1.300 học sinh Gia Lai tham gia thử thách 'Cung đường biết nói'

Ngày 29/10, Quỹ AIP với Ủy ban ATGT gia và Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã tổ chức hoạt động ngoại khóa 'Tuổi trẻ và những cung đường biết nói'.

Học sinh tại Pleiku tham gia cuộc thi với thông điệp "tuổi trẻ hành động vì những cung đường an toàn". Ảnh: Tạ Vĩnh Yên.

Cuộc thi do Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu, Quỹ Botnar, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á tài trợ với sự phối hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia.

Cuộc thi vì ATGT tạo sân chơi lớn với 1.300 học sinh từ 10 trường THCS và THPT tại Pleiku tham dự.

Theo AIP, dự án "Tuổi trẻ và những cung đường biết nói" đã cách mạng hóa các biện pháp an toàn đường bộ ở Việt Nam thông qua việc áp dụng công nghệ tại ứng dụng YEA.

Thông qua ứng dụng YEA, các cơ quan chức năng sẽ được cung cấp thông tin dữ liệu dưới dạng khuyến nghị và dựa trên bằng chứng để từ đó góp phần đưa ra các biện pháp can thiệp an toàn đường bộ hiệu quả nhất. Ý kiến phản hồi của các em sẽ hỗ trợ xác định các điểm đen giao thông để thực hiện đánh giá chi tiết hơn về mức độ an toàn của khu vực trường học.

Kể từ khi ứng dụng được triển khai thí điểm; các học sinh, sinh viên đã chia sẻ ý kiến của riêng mình bằng cách ghim hơn 18.000 điểm cho các địa điểm gần trường học kèm theo ghi chú về những rủi ro an toàn đường bộ mà các em cảm nhận được. Ý kiến phản hồi của các em đã hỗ trợ dự án xác định các vị trí có nguy cơ để thực hiện đánh giá xếp hạng sao của khu vực trường học bằng cách sử dụng công cụ xếp hạng trường học an toàn.

Sau khi thí điểm Ứng dụng YEA, Quỹ AIP đã thực hiện khảo sát với 1.468 học sinh, sinh viên để đo lường những thay đổi về kiến thức và thái độ của họ. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có kiến thức tốt hoặc xuất sắc tăng đáng kể từ 55,8% lên 80,6%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên thể hiện thái độ tích cực tăng từ 42,1% lên 58,6%.

Học sinh Pleiku và vũ đạo Cung Đường Biết Nói - AIP Foundation x DATMANIAC (feat. CAM) I Youth Act for Safer Roads. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Ông Hà Anh Thái, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, dự án ATGT trên chủ yếu là khuyến khích thanh, thiếu niên tham gia phản ánh những bất cập của hạ tầng thông qua ứng dụng YEA sử dụng công nghệ thông tin dữ liệu lớn. Cơ quan quản lý sẽ tham khảo thông tin từ đó có kế hoạch đánh giá, khắc phục.

Cũng theo ông Hà Anh Thái, dự án "Thử thách sáng tạo cùng Cung đường biết nói" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông khu vực trường học, kêu gọi thanh thiếu niên chia sẻ ý kiến của mình về các nguy cơ mất an toàn giao thông, cung cấp thông tin đến các cấp quản lý và chính quyền trong công tác đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Dự án "Tuổi trẻ và những cung đường biết nói" được triển khai tại thành phố Pleiku từ tháng 3/2021, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2024.

Văn Tư

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/1300-hoc-sinh-gia-lai-tham-gia-thu-thach-cung-duong-biet-noi-192231029193957904.htm