1001 Lưu ý nhất định phải biết khi áp dụng homeschool

Homeschool được xem là một phương pháp giáo dục mới nhưng cũng là một cách làm khá “liều lĩnh”. Nếu biết áp dụng, kết quả mà home school mang lại là rất tốt. Ngược lại, chỉ cần đi sai 1 bước thôi, hậu quả để lại cũng rất khôn lường. Do đó, khi áp dụng home school, phụ huynh cần phải lưu ý một số điểm sau:

Xác định rõ mục tiêu và mong ước

Lưu ý đầu tiên cho các bậc phụ huynh khi áp dụng phương án homeschool cho con là cần xác định rõ mục tiêu và mong đợi của mình.

Bạn đặt mục tiêu cho con mình đến năm 6 tuổi phải giao tiếp tốt bằng tiếng Anh? Nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo những kỹ năng xã hội khác? Kết thúc homeschool, con bạn sẽ vào đại học hay đi du học…? Những mục tiêu mà bạn đặt ra ngay từ đầu sẽ quyết định đến phương pháp và giáo trình bạn dạy con. Đồng thời, hãy luôn nhớ rằng luôn có một khoảng cách giữa mong đợi và thực tế nên đừng đặt kỳ vọng quá cao và hãy biết chấp nhận những cái xấu, những cái bất lợi.

Không chỉ vậy, phụ huynh nên biết tự lượng sức mình. Có nghĩa là, bạn nên đánh giá và suy nghĩ xem mình có đủ khả năng, kiến thức để dạy con hay không? Hoặc bạn có đủ tâm huyết và thời gian để nâng cấp chuyên môn, bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu hay không? Nếu chưa có câu trả lời thì đừng vội vàng quyết định áp dụng homeschool.

Hiểu con và sẵn sàng vì con

Hơn ai hết, cha mẹ là người gần gũi con nhiều nhất. Do đó, hãy tận dụng lợi thế này để tìm hiểu về con mình, khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của con, sở thích của con, những điểm mạnh điểm yếu của con. Để làm được điều này hãy luôn quan tâm, quan sát và lắng nghe con mình. Khi hiểu được con, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, chọn lọc giáo án phù hợp cho con.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng phải luôn luôn học hỏi, tìm tòi những kiến thức liên quan đến việc học của con, tâm sinh lý của con. Có như vậy thì việc dạy con học sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Môi trường thực tế và những bài học thực tiễn

Điểm mạnh của giáo dục tại nhà đó là các bé có cơ hội được tiếp xúc với môi trường thực tế xung quanh mình, được thực hành nhiều hơn. Vì vậy, cha mẹ nên biết tận dụng điểm mạnh này, tận dụng môi trường thực tế để sáng tạo ra những bài học thực tiễn giúp con xây dựng thói quen tốt.

Ví dụ, mẹ có thể tận dụng không gian phòng bếp để dạy con gái cách làm bánh. Những bước làm đơn giản với những sản phẩm ra lò cũng rất đơn giản nhưng nó giúp các bé hình dung rõ hơn về công việc nội trợ của mẹ. Từ đó, bé sẽ biết giúp đỡ mẹ những công việc nhỏ như nấu cơm, nhặt rau, dọn bàn ăn…

Xây dựng mối liên hệ tình cảm tốt với con

Khi áp dụng phương pháp giáo dục tại nhà, cha mẹ và con cái sẽ có nhiều thời gian bên nhau. Hãy tận dụng thời gian này để thắt chặt mối quan hệ tốt với con. Ngoài những bài học, bố mẹ nên thường xuyên tâm sự, trò chuyện, tìm hiểu về tình cảm, sở thích của con. Việc này sẽ giúp cha mẹ và con cái thêm gắn bó hơn. Khi trẻ cảm nhận được tình cảm yêu thương của bố mẹ dành cho mình, chúng cũng sẽ có thêm động lực để phấn đấu.

Yêu thương, quan tâm, chăm sóc con cũng là một cách dạy con, giúp con hình thành nhân cách tốt, biết yêu thương và chia sẽ với những người xung quanh mình.

Đừng quên học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước

Homeschool dù có nhiều lợi ích những vẫn còn khá mới với nhiều bậc phụ huynh. Do đó, trước khi thử sức với phương pháp này và ngay cả trong quá trình áp dụng, bạn đừng quên tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm của những gia đình đã từng áp dụng thành công. Việc này không chỉ giúp bạn tìm ra những cái tốt, cái hay mà còn có thể tránh được cả những cái xấu, cái sai lầm. Tốt nhất, bạn nên tham khảo đồng thời từ những mô hình homeschool trên thế giới và cả Việt Nam nữa.

Xây dựng cộng động homeschool

Cộng động homeschool là nơi tập hợp những gia đình đang áp dụng homechool cho con em mình. Ở đây, nhóm cha mẹ sẽ chia nhau các công việc như dạy học, nghiên cứu tài liệu, tổ chức hoạt động ngoại khóa, vui chơi… cho các con, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, thắc mắc… trong quá trình dạy và học. Xây dựng cộng đồng homeschool cũng tạo ra môi trường để các con giao lưu kết bạn, hình thành kỹ năng làm việc nhóm…

Ngọc Quí
Tổng hợp

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/1001-luu-y-nhat-dinh-phai-biet-khi-ap-dung-homeschool-n20161103113927430.htm