10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà cử tri đặc biệt quan tâm

Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp…

Ảnh minh họa

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy, trong năm 2013, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt cả về hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như củng cố bộ máy, tổ chức thực hiện pháp luật. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước kiềm chế tham nhũng ở một số lĩnh vực...

Cử tri và nhân dân rất quan tâm và hoan nghênh việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, giám sát, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp vừa qua và hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ , vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm.

Cụ thể, theo Báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 ngày 16/9/2013 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIII thì việc áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,16% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử).

Báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 cũng chỉ ra, trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013), riêng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%);

Cũng theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhìn chung, tham nhũng thời gian qua không giảm, nhưng số vụ việc được phát hiện ít, phát hiện có tham nhũng rồi nhưng thu hồi rất ít. Qua thanh kiểm tra có 14 nghìn vụ chuyển cho hình sự, nhưng xử lý hình sự chỉ được 36 vụ, còn lại là xử lý hành chính.

Tổng hợp ý kiến cử tri cũng cho thấy, cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Đó là vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Vinalines; vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn); Vụ án tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP Hồ Chí Minh; Vụ án tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank; Vụ án tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; Vụ án tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Nông; Vụ án tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; 8. Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên; Vụ án tại Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank và vụ án tại Tập đoàn Vinashin.

Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ có những quy định cụ thể hơn về chính sách và yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng lãng phí lớn trong đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng như sân vận động, nhà thi đấu, bến cảng, chợ, trung tâm thương mại; đồng thời có hình thức bảo vệ và khen thưởng thích đáng hơn đối với những người phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=23&newsid=1808547