc ở biên giới để cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí Chỉ huy trưởng!

Hải Luận (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/15-nam-ben-bi-theo-duoi-hat-thoc-o-bien-gioi-post474178.html