10 loại thuốc nên có sẵn trong tủ thuốc gia đình

Trong mỗi gia đình Việt Nam thường sống cùng nhiều thế hệ. Mỗi thế hệ lại hay mắc phải một số bệnh cấp tính, mạn tính khác nhau. Do đó trong tủ thuốc luôn cần có một ít các loại thuốc dưới đây để khi sức khỏe gặp phải bất trắc mà chưa kịp đi khám bệnh ngay, có thể mang ra sử dụng.

1. Thuốc giảm đau acetaminophen (paracetamol) cần có trong tủ thuốc

Thuốc acetaminophen có thể dùng cho nhiều triệu chứng đau nhức, nóng sốt, nhưng thường dùng nhất là cho các cơn đau đầu từ nhẹ đến vừa. Thông thường liều dùng là 2 viên 500mg một lần cho đau đầu ở người lớn, tối đa 3 lần một ngày (6 viên một ngày) hay tổng cộng là 3g.

Trường hợp bệnh nhân thấy đau nhức đầu kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như sốt, co giật, yếu cơ thể... cần gọi cho bác sĩ ngay, không nên chỉ dùng thuốc và ở nhà đợi giảm đau, bởi đây là tình huống có thể nguy hiểm. Lưu ý bệnh nhân có bệnh về gan không nên uống quá 3 viên 500mg một ngày.

Thuốc acetaminophen còn có liều mạnh là 650mg mỗi viên, có thể dùng cho đau xương khớp hoặc đau nhức cơ thể. Có thể uống 2 viên tương đương 1.300mg ngày 2 lần. Khi đã uống thuốc rồi mà vẫn còn đau thì nên đến gặp bác sĩ ngay, không nên dùng thuốc nhiều hơn hướng dẫn.

Trên thị trường có nhiều loại thuốc cảm sốt phối hợp các hoạt chất, với nhiều tên thương mại khác nhau, nhưng đa phần các loại thuốc này trong thành phần đều có acetaminophen. Vì thế nếu đã uống một trong các thuốc cảm sốt có acetaminophen thì phải cẩn thận không dùng cùng acetaminophen đơn độc, vì liều tổng cộng có thể cao dẫn đến ngộ độc thuốc.

2. Thuốc kháng viêm giảm đau, hạ sốt nhóm NSAID

Thuốc giảm đau nhức và hạ sốt NSAID như aspirin, ibuprofen, naproxen… thường được dùng chữa đau nhức xương khớp. Các thuốc nhóm này có tác dụng giảm viêm sưng, từ đó giúp giảm đau, giảm sốt. Phụ nữ bị đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt cũng có thể dùng thuốc nhóm này để giảm đau vì thuốc có tác dụng giảm đau và giảm co thắt. Do đó, nhóm thuốc này nên có trong tủ thuốc gia đình.

Tuy nhiên, các thuốc nhóm này có thể có tác dụng phụ nguy hiểm như loét dạ dày dẫn đến xuất huyết dạ dày và tổn thương thận. Các liều dùng tùy theo loại thuốc, hàm lượng thuốc. Chẳng hạn như ibuprofen thường có hàm lượng là 200mg hoặc 400mg, naproxen có hàm lượng là 500mg, aspirin là 81mg. Nên ngưng ngay thuốc nếu có những triệu chứng như đau dạ dày hay buồn nôn. Bệnh nhân có bệnh thận mạn tính hay tiền sử loét dạ dày thì cần thận trọng hơn, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc NSAID.

Trong mỗi gia đình cần có một số thuốc cần thiết.

3. Thuốc chống dị ứng

Các thuốc chống dị ứng như diphenhydramine, loratadine, cetirizine hoặc fexofenadine có thể được sử dụng khi bị dị ứng (có thể trữ một trong các thuốc này).

Các dị ứng da như nổi mề đay, ngứa, nổi mẩn đỏ rất hay thường gặp khi tiếp xúc với phấn hoa, hóa chất, hay ăn đồ biển.. Các thuốc nêu trên có thể giúp giảm các triệu chứng ngứa và dị ứng. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc vài ngày mà vẫn còn các triệu chứng thì nên đi khám ngay.

4. Thuốc trị đau dạ dày

Thuốc giảm đau dạ dày bao gồm các thuốc giảm acid như PPI (omeprazole, lansoprazole), kháng histamine H2 (famotidine), thuốc kháng acid (như tums, calcium carbonate, magnesium hydroxide)...

Viêm loét bao tử, ợ chua, ăn không tiêu, đau tức ngực, đầy hơi… gặp ở rất nhiều người. Nguyên nhân chính có thể là do trong dịch vị dạ dày tiết ra quá nhiều acid. Các thuốc giảm acid hay kháng acid có thể sử dụng để tạm thời giảm đau, nhưng không được dùng kéo dài, thường xuyên.

Các thuốc PPI giảm acid là loại mạnh nhất, tồn tại lâu trong cơ thể, nên chỉ uống omeprazole hoặc lansoprazole trong thời gian ngắn, tối đa 2 tuần. Cần gặp bác sĩ để làm xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori, nếu vẫn còn bị đau sau khi uống PPI theo liệu trình. Sau khi uống thuốc PPI vài giờ mới bắt đầu có tác dụng.

Thuốc kháng histamine H2 (famotidine) cũng là thuốc giảm acid dạ dày nhưng nhẹ hơn PPI. Thuốc có thể uống lâu hơn 2 tuần do ít có tác dụng phụ hơn PPI. Famotidine cũng có thể chỉ định cho trường hợp mang thai. Famotidine không nên uống kèm với rượu vì tác dụng phụ nhức đầu hay chóng mặt tăng cao. Sau khi uống thuốc khoảng 1-2 giờ, thuốc mới phát huy tác dụng.

Thuốc kháng acid là loại khi uống vào sẽ giúp trung hòa acid, nên có hiệu quả tức thì trong vòng 30 phút. Nên dùng 1 viên thuốc trong nhóm này nhai rồi nuốt cùng với nước. Phối hợp cùng famotidine hoặc PPI để giảm hẳn cơn đau.

Lưu ý các loại thuốc giảm acid hoặc kháng acid đều có thể có tác dụng phụ như chóng mặt nhẹ.

5. Thuốc trị tiêu chảy

Thuốc trị tiêu chảy như loperamide, bismuth subsalicylate - là loại thuốc cần lúc nửa đêm, chẳng may bị tiêu chảy. Loperamide làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn trong ruột, giúp cơ thể có thời gian hấp thụ lại nước, làm giảm tiêu chảy. Bismuth cân bằng các chất trong chất lỏng trong ruột, giúp cơ thể hấp thụ lại nước, giảm tiêu chảy... nhưng chỉ nên dùng 1 loại bistmuth hay loperamide nếu bị tiêu chảy.

Tác dụng phụ của 2 loại thuốc này là táo bón (nếu uống nhiều) và nhức đầu, chóng mặt.

Nếu tiêu chảy kéo dài nên gặp bác sĩ vì có thể liên quan đến những bệnh khác như hội chứng kích thích ruột hay nhiễm trùng đường ruột. Các trường hợp không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy này là tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, virut, nhiễm độc thực phẩm, do dùng thuốc kháng sinh thời gian dài, rối loạn tiêu hóa.

7. Thuốc ngủ

Giấc ngủ là nền móng của một hệ miễn dịch tốt. Khi ngủ không đủ, sẽ thấy mệt mỏi, khó chịu, làm việc kém và d ễ mắc bệnh do hệ miễn dịch yếu đi. Các thuốc melatonin, valerian, benadryl hoặc acetaminophen PM có thể hỗ trợ giúp dễ ngủ hơn. Các loại thuốc này mặc dù không gây nghiện nhưng chỉ nên dùng ngắn hạn.

Melatonin là loại hormone tự nhiên do cơ thể tiết ra nhiều khi chuẩn bị đến giờ ngủ và giảm dần khi chúng ta gần thức dậy. Vì vậy, tăng lượng hormone melatonin bằng cách dùng thuốc là một cách hiệu quả để chữa mất ngủ ngắn hạn. Tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra là nhức đầu hoặc chóng mặt khi thức dậy.

Thuốc benadryl hoặc doxylamine là những dạng kháng histamin gây buồn ngủ. Dùng lâu dài có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm như gặp ác mộng, nhức đầu, chóng mặt khi thức dậy. Thuốc kháng histamin có thể phối hợp với các hoạt chất acetaminophen vừa có tác dụng giảm đau vừa gây buồn ngủ như acetaminophen PM hay aleve PM.

Valerian là chiết xuất từ cây, dễ gây buồn ngủ, có thể dùng chữa mất ngủ ngắn hạn. Tác dụng phụ có thể xảy ra gồm nhức đầu, chóng mặt khi thức dậy.

Lưu ý nếu bị mất ngủ lâu dài, cần gặp bác sĩ ngay vì những nguy hiểm xảy ra biến chứng như đột quỵ, trụy tim, trầm cảm hoặc các bệnh ở tiêu hóa.

8. Kem bôi ngứa da

Da nổi mẩn và đỏ ngứa là triệu chứng hay gặp của các bệnh viêm da cơ địa, dị ứng, hay côn trùng cắn. Các thuốc bôi ngứa như hydrocortisone 1%, kem benadryl, kem calamine, mỡ kháng sinh triple antibiotic có thể giúp giảm nhanh tình trạng ngứa, giảm tổn thương da.

Kem hydrocortisone không kê đơn thường nồng độ 1% (kem kê toa thường là 2.5%). Hydrocortisone là loại kem steroid thuộc dạng nhẹ. Tuy nhiên, tránh dùng kem này ở vùng da mỏng như da mặt, da vùng cổ, vùng kín. Tránh dùng kem hydrocortisone lâu dài do kem steroid có thể làm da mỏng, teo da, tạo ra mạch máu li ti gây mất thẩm mỹ.

Kem benadryl có chất kháng histamin. Loại này có thể dùng với người bị dị ứng với kem steroid hoặc dùng kết hợp giúp giảm nhanh tình trạng ngứa hơn.

Kem calamine là một lựa chọn khác để trị ngứa và trị đau rát nhẹ, đặc biệt do tiếp xúc với cây bụi rậm.

Kem lotion dưỡng da cũng là một loại kem trị ngứa hiệu quả. Khi da khô, da bị nhăn, bị thiếu nước rất dễ bị ngứa. Lotion dưỡng ẩm, dưỡng da sẽ giúp giảm tình trạng ngứa rát do da khô.

Mỡ kháng sinh triple antibiotic cũng là loại thuốc nên có dành cho các trường hợp phỏng nhẹ, đứt tay, gãy ngứa vết thương lâu lành. Mỡ kháng sinh giúp da giữ ẩm và làm lành vết thương trong lúc ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.

Thuốc nên cất trong lọ và có kèm chỉ dẫn cụ thể.

9. Thuốc ho, giảm đờm, nghẹt mũi

Ho là một triệu chứng rất khó chịu, kèm theo nghẹt mũi, tăng đờm thường gặp khi thời tiết giao mùa, mùa xuân.

Các thuốc như guaifenesin, dextromethorphan, fluticasone, oxymetazoline dạng xịt, hoặc pseudoephedrine cũng nên có trong tủ thuốc ở mỗi gia đình.

Guaifenesin trị ho bằng cách giảm đờm trong thanh quản, giảm khó chịu. Trong khi đó dextromethorphan ức chế phản xạ ho. Kết hợp dextromethorphan và guaifenesin giúp chữa ho giảm đờm khá hiệu quả. Dùng thuốc dị ứng loratadine có thể giảm ho nếu ho do dị ứng.

Khi bị nghẹt mũi có thể dùng thuốc xịt fluticasone hay oxymetazoline. Lưu ý là không nên dùng thuốc xịt mũi quá lâu do có thể gây nghẹt mũi trở lại. Thay vào đó, tập các bài hít thở để tăng không khí đường mũi. Có thể dùng thuốc pseudoephedrine để cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Các tác dụng phụ có thể của các thuốc chống nghẹt mũi/ho là nhức đầu, khô cổ, đắng cổ. Lưu ý là các thuốc này chỉ nên dùng ngắn hạn.

10. Thuốc nhỏ mắt và thuốc nhỏ tai

Các bệnh về mắt như ngứa mắt, đỏ mắt do dị ứng, viêm nhiễm vi khuẩn, virus, hay khô mắt sẽ làm mắt khó chịu. Vì vậy, nên có sẵn trong nhà lọ nước mắt nhân tạo sẽ giúp đôi mắt quý vị dịu mát hơn.

Các loại thuốc nhỏ mắt dị ứng chứa ketotifen fumarate là loại nhỏ mắt không kê đơn dùng khi mắt bị đỏ do dị ứng.

Kháng sinh chloramphenicol 0.5% nhỏ mắt trong trường hợp mắt bị nhiễm khuẩn.

Lỗ tai bị đóng ráy lâu ngày có thể cản trở thính lực, có thể có thể mua dung dịch pha loãng hydrogen peroxide-urea hoặc dầu mineral oil để làm mềm ráy tai.

Trường hợp thính lực không cải thiện, cần đi gặp bác sĩ ngay.

Lưu ý chung:

- Các thuốc nêu trên tuy mua không cần toa bác sĩ nhưng vẫn có thể có tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là khi uống quá liều hay uống liên tục lâu dài.

- Những loại thuốc này có thể tương tác với các loại thuốc khác đang uống, ảnh hưởng đến hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó tốt nhất chỉ nên uống thuốc trong thời gian ngắn từ 1-2 ngày. Sau đó tình trạng bệnh không giảm thì nên gặp bác sĩ. Tình huống bất thường với những triệu chứng nguy hiểm hơn thì nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức.

- Trong tủ thuốc gia đình nên có số điện thoại bác sĩ. Có ghi nhớ các loại dị ứng thuốc của người nhà các hướng dẫn sử dụng thuốc.

- Tủ thuốc gia đình phải cách xa tầm với của trẻ em và thú nuôi.

Những bài thuốc trị bệnh từ cây mơ lông | SKĐS

TS.BS Huỳnh Wuyn Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/10-loai-thuoc-nen-co-san-trong-tu-thuoc-gia-dinh-169240328152326344.htm