11 nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt đã nêu 11 nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021 diễn ra chiều nay (2/12), báo chí đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về các giải pháp nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt đã nêu 11 nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Thứ nhất, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, để cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư, căn cứ trên Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về văn hóa, Bộ VHTT&DL sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa. Trong đó khẳng định đóng góp của văn hóa đối với kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế… để văn hóa thực sự đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Ngày 24/11 vừa qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội). Ảnh: Tổ Quốc.

Thứ hai, Bộ sẽ tham mưu để hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như khuôn khổ pháp lý hợp lý, các bộ luật quan trọng như Luật về Di sản văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn khai thác, khuyến khích sáng tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, các tổ chức.

Thứ ba, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong đó xây dựng môi trường văn hóa. Ở đây có nội dung quan trọng đó là Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xây dựng Hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ tư, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tạo động lực phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong nội dung này Bộ sẽ tập trung sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, qua để để xây dựng bộ tiêu chí về chỉ số văn hóa quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững.

Thứ năm, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa. Đây là nhu cầu lớn của người dân, do vậy, cần tập trung xây dựng sức mạnh mềm, thương hiệu để phát huy vai trò văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ sáu, bảo vệ phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình, các dữ liệu lớn về văn hóa nghệ thuật, di sản văn hóa các dân tộc của chúng ta. Cùng đó là nâng cấp, khai thác có hiệu quả văn hóa, di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam phù hợp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành trong công nghiệp văn hóa. Đây là nội dung quan trọng, cần tập trung xây dựng chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, nêu được lợi thế, nội dung phù hợp của công nghiệp văn hóa Việt Nam so với thế giới.

Thứ tám, chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế về văn hóa.

Thứ chín, tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Theo đó, cần tập trung vào thế mạnh như Trường đào tạo văn nghệ sĩ…

Thứ mười, quan tâm phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Mười một, tập trung phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//11-nhiem-vu-nham-cu-the-hoa-chi-dao-cua-tong-bi-thu-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-169211202193719171.htm