Yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc rất mập mờ

Trao đổi với PV Lao Động sáng 11.11 bên lề Hội thảo quốc tế lần thứ năm “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, Giáo sư Clive Summons - Trường Luật Trinity, Đại học Dublin - nhận định: “Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc rất mập mờ và có thể gây ra nhiều vấn đề nếu xem xét dưới góc độ luật pháp quốc tế”.

Giáo sư Clive Summons - Trường Luật Trinity, Đại học Dublin.

Không cường quốc nào có thể áp dụng “luật riêng”

Giáo sư Summons cũng phân tích về sự thay đổi trong yêu sách chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc thời gian qua. “Ban đầu, Trung Quốc chỉ giới hạn các quyền lịch sử trên biển Đông với việc đánh bắt cá. Sau đó, Trung Quốc thay đổi yêu sách bao gồm cả với tài nguyên ở đáy biển bao quanh khu vực 200 hải lý của quần đảo Trường Sa. Tôi nghĩ đây là diễn biến tiêu cực, có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp trên biển Đông” - ông nói.

Theo ông Termsak Chalermpalanupap - học giả Thái Lan tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore - không một cường quốc nào có thể áp dụng “luật riêng của mình”. Ông nhấn mạnh, cần nỗ lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ và có trách nhiệm hơn trong việc thực thi luật pháp quốc tế như Công ước Luật Biển của LHQ.

Tiến sĩ Ralf Emmers - Trường Quan hệ quốc tế Rajaratnam, Singapore - nhận định, điều cần thiết hiện nay là những biện pháp cụ thể để có thể giải quyết các bất đồng nảy sinh, đặc biệt trong việc đánh bắt cá trên biển Đông, tránh cho chúng trở thành các khủng hoảng ngoại giao. Ông cũng cho rằng Trung Quốc đã có thay đổi tích cực khi đồng ý chính thức tham vấn COC vào tháng 9 vừa qua, dù nhấn mạnh “đây sẽ là cả một tiến trình tham vấn và đàm phán lâu dài, chứ không thể trông đợi hoàn tất được COC ngay lập tức”.

Tuy nhiên, ông Termsak Chalermpalanupap - học giả Thái Lan tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore - nhận định, Trung Quốc và ASEAN vẫn có những cách tiếp cận khác biệt về COC. Phía ASEAN cho rằng DOC không đủ hiệu lực để có thể ngăn cản những bất đồng nổ ra như năm 2011, 2012, vì vậy cần phải hướng đến cam kết mạnh hơn như COC. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng DOC vẫn chưa được thực hiện hết và cần tiếp tục thực hiện DOC. “Vì vậy, dù quá trình tham vấn COC đã bắt đầu, song quan điểm của Trung Quốc cho rằng đây chỉ là một phần của tiến trình thực hiện DOC; trong khi các quốc gia ASEAN lại xem đây như một tiến triển mới” - ông bình luận.

Tiến sĩ Termsak cũng cho rằng, việc các nhóm làm việc hỗn hợp Trung Quốc - ASEAN về DOC sẽ tiến hành đồng thời tham vấn về COC mang lại những tín hiệu vừa tích cực, vừa không tích cực. “Mặt tốt là các nhóm làm việc hỗn hợp sẽ gặp mặt 4 lần vào năm tới, tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc, trong lúc trước đây chỉ là 1 hay 2 lần một năm; nhưng tin không tốt là nó chỉ là các cuộc gặp của quan chức tầm trung và không thể đưa ra được những quyết định chính sách mới” - ông bình luận.

Biển Đông: “Thuốc thử” hòa bình và an ninh khu vực

Trong bài phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao VN Đặng Đình Quý cho rằng, tình hình biển Đông trong 5 năm tới sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc và vẫn là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Theo ông, biển Đông đã trở thành “thuốc thử” đối với chiến lược và chính sách đối ngoại của các nước; “thuốc thử” đối với hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới. Giám đốc Học viện Ngoại giao khuyến cáo về chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước, trong lúc lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Xu hướng này sẽ làm cho tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.

Ông Nyan Lynn - Phó Tổng thư ký ASEAN - đã giúp chuyển tải thông điệp của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh gửi hội thảo, nhấn mạnh vai trò chủ thể của ASEAN trong việc giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông. “Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN” - thông điệp của Tổng Thư ký ASEAN khẳng định. Tổng Thư ký Lê Lương Minh đề xuất, thời gian tới ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC.

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ năm về biển Đông diễn ra trong 2 ngày từ 11-12.11 với 9 phiên họp và tập trung vào thảo luận các chủ đề chính như quản lý xung đột và tương lai của biển Đông; quan hệ giữa các nước lớn và biển Đông; kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển... Đây là hội thảo kỷ niệm 5 năm Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Hội Luật gia VN tổ chức chuỗi hội thảo biển Đông từ năm 2009.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/yeu-sach-luoi-bo-cua-trung-quoc-rat-map-mo/147271.bld