Yên Mô khẩn trương khống chế dịch sốt xuất huyết

Là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận nhiều nhất tỉnh, trong đó có những ổ dịch kéo dài, huyện Yên Mô đã và đang khẩn trương có nhiều biện pháp khống chế, dập dịch.

Phun thuốc khử trùng tại khu vực ổ dịch xã Khánh Thịnh.

Theo báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ ngày 20/6 đến ngày 27/10, huyện Yên Mô ghi nhận 66 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 ca nội tỉnh, còn lại là ca bệnh xâm nhập. Cùng với đó là hơn chục ổ dịch xuất hiện tại hàng chục địa phương trong huyện. Trong đó, ổ dịch tại xóm 4, xã Khánh Thịnh có số ca bệnh cao nhất huyện và tỉnh, đang hoạt động với 11 ca bệnh đã được ghi nhận.

Bà Bùi Thị Nh., xã Khánh Thịnh là người mới được điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết sau 5 ngày nhập viện. Bà Nh. cho biết: Tôi bị mắc sốt xuất huyết nhưng cũng chủ quan, cứ tự điều trị ở nhà. Sau đó bệnh nặng mới nhập viện. Tôi phải chuyển tuyến trên để theo dõi điều trị. Các bác sĩ cho biết, nếu không kịp thời nhập viện, tôi có thể bị các biến chứng nặng nề, nguy hiểm như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, chảy máu nội tạng..., ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng.

Được cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn, tôi rút kinh nghiệm cho bản thân và gia đình trong việc ăn, ở hợp vệ sinh; phòng chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết do muỗi gây ra bằng cách ngủ mắc màn, không để nước tù đọng trong các dụng cụ chứa nước; giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng..." - bà Nh. nói.

Khánh Thịnh được xác định là ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên của huyện Yên Mô. Tính từ ngày 20/6 đến ngày 01/11, tại đây ghi nhận 16 ca bệnh, trong đó có 11 ca nội sinh. Xã Khánh Thịnh cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cùng số ổ dịch cao nhất huyện.

Bác sĩ Trịnh Văn Tiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khánh Thịnh cho biết: Để sốt xuất huyết không bùng phát thành dịch lớn, xã đã thành lập đội xung kích diệt loăng quăng, bọ gậy; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở các khu dân cư và nơi có ổ dịch. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bằng việc phát quang bụi rậm, phun hóa chất, vận động nhân dân tự phun thuốc muỗi tại nhà, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tính từ tháng 6/2023 đến ngày 2/11, huyện Yên Mô ghi nhận 66 ca bệnh sốt xuất huyết ở 15 xã, thị trấn, với 16 ổ dịch. Đến nay, đã có 60 ca bệnh được điều trị khỏi bệnh. Sức khỏe các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đã ổn định, không có biến chứng nặng. Toàn huyện còn 6 ổ dịch ở các xã Khánh Thịnh, Yên Thành, Yên Thắng, Yên Nhân, Yên Mỹ đang hoạt động.

Bác sĩ Phạm Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Mô cho biết: Môi trường sống không đảm bảo được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc muỗi sinh sôi, đem theo mầm bệnh truyền nhiễm tại các gia đình. Do đó việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng chống và chủ động với các biện pháp dập dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế có ý nghĩa quyết định phần lớn đối với công tác khống chế dịch tại địa phương.

Ngay khi trên địa bàn xuất hiện các ổ dịch, với các ca bệnh nội sinh, Trung tâm Y tế huyện đã cử đội đáp ứng nhanh, phối hợp cùng lực lượng y tế địa phương khoanh vùng, dập dịch. Cùng với đó điều tra chủ động véc-tơ, xét nghiệm xác định chỉ số mật độ muỗi cũng như loăng quăng, bọ gậy, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại nhà bệnh nhân và các khu vực xung quanh. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền tới người dân qua hệ thống truyền thanh 3 cấp, trực tiếp phát tờ rơi, xuống tận gia đình hướng dẫn, giúp nhân dân nêu cao ý thức phòng bệnh và chống dịch.

Theo các bác sĩ y tế dự phòng, nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên địa bàn thời gian gần đây là do thời tiết mưa, nắng đan xen, nhiệt độ thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Cùng với đó công tác vệ sinh môi trường sống, nơi sinh hoạt gia đình cũng chưa tốt, là nơi trú ngụ và phát triển của muỗi.

Nhận định của ngành Y tế, hiện đang là mùa mưa, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn rất cao. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân, chủ động các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, không cho muỗi sinh sôi. Trong đó khi ngủ phải nằm màn vẫn là biện pháp đang được ngành Y tế khuyến cáo thực hiện.

Ngành Y tế Yên Mô nhận định, nguy cơ tái bùng phát và lây lan dịch sốt xuất huyết vẫn có thể xảy ra tại các địa phương trên địa bàn huyện. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục chỉ đạo y tế cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; thường xuyên giám sát, xử lý các bể chứa, dụng cụ chứa nước, đồ phế thải là nơi sinh sản của muỗi, nhằm khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan, bởi sốt xuất huyết là bệnh hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, cùng với tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh, người dân khi có các dấu hiệu bệnh như cơ thể mệt mỏi, đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp, cùng với đó là sốt cao, phát ban, giảm huyết áp đột ngột... cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-khan-truong-khong-che-dich-sot-xuat-huyet/d2023110218127454.htm