Yên nghỉ “Bà đầm thép”

Ngày 8/4 vừa qua, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã qua đời ở tuổi 87 sau một cơn đột quị. Sự ra đi của bà đánh dấu sự kết thúc của một trong những chính khách quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ XX, mang theo một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước Anh.

Margaret Thatcher năm 26 tuổi (năm 1951) - nữ chính trị gia trẻ tuổi nhất trong hàng ngũ đảng Bảo thủ.

“Khi có những sai lầm, chúng ta cầu mong sẽ có sự thật”

Phát ngôn viên của gia đình cho biết nữ Thủ tướng duy nhất của Anh từ trước tới nay đã thanh thản về thế giới bên kia sáng ngày 8/4 sau một cơn tai biến. Vài phút sau khi tin buồn lan đi, người dân đã tới đặt hoa kèm lời chia buồn bên ngoài nhà bà ở London.

Sau khi nghe tin, đương kim Thủ tướng David Cameron đã cắt ngắn chuyến thăm Pháp và Tây Ban Nha. Trong một thông điệp ngắn, Thủ tướng Anh nhấn mạnh: "Nước Anh vừa mất đi một nhà lãnh đạo lớn, một vị Thủ tướng tài ba và một công dân vĩ đại". Nữ hoàng Anh Elizabeth II bày tỏ đau buồn trước việc bà Thatcher từ trần, và chấp thuận kế hoạch tang lễ có lễ nghi quân cách và di chuyển linh cữu trên các đường phố London trước khi đến làm lễ tại Nhà thờ Thánh Phao-Lô.

Là người phụ nữ duy nhất giữ chức vụ Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher được coi là một trong những chính khách quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ XX. Được mệnh danh là "Bà đầm thép", bà Thatcher đã làm thay đổi cục diện kinh tế của nước Anh, đem lại vinh quang cho Vương quốc Anh trên vũ đài quốc tế.

Sinh năm 1925 tại Grantham - miền Trung nước Anh, trong một gia đình chuyên nghề làm bánh, Margaret Thatcher học về hóa học và luật nhưng sau đó chuyển sang chính trị và đã tham gia vào các hoạt động chính trị trong hàng ngũ cánh bảo thủ. Vào nửa đầu thập niên 70, bà Margaret Thatcher được chỉ định vào chức vụ Bộ trưởng Giáo dục.

Năm 1975, bà lên lãnh đạo đảng Bảo thủ và 4 năm sau đó, đảng của bà giành được chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử ở Hạ viện. Margaret Thatcher ngồi vào ghế Thủ tướng năm 1979 và từ đó đã liên tục giữ chức vụ cho đến ngày 22/11/1990. Đây là một kỷ lục đối với một nữ chính khách.

Những năm tháng dưới thời Thatcher, chính quyền London đã mạnh tay trong công cuộc tư hữu hóa, giảm thuế cho người dân, cho các doanh nghiệp, giảm hàng loạt các khoản chi tiêu công và nhất là giới hạn ảnh hưởng của các công đoàn. Cũng chính trong những năm tháng bà cầm quyền, số người thất nghiệp tại Anh vượt ngưỡng 3 triệu. Thủ tướng Margaret Thatcher đã phải đối đầu với đợt đình công rất quyết liệt của giới thợ mỏ vào đầu những năm 80.

Trên trường quốc tế, Margaret Thatcher đã từng rất thân thiết với Tổng thống Mỹ thời đó là ông Ronald Reagan và Thủ tướng Anh đã tạo uy tín rất lớn đối với lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbatchev. Giới sử gia cho rằng, bà Thatcher từng đóng một vai trò quan trọng trong những năm tháng cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Bà Thatcher là một người phụ nữ thẳng thắn. Ngoài kỳ tích là phụ nữ đầu tiên làm Thủ tướng Anh, bà Thatcher còn được xem là một nhà lãnh đạo thế giới được kính nể và ăn nói mạnh bạo trong suốt 11 năm cầm quyền. Khi lần đầu tiên lên cầm quyền, bà bày tỏ hy vọng: "Khi có những bất đồng, chúng ta cầu mong sự hòa hợp, khi có sai lầm chúng ta cầu mong sẽ có sự thật, khi có nghi ngờ, chúng ta cầu mong sẽ mang lại niềm tin và khi có thất vọng, chúng ta cầu mong sẽ có hy vọng".

Trong quyển tự truyện của mình, bà Thatcher nói rằng thành tựu quan trọng nhất của bà khi làm Thủ tướng là đưa nước Anh chuyển từ chính sách mà bà gọi là "chủ nghĩa xã hội mềm mỏng" sang một xã hội tự do doanh nghiệp.

5 năm sau khi rời chức vụ, bà nói trong buổi phỏng vấn truyền hình rằng bà đã phục hồi vị trí của nước Anh trên thế giới, nhờ lập trường không nao núng về tự do. Điều này đã được nhắc lại khi bà lên án cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait năm 1990.

Tính cách mạnh mẽ, cương nghị mang lại cho bà biệt danh “Bà đầm thép”.

Người luôn chống đối kế hoạch của Liên minh châu Âu

Thời gian lãnh đạo của bà Thatcher gây nên nhiều tranh luận. Bà giảm bớt quyền lực của các công đoàn và cắt bớt chi tiêu công, tư hữu hóa những công ty quốc doanh và chuyển đảng Bảo thủ trung dung của bà sang cánh hữu nhiều hơn.

Bà không bao giờ che giấu sự chống đối của bà đối với kế hoạch của Liên minh châu Âu muốn các nước trong liên minh hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế và chính trị. Bà Thatcher cảnh báo kế hoạch đó sẽ tước đoạt chủ quyền của nước Anh.

Là phụ nữ duy nhất của EU giữ chức vụ lãnh đạo một nước lúc bấy giờ, dấu ấn của bà Thatcher là ví xách tay màu đen bà thường mang trên cánh tay. Dư luận gọi bà là "handbagging", vừa có nghĩa là mang túi xách nơi cánh tay, vừa có nghĩa là người ăn nói thẳng thừng và sắc bén, một người hay "tấn công mạnh mẽ người khác bằng lời nói". Từ này muốn nói tới những đả kích của bà chống lại những nhà lãnh đạo EU muốn châu Âu trở thành một khối thống nhất chặt chẽ hơn.

Về điểm này bà nói: "Bạn không thể có được nhà lãnh đạo chính xác như bạn mong muốn. Đây là sự lựa chọn giữa những gì đang có. Chắc chắn là có nhiều người không nghĩ rằng tôi là nhà lãnh đạo lý tưởng, đặc biệt là những người muốn đi vào châu Âu sâu đậm hơn là tôi".

Dù gặp nhiều chỉ trích, một Margaret Thatcher kiên cường đã thắng lớn cho nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, việc chuyển sang cánh hữu rõ ràng của bà làm nhiều người trong đảng của bà bất bình. Bà mất chức lãnh đạo đảng và thủ tướng vào năm 1990. Sau đó bà được Nữ hoàng Elizabeth phong chức Nam tước và được bổ nhiệm vào Viện Quý tộc.

Vụ "ám sát chính trị" Thatcher là một trong những giai đoạn ly kỳ nhất trong lịch sử chính trị nước Anh. Ý tưởng cho rằng vị Thủ tướng lâu năm - bất khả chiến bại trong các cuộc thăm dò dư luận - bị loại khỏi quyền lực bởi một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng xem ra là điều không tưởng. Thế nhưng, đến năm 1990, bắt đầu xuất hiện những bất bình đối với chính sách của Thatcher về thuế vụ ở cấp địa phương, về những bất cập trong điều hành nền kinh tế (nhất là việc để lãi suất lên đến 15%, bào mòn sự ủng hộ dành cho bà trong giới doanh nhân), và sự phân hóa bên trong đảng Bảo thủ về lập trường hội nhập vào châu Âu làm cho đảng cầm quyền càng dễ bị tổn thương.

Ngày 1/11/1990, Sir Geoffrey Howe, một trong những đồng minh lâu đời và kiên trung nhất của Thatcher, từ chức Phó thủ tướng để phản đối chính sách của bà về châu Âu. Trong bài diễn văn từ chức đọc trước Hạ viện, Howe cho rằng, đã đến lúc "những người khác cần xét lại thái độ của mình đối với vấn đề trung thành", là điều mà ông đã phải suy nghĩ từ lâu. Sau đó, một cựu thành viên nội các khác, Michael Heseltine, công khai thách thức quyền lãnh đạo đảng của Thatcher, thu hút sự ủng hộ đủ để vượt qua vòng bỏ phiếu đầu để tiến vào vòng hai. Lúc đầu, Thatcher cho biết bà sẽ đi tiếp vòng hai, nhưng sau đó lại quyết định rút lui khỏi cuộc đua sau khi hỏi ý kiến các đồng sự trong nội các.

Ngày 22/11/1990, trong bài diễn văn từ nhiệm, bà nói: "Sau khi tham khảo ý kiến các đồng sự, tôi tin rằng sự đoàn kết của đảng và triển vọng cho sự thành công trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới sẽ được phục vụ tốt hơn nếu tôi rút lui để các đồng sự của tôi trong nội các có thể bầu chọn một nhà lãnh đạo mới. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người trong và ngoài nội các đã dành cho tôi nhiều sự hỗ trợ quý báu". Với sự ủng hộ của Thatcher, John Major giành được quyền lãnh đạo đảng. Thatcher rời khỏi Hạ viện sau cuộc bầu cử năm 1992.

Trong bài diễn văn năm 1996, bà Thatcher đổ lỗi cho ban lãnh đạo mới của đảng mất đi sự ủng hộ của quần chúng vì họ đã phản bội những nguyên tắc của bà. Chủ trương của bà là kinh doanh tự do, thay vì một cỗ máy chính quyền to lớn.

Bà không ngần ngại đưa ra những lời khuyên cho người kế vị, ông John Major, khi ông này tranh đấu để cho đảng Bảo thủ tiếp tục cầm quyền nhưng bất thành: "Đừng bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực. Nếu bạn tin vào thông điệp của bạn thì bạn phải thắng, vì bạn biết là thông điệp trong tay bạn sẽ được điều hành hiệu quả hơn những người hiện nói là đồng ý với thông điệp này nhưng không bao giờ nghĩ đến nó trước tiên".

Mỉa mai thay, vào năm 1997, đảng Lao động đổi mới hay còn gọi là Công đảng, đã từ bỏ những ngôn từ xã hội và chấp nhận chiến lược của bà Thatcher để lên cầm quyền và đẩy đảng Bảo thủ của bà vào thế đối lập.

Bà Thatcher không muốn ngồi yên ở hậu trường ngay cả vào những năm cuối đời. Bà vận động không mệt mỏi cho những ứng cử viên đảng Bảo thủ trên toàn quốc và sẵn sàng đưa ra những lời khuyên và ủng hộ thế hệ lãnh đạo kế tiếp của đảng này.

Bị bệnh mất trí nhớ Alzheimer từ nhiều năm qua và nhiều lần bị đột quị, bà Margaret Thatcher hầu như không phát biểu trước công chúng từ năm 2002. Trong thời gian gần đây, cựu Thủ tướng Anh đã nhiều lần phải nhập viện

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2013/4/80489.cand