100.000 hộ dân đang sống tại các chung cư cũ

Trong một văn bản mới đây, đề cập về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, dẫn báo cáo của các tỉnh, thành, Bộ Xây dựng cho biết tại các đô thị trên cả nước hiện có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống.

Các chung cư này chủ yếu tập trung tại Hà Nội (1.579 nhà chung cư), TP HCM (575), Hải Phòng (205), Quảng Ninh (60), Phú Thọ (23), Nghệ An (22), Thanh Hóa (17), Cần Thơ (10)...

Hiện Hà Nội đã thực hiện kiểm định được 401/1.579 nhà chung cư. Trong số 401 nhà chung cư, có 8 nhà chung cư nguy hiểm, thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại.

Trong 8 chung cư cần phá dỡ ở Hà Nội, có 2 dự án đã hoàn thành năm 2020; 2 dự án đang triển khai và 4 dự án chưa lựa chọn chủ đầu tư. Số chung cư còn lại, TP đang tiếp tục đánh giá chất lượng và hoàn thành kiểm định.

Tại TP HCM, đã kiểm định được 462/575 nhà chung cư được xây trước 1975, trong đó có 15 chung cư thuộc diện phải phá dỡ xây dựng lại theo quy định. Hiện TP đã lựa chọn được 10 chủ đầu tư dự án, đang làm thủ tục công nhận 1 chủ đầu tư và 4 dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư đang kêu gọi đầu tư.

Trong khi đó, Hải Phòng sẽ phá dỡ 178 chung cư (7.034 hộ) và xây dựng mới 18 chung cư (7.109 hộ). Đến nay, đã hoàn thành 12/18 chung cư và đến 2022 sẽ hoàn thành 6/18 chung cư còn lại.

Ở Quảng Ninh, trong 60 nhà chung cư cũ, chỉ có 9 nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định. Hiện đang xây lại 9 nhà chung cư này. Phú Thọ có 5 và Nghệ An có 4 nhà chung cư đang được triển khai phá dỡ xây dựng lại.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương có cơ sở thực hiện các hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư từ khâu kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; lập và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức di dời, phá dỡ, triển khai thực hiện dự án…

Tại một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã đạt kết quả tốt do có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương cũng như việc chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất (BT) và huy động tốt nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại bảo đảm an toàn và nâng cao đời sống của người dân.

Còn một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nên tiến độ thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, BCH Đảng bộ TP đồng ý về chủ trương với nội dung đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP.

Nghị quyết nêu rõ, cần quan tâm nghiên cứu giải quyết tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư (hoặc nhà ở tạm thời) và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

Tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D và một số khu chung cư được lựa chọn triển khai ban đầu có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa.

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà chung cư cũ; dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2021.

Văn Sơn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/100000-ho-dan-dang-song-tai-cac-chung-cu-cu-d167520.html