Yêu sớm ở tuổi học trò - Bài 1: Đừng thờ ơ với những thay đổi tâm sinh lý

Một trong những nỗi lo lắng của tất cả các bậc cha mẹ và cả giáo viên hiện nay đó là việc học trò yêu sớm.

Ngày càng có nhiều vụ việc yêu sớm được phát hiện với những hệ lụy phần nhiều mang ý nghĩa tiêu cực xảy ra như đánh nhau, thậm chí nạo phá thai ở tuổi vị thành niên… Làm sao để những “rung động đầu đời” này dừng lại đúng với ý nghĩa trong sáng? Vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng bởi không ai khác, đây là những người gần gũi nhất với các em. Và trong sự biến chuyển của xã hội hôm nay, nhiều quan niệm cũng cần được nhìn nhận và đánh giá lại, trong đó có việc có nên ngăn cấm “yêu sớm”…

Một cảnh về tình yêu tuổi học trò trong phim “Mắt biếc”.

Quan tâm đến những biểu hiện tâm sinh lý dù là nhỏ nhất của mỗi trẻ chính là cách ngăn ngừa tốt nhất những sự việc không mong muốn xảy ra, trong đó có hệ lụy của việc yêu sớm khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Những “rung động đầu đời”

Một cô giáo Trường THPT Việt Nam – Ba Lan có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm từng tâm sự với tôi về những sự việc dở khóc, dở cười liên quan tới tình yêu tuổi học trò. Hồi mới ra trường, vì còn trẻ lại khá tâm lý, cô từng được học sinh tin tưởng xin lời khuyên về việc “em rất thích thầy giáo dạy môn Vật lý vì thầy đẹp trai, vui tính. Mỗi tiết học của thầy là em không thể lắng nghe, ghi chép được gì vì mải… ngắm thầy”. Hay khi phát hiện hai học sinh nam và nữ ngồi bàn trên, bàn dưới trong lớp có tình cảm với nhau vì trong một tiết học, cô bắt gặp tờ giấy truyền tin giữa hai học trò.

Thay vì làm um lên trước lớp, cô giáo đã chọn cách gặp riêng từng học sinh để trò chuyện, tâm sự nhẹ nhàng với các em với mục đích để sự việc không đi quá xa, lứa tuổi này quan trọng nhất vẫn là chuyện học tập. “Sau này, khi cả hai ra trường, học đại học thì không còn thích nhau nữa. Đến nay, mỗi khi họp lớp, gặp lại tôi, cả hai vẫn nói cảm ơn vì hồi ấy” – cô giáo dạy ngữ văn này bày tỏ.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội, thực chất, nhiều tình cảm tuổi học trò, như chính các em tâm sự sau này với ông rằng mới dừng lại ở những dòng tin nhắn, những sự quan tâm hơn bình thường tới nhau như tặng hộp trà sữa, cuốn sổ kỷ niệm… Có những tình cảm kín đáo, e dè nhưng cũng có trò bộc lộ sự thân mật rõ ràng ở chốn trường lớp thì thầy cô trước hết cần là người nhạy cảm, làm chủ cảm xúc, thái độ của mình với nguyên tắc là tôn trọng các em. Sau đó, với trách nhiệm của mình và kinh nghiệm của một người lớn, trưởng thành hơn có thể gặp riêng từng học trò để lắng nghe chia sẻ của các em. Có nhiều cách để khuyên nhủ, dẫn dắt học trò đi vào con đường đúng đắn nhưng tuyệt đối không phải là mắng mỏ hay quát tháo, dọa dẫm các em. Đôi khi, chỉ cần một thái độ đồng cảm.

Đồng hành cùng con

Theo TS. BS Đỗ Minh Loan (Bệnh viện Nhi Trung ương), mỗi lứa tuổi đều có đặc điểm tâm sinh lý riêng. Trong đó, dậy thì là giai đoạn phát triển từ trẻ em sang người trưởng thành, được bắt đầu từ 10 tuổi đến 19 tuổi là giai đoạn trẻ có những thay đổi rõ rệt cần được các bậc phụ huynh quan tâm, đồng hành cùng con.

Theo đó, để nhận biết con đang bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, điều đầu tiên bố mẹ cần chú ý đến là sự phát triển về thể chất. Điều này có thể dễ dàng nhận ra về sự thay đổi mạnh mẽ cả về chiều cao, cân nặng… Tuy nhiên, những thay đổi về tâm lý ở tuổi dậy thì lại có thể bị nhiều người bỏ qua, coi là không quá quan trọng.

Chẳng hạn, về tính độc lập của trẻ, quan tâm đến hình ảnh cơ thể, quan hệ với bạn bè… Đặc biệt, những thay đổi về nhận thức diễn ra rất mạnh như khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi. Đặc biệt đề cao giá trị bản thân nên dễ dẫn đến hành vi, nguy cơ tự tử, trầm cảm, nghiện thuốc…

Bác sĩ Loan cho biết rất nhiều phụ huynh đã chủ quan với sự thay đổi tâm lý của trẻ ở độ tuổi dậy thì. Điều này là vô cùng nguy hiểm, bởi không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Chính vì vậy, những người gần gũi với các em, đặc biệt là bậc phụ huynh ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban…thì cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó để chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.

Vừa qua, hai nữ sinh đang học tại Trường THCS Đặng Trần Côn và Trường THCS Nguyễn Huệ (cùng Q. Tân Phú, TP HCM) đã xảy ra mâu thuẫn tới mức đánh nhau. Bắt nguồn từ việc cả hai nữ sinh đều có tình cảm với một nam sinh cùng khối, hai bên liên tục có những bình luận khiêu khích nhau trên mạng xã hội. Sau đó, hai học sinh này đã hẹn nhau “nói chuyện” với khá đông sự chứng kiến của bạn bè hai bên. Tuy nhiên, khi gặp nhau, một nhóm đã lao vào đánh nữ sinh bên kia, vừa đánh vừa quay clip, hò reo còn nhóm bạn của nữ sinh này không dám can ngăn.

Trước đó, các nữ sinh ở Lạng Sơn cũng bị xử lý kỷ luật vì đánh nhau. Trong đó, 2 em học sinh lớp 7 đã đánh 2 học sinh lớp 9 Trường THCS xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn do mâu thuẫn tình cảm cá nhân.

Mọi sự việc đều có điểm bắt đầu. Nếu như trong những câu chuyện này, phụ huynh sát sao hơn tới hoạt động của con em mình bằng các cách khác nhau thì hẳn sẽ ngăn chặn được những vụ việc đau lòng này. Trong một chia sẻ về vấn đề đồng hành con, nhà báo Hồ Thị Hải Âu từng cho biết, chị và con gái của mình từng phân tích và đi đến thống nhất là chưa dùng facebook ở thời điểm này. Song qua một người bạn, chị biết được con gái mình đã lập facebook nhưng lại không thông báo và “ẩn” với mẹ mình. Đi qua trạng thái sốc ban đầu, phụ huynh này đã tìm cách nói chuyện với con mình như một người bạn thay vì chỉ trích, mắng mỏ con…

Ngày nay, việc cấm đoán con sử dụng mạng xã hội, không dùng điện thoại… đã không còn phù hợp. Tương tự như vậy, việc yêu sớm ở tuổi học trò đã được các chuyên gia chỉ ra với những phân tích cụ thể đó là một phần biểu hiện của những thay đổi tâm sinh lý theo từng độ tuổi, có thể khác nhau với mỗi người. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình bằng cách thường xuyên trò chuyện, quan sát những hành động, lời nói, thậm chí biểu hiện của con để từ đó nhận ra những khác lạ trong suy nghĩ, nhận thức của con để có định hướng phù hợp.

(Còn nữa)

Ngăn cấm có thể gây ra tác dụng ngược

Đó là quan điểm của TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM. Theo ông, không ít phụ huynh đánh mất con chỉ vì không có cách ứng xử khéo léo khi phát hiện con yêu sớm. Ở lứa tuổi 13, 14 là lứa tuổi đang muốn chứng tỏ mình ‘đã lớn’, thích làm ngược lời cha mẹ, dễ nghe lời bạn bè. Vì thế, chỉ cần ngăn cấm, đánh mắng, con sẽ lập tức phản kháng bằng những hành động bồng bột, nông nổi, nhẹ thì cãi lại, nặng hơn thì bỏ nhà đi, rất nguy hiểm.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/yeu-som-o-tuoi-hoc-tro--bai-1-dung-tho-o-voi-nhung-thay-doi-tam-sinh-ly-547155.html