10 năm sau thảm kịch khiến hơn 1.100 người trong ngành may mặc thiệt mạng ở Bangladesh

Vào sáng 24-4-2013, hơn 1.100 người đã thiệt mạng khi Rana Plaza, tòa nhà 8 tầng có 5 nhà máy may mặc ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh, bị sập trong khoảng 90 giây. Đó là thảm kịch tồi tệ nhất đối với ngành may mặc nước này. Cho đến nay, có gì thay đổi với các công nhân ở quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới?

Cảnh tượng kinh hoàng sau vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh cách đây 10 năm

Chấn động vụ sập nhà ở Rana Plaza

Hôm đó, sàn nhà đổ sập xuống chân Shahida Begum khi cô vừa quay sang hỏi đồng nghiệp tại sao đèn lại tắt. Còn Kabir Mollah cho biết, anh đang kiểm tra quần áo thì một người bạn gọi điện, hét lên rằng tòa nhà đang nghiêng rất nguy hiểm. Nazma Begum kể lại, sáng đó cô vừa gội đầu, tóc để xõa và còn ướt. Khi một cột bê tông đè lên, cô không thể di chuyển đầu hoặc cơ thể của mình.

“Một ngày trước khi vụ sập xảy ra, tôi phải về nhà vì những vết nứt lớn xuất hiện trong tòa nhà và máy phát điện liên tục bị cắt. Mọi người đều kinh hãi. Nhưng chúng tôi đã trở lại làm việc vào ngày hôm sau vì phải kiếm tiền. Khi tai nạn xảy ra, tôi vẫn đứng trước máy của mình và bị sốc ngay khi mái nhà sụp xuống trên đầu. Một cây cột đè lên giữa thân làm gãy xương sống của tôi và giết chết đồng nghiệp xung quanh. Tôi hét lên cho đến khi mất hết cảm giác về thời gian và chìm trong bóng tối”, chị Noor Banu, 30 tuổi kể.

Đây được coi là vụ tai nạn khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong lịch sử ngành may mặc hiện đại và là một trong những sự cố công nghiệp tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nó cũng cho thấy cái giá phải trả của những công nhân may mặc lương thấp ở Nam bán cầu khi nhu cầu về xu hướng thời trang giá rẻ tăng vọt ở phương Tây. Các nhà bán lẻ thời trang hiếm khi sở hữu các nhà máy mà thay vào đó, phần lớn họ đặt gia công hàng may mặc và giày dép từ các thị trường mới nổi như Bangladesh với chi phí nhân công rẻ.

Thảm kịch đã dẫn đến việc phải tính toán lại về an toàn tại nơi làm việc cho công nhân may mặc và trách nhiệm của các thương hiệu bán quần áo giá rẻ cho người tiêu dùng phương Tây.

Sau 10 năm cải cách

Sau sự việc, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế lấy nguồn hàng may mặc ở Bangladesh đã nhanh chóng tuyên bố tham gia 2 thỏa thuận để đảm bảo an toàn cho công nhân trong các nhà máy may mặc. Hiệp định về An toàn phòng cháy, chữa cháy và tòa nhà được ký kết lần đầu tiên vào tháng 5-2013. Đó là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý giữa các chủ sở hữu nhà máy, các hiệp hội toàn cầu và các thương hiệu quần áo châu Âu nhằm tạo ra một chương trình kiểm tra và khắc phục nhằm giảm thiểu rủi ro về an toàn hỏa hoạn, xây dựng, điện và nồi hơi cho công nhân nhà máy ở Bangladesh. Cùng với đó, Liên minh vì sự an toàn của người lao động Bangladesh, một thỏa thuận không ràng buộc về mặt pháp lý áp dụng cho các thương hiệu Bắc Mỹ đã được triển khai cùng năm. Kể từ đó, đã có 56.000 cuộc kiểm tra tại 2.400 nhà máy ở Bangladesh và hơn 140.000 vấn đề đã được khắc phục.

10 năm trôi qua, các buổi cầu nguyện tưởng niệm nạn nhân vụ tai nạn vẫn được tổ chức trực tuyến và trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Dhaka, London và New York. Một cuộc khảo sát gần đây về những người sống sót sau thảm kịch của ActionAid cho thấy, hơn một nửa số người thất nghiệp, trong đó sức khỏe thể chất là lý do chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Chỉ hơn một phần ba đã trở lại làm việc trong các nhà máy may mặc. Một phần ba cũng cho biết, họ vẫn bị tổn thương và có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khu phức hợp chưa được xây dựng lại.

Shiuly Khanom, người từng làm việc 9 năm trên tầng 8 của tòa nhà Rana Plaza đã khóc khi cho biết cô chỉ nhận được khoảng 50 USD tiền bồi thường của Chính phủ. Vụ sập nhà khiến tủy sống của cô bị dập gãy, trong khi cô là một góa phụ phải nuôi 3 cô con gái nhỏ. “Ngay cả bây giờ, tôi không thể ngủ được. Tôi dùng thuốc ngủ nhưng cũng không đủ để thoát khỏi bóng ma của quá khứ hay nỗi sợ hãi về tương lai”.

Hiện Bangladesh có 7.000 nhà máy may và là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Gần đây, chương trình thí điểm bảo hiểm tai nạn lao động đã bắt đầu tại 150 nhà máy ở Bangladesh. Nó tạo nguồn bồi thường và phục hồi chức năng cho những công nhân bị thương trong ngành may mặc. Nhưng hàng nghìn nhà máy ở Bangladesh vẫn không phải tuân theo bất kỳ hiệp định nào. Và vì thế, cuộc sống của nhiều người trong số 40 triệu công nhân may mặc ở Nam Á vẫn là một cuộc đấu tranh liên tục, khi họ phải vật lộn với mức lương thấp, bị lạm dụng mà không được bảo vệ.

Theo (Theo New York Times)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/10-nam-sau-tham-kich-khien-hon-1100-nguoi-trong-nganh-may-mac-thiet-mang-o-bangladesh-post538295.antd