10 năm tìm hiểu kiến trúc miền Nam xưa của chàng trai Gen Z

Nuôi dưỡng tình yêu dành cho kiến trúc, giá trị văn hóa xưa từ nhỏ, Lương Hoài Trọng Tính kỳ vọng có thể phần nào lan tỏa điều đó qua cuốn 'Nam Kỳ kiến trúc khảo lược'.

Vốn là sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị của Đại học Tôn Đức Thắng, Lương Hoài Trọng Tính có thiên hướng thích tìm hiểu, khai thác những nét đẹp truyền thống của Việt Nam.

"Tuy nhiên, đối với loại hình kiến trúc truyền thống miền Nam xưa, các tài liệu nghiên cứu còn hạn chế, việc tiếp cận đến công chúng nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống thông qua nếp ăn ở xưa lại bị giới hạn. Tư liệu cho sinh viên nghiên cứu khá hiếm", Trọng Tính chia sẻ với Tri thức - Znews.

Bởi vậy, trên tinh thần muốn tận dụng những tư liệu điền dã từ trước của cá nhân, kết hợp với góc nhìn của một sinh viên kiến trúc quy hoạch, chàng trai sinh năm 1997 lên ý tưởng "thiết kế” một tập tài liệu nhỏ, giúp cho những ai cần tìm hiểu về kiến trúc miền Nam có thể tham khảo, đặt tên là Nam Kỳ kiến trúc khảo lược.

Cuốn Nam Kỳ kiến trúc khảo lược được Trọng Tính dành nhiều năm thực hiện. Ảnh: Việt Linh.

Thành quả của nhiều năm nghiên cứu

Tác giả trẻ nhận định đối với một quyển sách biên khảo như Nam Kỳ kiến trúc khảo lược, người viết cần có mắt quan sát thực tế, không thể ngồi tại bàn sách mà tưởng tượng hoặc hình dung một cách mù mờ bằng cách tra cứu tài liệu.

"Từ những năm cấp 3, khi còn là một cậu học trò ở Trà Vinh với chiếc xe đạp, tôi đã thích tìm tòi về các chốn di tích, công trình mang giá trị lịch sử".

"Từ những chuyến điền dã thu thập tư liệu nghiên cứu, đến thời điểm ra mắt quyển sách (năm 2022) cũng ngót 10 năm. Tôi đã đi qua hết 19 tỉnh thành ở miền Nam, tìm kiếm các điểm di tích, những ngôi nhà xưa, công trình cổ để thăm thú, chụp hình tư liệu, ghi chép", anh kể.

Trong quá trình điền dã, việc ghi nhận cũng như tham vấn cộng đồng được thực hiện sát sao nhằm ghi nhận lại những thuật ngữ, tên gọi, lai lịch... liên quan tới các công trình.

Trọng Tính thực hiện nhiều chuyến đi đến các tỉnh thành để thực hiện cuốn sách. Ảnh: NVCC.

Song song đó là việc tra cứu các tư liệu. Nhờ vốn chữ Nho được học khi còn ở quê, Trọng Tính có thể đọc được một số tư liệu Hán Nôm, ngoài ra còn đối chiếu song song các tài liệu ngoại văn khác.

"Nếu cộng chung thời gian để cho ra đời quyển sách này cũng khoảng non 10 năm. Từ lúc phát khởi những bước chân dạo quanh các công trình tại Trà Vinh, rồi sau đó là ở các tỉnh khác. Thời gian lên bản thảo, duyệt, chỉnh sửa cũng tốn gần 2 năm", tác giả trẻ chia sẻ.

Nam Kỳ Kiến trúc khảo lược là cuốn biên khảo về kiến trúc truyền thống tại miền Nam vào giai đoạn trước năm 1945. Tác phẩm ghi chép sơ lược về hệ thống tên gọi kiến trúc, cấu kiện, những khái niệm liên quan đến kiến trúc truyền thống Nam Bộ xưa. Ngoài ra, từng chương mục còn giới thiệu về đặc trưng các dạng công trình phổ biến tại Nam Bộ như: đình, chùa, mồ mả, nhà ở.

Ấn phẩm cũng hệ thống lại các khái niệm, tên gọi, đặc trưng hình thái, mỹ thuật, nội thất trong kiến trúc truyền thống tại Nam Bộ một cách khái quát, có sự so sánh đối chiếu với kiến trúc miền Trung và miền Bắc, qua đó giúp cho độc giả dễ dàng tiếp cận những thông tin cơ bản, đơn giản nhất về kiến trúc miền Nam xưa.

Tôn vinh, lan tỏa các giá trị truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở một trong những gia đình giữ nhiều nếp văn hóa xưa tại Trà Vinh, Trọng Tính được học nhiều về lời ăn tiếng nói, phép tắc ăn mặc, ngôn hành cử chỉ, học chữ Nho, được nghe những câu chuyện xưa từ cha ông. Nhà nội anh cũng có truyền thống về nghề kiến trúc - xây dựng.

"Cũng nhờ gia đình mà tôi vừa có sự yêu thích văn hóa, vừa say mê kiến trúc xưa, hòa quyện được từ cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Dường như nhờ vậy, niềm yêu thích trong tôi dâng lên gấp bội", anh bày tỏ.

Trọng Tính tổ chức nhiều chương trình tôn vinh văn hóa truyền thống. Ảnh: NVCC.

Với tình yêu văn hóa, giá trị truyền thống được nuôi dưỡng từ nhỏ, Trọng Tính cũng sớm bắt tay vào những dự án gìn giữ, lan tỏa.

Từ khi còn là sinh viên, anh đã cùng bạn thành lập "Đại Nam hội quán" - dự án đem văn hóa truyền thống đến gần với người hiện đại hơn thông qua những buổi trình diễn (y phục truyền thống, tái hiện đám cưới xưa, tái hiện Tết xưa...), vấn đáp, điền dã. Ngoài ra còn kết hợp với các đơn vị đình, chùa tổ chức các cuộc tham quan học hỏi cho các bạn trẻ. Hiện, dự án vẫn đang tiếp tục hoạt động.

"Đối với tôi, văn hóa luôn tồn tại nếu chúng ta trân quý nó. Tôi muốn gắn kết văn hóa với nhiều người, từ già tới trẻ, những ai muốn 'đắm chìm' vào những cung cách lịch thiệp của người xưa thì văn hóa càng được phát huy và được nuôi dưỡng từ những người Việt Nam, không còn chỉ trên giấy trắng mực đen, mà còn là từ những hành động thực tế, mà tôi hay gọi là 'thực hành văn hóa' từ trong gia đình, ngoài xã hội".

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/10-nam-tim-hieu-kien-truc-mien-nam-xua-cua-chang-trai-gen-z-post1450315.html