10 ngày sau thắng cử, Trump đã làm được gì?

10 ngày trôi đi, tâm điểm của giới quan sát lúc này là bộ máy của Trump có mang lại thay đổi như vị tỷ phú đã hứa, nhất là việc bộ máy chuyển giao đang hoạt động thế nào.

Gian nan đường đến Nhà Trắng của Donald Trump Donald Trump đã từ một tỷ phú, ông trùm hoa hậu, ngôi sao truyền hình thực tế trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thực tế, công việc này đang đình trệ sau khi ông Trump thay ngựa giữa dòng, loại Chris Christie, thống đốc New Jersey, khỏi vị trí đứng đầu đội hình chuyển giao chính quyền từ cuối tuần trước.

Chuyển giao quyền lực chậm trễ

Việc loại Christie có liên quan tới con rể “cưng” Jared Kushner (chồng của Ivanka Trump). Christie từng tống cha Kushner vào tù với lý do trốn thuế vào năm 2004.

Việc Kushner ngày càng có ảnh hưởng với Trump (và có công rất lớn trong việc gò Trump hoạt động có khuôn khổ trong giai đoạn cuối của chiến dịch), việc "thanh trừng" đội ngũ cũ của Christie đang được thực hiện rốt ráo.

Sau cuộc trao đổi hôm 10/11 tại Nhà Trắng với Obama, ông Trump mới hình dung ra được khối lượng khổng lồ về nhân sự cũng như công việc hàng ngày mà tổng thống Mỹ phải đảm đương. Ảnh: Reuters.

Điều đáng tiếc là việc “thay ngựa” đồng thời loại bỏ một số nhân vật rất có năng lực của phe Cộng hòa như Mike Rogers, cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, một người rất có uy tín trong giới quân sự và là ứng viên hàng đầu cho vị trí giám đốc CIA.

Đội hình chuyển giao của Trump cũng chưa làm động tác liên hệ với các bộ như quốc phòng, ngoại giao... của chính quyền Obama là dấu hiệu rõ nhất của việc chậm trễ.

Thách thức 4.000 nhân sự và bổ nhiệm con cái

Thách thức của Trump rất lớn khi phải tuyển được ít nhất 4.000 nhân sự cho chính quyền của mình (1.500 là tổng thống phải bổ nhiệm, 1.100 trong số này còn phải được Thượng viện phê chuẩn).

Ông Trump đã khá sốc sau khi nói chuyện với Obama mới hình dung ra công việc điều hành chính quyền đồ sộ và phức tạp thế nào.

Một điểm cũng được nhắc đến nữa là việc ông Trump cho 3 con của mình và cậu con rể Kushner vào trong nhóm 16 người của đội hình chuyển giao. Đồng thời báo chí đưa tin ông xin cho cả bốn người được tiếp cận hồ sơ tuyệt mật. Trump sau đó đã phản bác thông tin này.

Các nhân vật chủ chốt trong đội hình chuyển giao của Trump: Cựu phụ trách các vấn đề bang Ohio Ken Blackwell, tướng Keith Kellogg, David R. Malpass và cựu Bộ trưởng Tư pháp Edwin Meese (từ trái sang). Ảnh: Washington Post.

Vai trò của Kushner đang ngày càng quan trọng nên việc ông Trump giao vị trí nào cho cậu con rể “cưng” trong tương lai cũng là một dấu hỏi lớn.

Đội hình chuyển giao của Trump hiện có nhiều nhân vật lobby (vận động hàng lang) và thân thiết với những người đóng góp nhiều cho quá trình tranh cử như Ron Nicol, Keith Kellogg, David Malpass. Điều này đặt nhiều lo ngại về tính minh bạch cũng như việc Trump có chịu ảnh hưởng của các nhóm lợi ích hay không.

Về nhân sự chủ chốt, ông Trump đã bổ nhiệm Reince Priebus, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, và bổ nhiệm Steve Bannon, nguyên là người điều hành trang Breibart News và chiến dịch tranh cử của Trump giai đoạn cuối, làm cố vấn cao cấp.

Priebus là bạn thân của Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện, nên có thể giúp Trump có quan hệ tốt với quốc hội. Trong khi ông Bannon lại rất tai tiếng vì phân biệt chủng tộc và chống Do Thái.

Romney hay Giuliani làm ngoại trưởng?

Ngoài hai nhân vật này, ông Trump cũng có vài ứng viên đáng chú ý cho nội các của mình. Cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani và cựu đại sứ tại LHQ John Bolton được coi là ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng.

Ông Giuliani xuất phát là công tố viên, hoàn toàn nghiêng về pháp luật nhưng lại muốn vị trí ngoại trưởng hơn. Trong khi đây là lĩnh vực ông hoàn toàn không có kinh nghiệm.

Ông này còn có mối quan hệ tư vấn với nhiều tổ chức nước ngoài nên có nguy cơ mâu thuẫn lợi ích lớn nhưng Giuliani có công khi bảo vệ Trump kịch liệt trong mọi cuộc khủng hoảng lúc tranh cử.

Ngoài ra, thông tin mới nhất nói ông Trump đã liên hệ cựu ứng viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney, một người phản đối Trump kịch liệt, cho vị trí ngoại trưởng này.

Ông Rudy Giuliani xuất phát là công tố viên, hoàn toàn nghiêng về pháp luật nhưng muốn vị trí ngoại trưởng. Ảnh: Reuters.

Ở vị trí bộ trưởng Quốc phòng, Thượng nghị sĩ Tom Cotton của Arkansas, người từng tham chiến ở Iraq và Afghanistan khi làm sĩ quan lục quân và ông Stephen Hadley, cố vấn an ninh dưới thời George W. Bush, là những ứng viên hàng đầu. Ngoài ra, Hạ nghị sĩ Duncan Hunter, cựu lính thủy đánh bộ chiến đấu ở cả Iraq và Afghanistan, cũng được nhắc đến.

Tướng Michael Flynn được coi là ứng viên chính cho vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia. Đây là nhân vật từng là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng nhưng bị loại ra khỏi đội hình của Lầu Năm Góc vào năm 2014 do bất đồng với chính quyền Obama.

Cựu ứng viên phó tổng thống của ông McCain năm 2008 Sarah Palin được coi là ứng viên cho vị trí bộ trưởng các vấn đề tài nguyên.

10 ngày vẫn còn khá sớm để đánh giá một chính quyền. Nhưng Trump đang khởi động chậm chễ cho quá trình chuyển giao của mình.

Một số điểm chính v ề chính sách của Trump

Tuyên bố giữ một số điểm của Obamacare. Có thể coi là điểm cộng vì loại bỏ Obamacare hiện tại và phải tìm phương án thay thế cho 22 triệu người đang có bảo hiểm từ Obamacare không dễ. Điều khó là sẽ không khả thi khi loại bỏ Obamacare và chỉ giữ lại vài điểm.

Tuyên bố trục xuất 3 triệu người nhập cư trái phép. Được coi là thông điệp nhẹ nhàng hơn trước so với tuyên bố trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép trước đó. Nhìn chung thì trong các nhóm nhập cư, hình ảnh Trump rất xấu.

Trao đổi với lãnh đạo một loạt nước như Nga, Trung Quốc... nhưng Trump không hề nghe thông tin từ Bộ Ngoại giao trước rất nhiều cuộc trao đổi trên. Đây là điều khá hớ hênh khi Trump hầu như không có kinh nghiệm về mảng này.

Thanh Tuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/10-ngay-sau-thang-cu-trump-da-lam-duoc-gi-post698677.html