Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng

Năng suất lao động là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội. Theo giới nghiên cứu, năng suất lao động là vấn đề cốt lõi trong việc nâng cao trình độ sản xuất, năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế… Do vậy, tăng năng suất lao động vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ và là một phương thức đổi mới hoạt động doanh nghiệp. Rộng hơn, có thể xem là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, năng suất lao động xã hội lại là một màu trầm trong bức tranh kinh tế năm 2022 - cũng có thể là chỉ tiêu duy nhất mà nước ta không đạt được trong năm nay (ước đạt 4,7-5,2%, mục tiêu đặt ra là 5,5%). Và, Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế là mức tăng năng suất lao động chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với nhiều quốc gia trong khu vực (thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia...). Đây là vấn đề đáng phải suy nghĩ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, như: Chất lượng lao động thấp, ý thức lao động chưa cao, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng lao động… Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa tính đến các yếu tố phát triển nguồn nhân lực; tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch nguồn lao động… Chưa kể đến sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu thị trường; các ngành công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics tạo giá trị gia tăng cao nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 25%, năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các ngành khác.

Trong tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động được xem là giải pháp nâng cao năng lực nội sinh, trình độ sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế... Theo phân tích của giới chuyên gia, tăng năng suất lao động 1% sẽ giúp Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 0,94 điểm phần trăm; gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và người lao động. Do vậy, tăng năng suất lao động là việc bắt buộc phải làm.

Trước hết, cần xác định con người là yếu tố trung tâm, là nguồn lực quan trọng nhất, cũng là mục tiêu của sự phát triển, do vậy cùng với việc đổi mới công nghệ, môi trường sản xuất, chuyển đổi số… cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, coi đây là bước đột phá để thay đổi phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó là rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kết nối các cơ sở đào tạo với thị trường lao động để giải quyết các vấn đề cung - cầu. Mặt khác là “nói không” với nhân công giá rẻ, từng bước nâng cao giá trị lao động Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xây dựng chiến lược về nâng cao năng suất lao động, qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động trong nước, cần xây dựng chính sách thu hút trí tuệ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh… cho công cuộc phát triển đất nước. Về phía người lao động, cần nhận thức rõ kỹ năng nghề nghiệp là yếu tố sống còn trong thời đại mới để nâng cao năng lực, giá trị lao động, từ đó tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Năng suất lao động là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia và để có năng suất lao động cao thì điều quan trọng nhất là nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1046249/yeu-to-thuc-day-tang-truong