10 loại hình kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên hồ Tây

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Quyết định Quy định quản lý và khai thác hồ Tây cho phép 10 danh mục kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực hồ Tây.

Quyết định nêu rõ, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, khi tham gia các hoạt động trong phạm vi quản lý hồ Tây phải chấp hành các nội dung của Quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

10 loại hình kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên hồ Tây. (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định, danh mục, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi, giải trí trên khu vực quản lý hồ Tây gồm:

1. Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy: Thuyền, cano, mô tô nước, xe đạp nước… (không lưu trú qua đêm).

2. Kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn.

3. Kinh doanh sân tập golf trên mặt nước.

4. Hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm.

5. Tổ chức các lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền.

6. Hoạt động bơi, lặn.

7. Xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh hồ Tây.

8. Biểu diễn nhạc nước.

9. Khinh khí cầu.

10. Bay dù lượn.

Quyết định cũng nêu rõ việc quản lý, khai thác hồ Tây phải đảm bảo phát triển bền vững phục vụ cho lợi ích cộng đồng; mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý hồ Tây phải tuân theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan và bảo đảm điều hòa hệ thống thoát nước Thành phố.

Bảo vệ môi trường hồ Tây phải gắn với bảo vệ môi trường trong khu vực. Mọi hoạt động quản lý, khai thác phải thường xuyên lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất và phối hợp với các Sở, ngành Thành phố thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Quy định này.

Nhiều năm qua, công tác quản lý hồ Tây đã gặp khó khăn, bất cập khi có nhiều đơn vị tham gia. Để bảo tồn, phát huy các giá trị tiềm năng, lợi thế của hồ Tây, ngày 10/1/2024, UBND Thành phố ra Quyết định số 178 về việc “Thành lập Ban Quản lý hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ”.

Theo đó, Ban Quản lý hồ Tây là cơ quan thường trực, tham mưu, giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực hồ Tây và vùng phụ cận, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND Thành phố.

Ban Quản lý hồ Tây chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các Đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác hồ Tây và vùng phụ cận, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, đảm bảo cho việc phát triển bền vững khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; thực hiện một số chức năng của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực hồ Tây và vùng phụ cận khi được ủy quyền.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/10-loai-hinh-kinh-doanh-dich-vu-duoc-phep-hoat-dong-tren-ho-tay-166937.html