10 sự thật về máy bay Airbus ít người biết

Airbus là nhà sản xuất máy bay thương mại thân hẹp và thân rộng lớn. Airbus đã cạnh tranh với Boeing từ những năm 1970. Vậy còn điều gì thú vị về Airbus nhiều người chưa biết?

Boeing và Airbus thống trị ngành sản xuất máy bay phản lực thương mại hiện nay. Tuy nhiên, Airbus có nền tảng rất khác với Boeing. Airbus thành lập vào năm 1970, với sự hợp tác của một số nhà sản xuất châu Âu để cạnh tranh với các nhà sản xuất lớn hơn của Mỹ (không chỉ Boeing vào thời điểm này).

Đây là một nỗ lực thực sự trên toàn châu Âu. Pháp dẫn đầu việc xây dựng buồng lái và thân máy bay trung tâm. Cánh được sản xuất ở Anh, các bộ phận thân máy bay khác ở Tây Đức, cánh tà và cánh lướt gió ở Hà Lan, và phần đuôi máy bay ở Tây Ban Nha. Sự hợp tác này vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay.

A300 là máy bay thân rộng hai động cơ đầu tiên, được đưa vào sử dụng năm 1974 với Air France. Ban đầu, mẫu máy bay này được dự định dành cho các chuyến bay châu Âu. Với sự ra đời của các quy tắc ETOPS vào những năm 1980, A300 tiếp tục hoạt động xuyên Đại Tây Dương.

Kể từ khi giới thiệu máy bay A320, Airbus đã sử dụng cách bố trí buồng lái (và quy trình xử lý) gần như giống hệt nhau trên cả buồng lái thân hẹp và buồng lái thân rộng. Điều này giúp giảm chi phí đào tạo phi công.

Các nhà sản xuất máy bay đang tập trung vào việc cải tiến hiệu suất cũng như công nghệ và sự thoải mái cho hành khách. Nhưng nhìn lại, một trong những tiến bộ quan trọng nhất là việc chuyển sang sử dụng công nghệ bay bằng dây. Điều này về cơ bản thay thế điều khiển thủy lực thủ công bằng điều khiển điện tử.

Airbus là nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu công nghệ bay bằng dây, ra mắt trên máy bay A320 vào năm 1987. Airbus kể từ đó đã sử dụng công nghệ này trên tất cả các máy bay, còn Boeing triển khai công nghệ này chậm hơn.

Năm 2019, A320 vượt qua 737 để trở thành máy bay hiện đại được bán nhiều nhất với 15.193 đơn đặt hàng so với 15.136 của Boeing.

Airbus tiến xa hơn vào thị trường 100-150 chỗ với chiếc A220. Tháng 8/2020, Simple Flying gọi A220 là máy bay hoạt động tích cực nhất thế giới với 93,75% đội bay toàn cầu đang hoạt động.

Dù chưa thành công như mong đợi nhưng máy bay A380 là một thành công đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật và là một cột mốc quan trọng của ngành hàng không.

Ngoài máy bay thương mại chiếm 74% doanh thu (theo kết quả năm 2018), Airbus còn sản xuất máy bay trực thăng với các sản phẩm dùng cho mục đích dân sự và quân sự ở 150 quốc gia.

Airbus vận hành một trong những máy bay vận tải hàng hóa lớn nhất thế giới. Đó là BelugaXL, dựa trên khung máy bay A330-200. BelugaXL cung cấp một không gian thân máy bay rộng tới 2.209 mét khối.

Việc chuyển sang giảm carbon và giảm lượng khí thải mang lại nhiều thách thức và cơ hội cho các nhà sản xuất. Airbus có kế hoạch ra mắt loạt máy bay không phát thải mới vào năm 2035. Nguồn ảnh: Simpleflying

Hoàng Minh (theo Simpleflying)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/10-su-that-ve-may-bay-airbus-it-nguoi-biet-1973872.html