10 năm đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo

Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua (Nghị quyết số 29). Sau 10 năm triển khai thực hiện, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương.

Kỳ 3: Khởi sắc chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào Khmer

Đón năm học 2023 - 2024 sắp tới, các em học sinh Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng) phấn khởi hơn vì trường sẽ đưa vào sử dụng khu ký túc xá mới. Theo thầy Kim Văn Ngói - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, khu ký túc xá mới được UBND tỉnh đầu tư sẽ được bàn giao trong tháng 7 năm nay với 24 phòng, nâng tổng số phòng ký túc xá hiện có của trường lên 66 phòng. Phấn khởi hơn, dự kiến trong năm 2024, từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, trường sẽ được đầu tư thêm 30 phòng ký túc xá, giúp các em học sinh của trường có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Ảnh: THIỆN HẢI

Mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục, diện mạo các trường dân tộc nội trú ngày càng khởi sắc. Khoảng 10 năm trước, cơ sở vật chất Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương còn nhiều khó khăn, chưa có ký túc xá, học sinh phải ở nhà tạm, phòng học cũng còn thiếu thốn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của tỉnh, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Cùng với việc từng bước xây dựng các khu ký túc xá, gần đây, tỉnh cũng đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học, nâng tổng số phòng học tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương lên 22 phòng. Ngoài ra, hàng tháng các em học sinh trong trường còn được hỗ trợ học bổng là 80% mức lương tối thiểu và được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định.

Em Lý Thanh Ương - học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình em khá khó khăn. Tuy nhiên, khi học tại trường, em được thụ hưởng các chính sách đặc thù và được nhà trường kết nối với nhà hảo tâm để hỗ trợ học bổng. Môi trường học tập thoải mái với các bạn học thân thiện, có sân bãi để tham gia các môn thể thao”. Với thành tích học tập tốt cùng với việc đạt được nhiều giải thưởng từ các kỳ thi học sinh giỏi nên trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Thanh Ương tự tin xét tuyển vào ngành sư phạm Toán.

Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giảng dạy, góp phần giúp Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương trở thành một trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục đứng đầu của tỉnh. Nếu như năm học 2020 - 2021, trường có trên 70% số học sinh đậu đại học, thì đến năm 2021 - 2022 đã nâng lên trên 85%. Đặc biệt, hàng năm còn có từ 20 - 30 học sinh tại trường du học ở các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật, Đức...

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Long Phú, trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 đạt 100%, tỷ lệ học sinh giỏi chiếm hơn 31%, khá chiếm hơn 57%. Thầy Liêng Hiền Sư - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Long Phú cho biết: “Các em học sinh của trường rất ngoan và ý thức học tập cao, tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước khoảng 10% và không có học sinh yếu kém”. Kết quả này ngoài sự nỗ lực của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Long Phú còn phải kể đến sự quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước khi thời gian qua đã dành nhiều nguồn kinh phí để đầu tư cho trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo thầy Liêng Hiền Sư, gần đây, trường được đầu tư xây mới 10 phòng ký túc xá và các hạng mục quan trọng khác nhằm đảm bảo cho học sinh ở nội trú. Trước đó, phòng ký túc xá chỉ đáp ứng cho khoảng 70% số học sinh tại trường. Đặc biệt, thời gian tới, trường còn được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng các phòng chức năng, phòng bộ môn, thư viện và các phòng hỗ trợ cho hoạt động giáo dục… với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng, góp phần giúp trường đạt chuẩn quốc gia.

Khu ký túc xá được xây dựng gần đây của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Long Phú. Ảnh: THIỆN HẢI

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Do đó, việc tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào Khmer là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình hành động số 34-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29. Hiện nay, toàn tỉnh có 5/10 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50% và tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để trong năm 2023 có thêm 2 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong năm 2022 đã có 3 trường dân tộc nội trú được khởi công xây dựng. Đến nay, khối lượng đạt 85% so với kế hoạch và đang chuẩn bị mời thầu mua sắm thiết bị gắn với các công trình.

Với nhiều chính sách được triển khai đồng bộ, công tác giáo dục và đào tạo đối với học sinh dân tộc Khmer đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh dân tộc Khmer được huy động đến lớp từ mầm non đến trung học phổ thông là 94.132/266.874 học sinh toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 35,27% trên tổng số học sinh. Toàn tỉnh hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú với 102 lớp, có 3.352/24.610 học sinh Khmer cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông theo học. Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, tỉnh đặc biệt quan tâm tới việc dạy và học tiếng dân tộc để góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết và văn hóa dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 133 trường dạy tiếng Khmer với 1.686 lớp. Trong đó, tiểu học có 94 trường, trung học cơ sở có 32 trường với 337 lớp, trung học phổ thông có 7 trường với 50 lớp. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với Đài Phát thanh - và Truyền hình Sóc Trăng tổ chức dạy tiếng Khmer trên truyền hình, một số chùa còn tổ chức dạy tiếng Khmer cho học sinh vào mỗi dịp nghỉ hè. Tỷ lệ học sinh nói chung và học sinh là đồng bào Khmer nói riêng được học nghề và có việc làm trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực.

Nhìn lại sau 10 năm phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, Nhà giáo nhân dân Lâm Es - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm của ngành giáo dục, các đoàn thể, phụ huynh học sinh, công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh nói chung và trong vùng đồng bào Khmer nói riêng có nhiều bước phát triển. Nổi bật dễ nhận thấy là cơ sở vật chất ngày càng phát triển, trong đó có các trường dân tộc nội trú ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, được hỗ trợ thông qua các chính sách dân tộc để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Cán bộ quản lý, giáo viên cũng tự học, tự rèn nâng cao trình độ, đa số đều được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại mới.

Việc đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng với việc triển khai các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng nông thôn với khu vực thành thị. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn. Đây là tiền đề để góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

TRỌNG NHÂN - THIỆN HẢI

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc/10-nam-doi-moi-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-65934.html