12 tháng sách

Tháng 12 trên văn đàn xuất hiện nhiều cuộc ra mắt sách, giống như cú 'nước rút' cuối năm của những người cầm bút và giới xuất bản.

Tháng 12 trên văn đàn xuất hiện nhiều cuộc ra mắt sách, giống như cú "nước rút" cuối năm của những người cầm bút và giới xuất bản.

Cả ba tác giả đều là người viết không chuyên và hoàn toàn không có ý định trở thành nhà văn. Ba cuốn sách viết về những đề tài khác nhau, đó là: trải nghiệm của một phụ nữ Việt kiều về 14 ngày cách ly tại Việt Nam do đại dịch Covid-19 (Paris +14 của Cù Thu Hương); cuốn nhật ký công bố sau gần 50 năm của một phi công tiêm kích, một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Nhật ký phi công tiêm kích của Nguyễn Ðức Soát); chân dung một nhà cách mạng, một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn với giai đoạn lịch sử cách mạng hào hùng của đất nước (Người công giáo Cộng sản của Trần Việt Trung). Ðiều giống nhau nữa là, khán phòng ra mắt sách lần nào cũng đều đông kín người, khán giả hào hứng ngồi đến tận lúc cuối cùng dù thời gian đã muộn. Họ là ai? Người thân của tác giả, dĩ nhiên, nhưng còn có thêm nhiều người đọc sách mọi lứa tuổi, trong đó có khá đông bạn trẻ. Họ lắng nghe, đặt những câu hỏi thú vị, mua sách, xin chữ ký tác giả, chụp ảnh lưu niệm… Tóm lại, một không khí văn minh, trật tự, chăm chú, tràn ngập những yếu tố văn hóa đọc mà lâu nay chúng ta lo lắng rằng đang bị tụt dốc.

Những năm trước đây, với người cầm bút, việc xuất bản sách đôi lúc gần như là mơ ước. Trong trang đầu của nhiều cuốn sách thường có cụm từ "in chung", nghĩa là hai, thậm chí ba tác giả mới được in chung tác phẩm trong một cuốn sách. Hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Bằng Việt, trước khi thành danh cũng phải đứng chung trong tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" (in năm 1968). Thế nhưng từ sau thời kỳ đổi mới, việc in ấn, xuất bản sách được cởi mở hơn rất nhiều. Các công ty văn hóa - truyền thông liên kết với nhà xuất bản để in sách; mỗi tác giả cũng có thể xin giấy phép của nhà xuất bản rồi tự lo phần in ấn, phát hành tác phẩm. Thay vì một như trước kia thì bây giờ có ba con đường song song để sách đến tay người đọc: nhà xuất bản, các công ty văn hóa - truyền thông và bản thân tác giả. Thời gian đầu, bức tranh xuất bản có phần hơi lộn xộn, sách xuất bản tràn lan, chất lượng không đều, thậm chí có những cuốn chưa thể gọi là sách. Tuy nhiên, chính nhờ sự cởi mở của ngành xuất bản mà trong "thau" bắt đầu xuất hiện khá nhiều "vàng". Mấy năm gần đây, nhiều cuốn sách của tác giả không chuyên đã gây được tiếng vang trong dư luận, thậm chí chỉ ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Có những cuốn, lượng phát hành lên tới nhiều chục nghìn bản như Quân khu Nam Ðồng. Lượng ấn bản ấy, chính các nhà văn, nhà thơ, những cây bút chuyên nghiệp cũng phải mơ ước! Ðiều đáng nói hơn là chất lượng nội dung và văn chương của các cuốn sách ấy cũng khá cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của độc giả. Khi các nhà văn chuyên nghiệp không thể vươn tới mọi ngóc ngách của đời sống, những người cầm bút không chuyên đã bù đắp xuất sắc những khoảng trống ấy, và theo tôi nhiều người trong số họ sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với văn học.

Trở lại với hiện tượng nhiều sách xuất bản và ra mắt trong tháng 12 năm nay, ngoài lý do "dồn toa" vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì dường như đang có những bước chuyển trong bức tranh xuất bản sách và những tín hiệu tích cực của văn hóa đọc trong cộng đồng. Hy vọng tinh thần ấy, không khí ấy sẽ được duy trì cởi mở, để một năm đời sống văn hóa nước nhà chúng ta có đầy đủ 12 tháng sách!

LA PHÙ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/12-thang-sach-629106/