Yên Minh đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

BHG - Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), bức tranh kinh tế huyện Yên Minh thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới và phát triển KT – XH tại địa phương.

Chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Mậu Duệ.

Thực hiện Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu kinh tế đến năm 2030, Yên Minh đẩy mạnh TCCNN gắn với bố trí, sắp xếp lại sản xuất, khai thác tối đa lợi thế, nguồn lực nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh, bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Nguyễn Đình Duẩn cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là “then chốt” trong chiến lược phát triển KT-XH, huyện chủ động xây dựng các kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp TCCNN theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, nhân dân về TCCNN, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển vùng hàng hóa tập trung, trồng trọt, chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Đồng thời, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với cây trồng chủ lực như: Vùng sản xuất trọng điểm cây lúa, ngô, đậu tương, cây chè hàng hóa; vùng sản xuất cây ăn quả; cây dược liệu; sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ nhà lưới. Nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân được triển khai hiệu quả như: Trồng cây Gai xanh, Dong riềng, Đậu đỏ, Bồ kết xen Ớt gió…

Trồng dưa trong nhà lưới cho thu nhập cao. Ảnh: PHẠM HOAN

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện TCCNN gắn với thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới; BCH Đảng bộ huyện Yên Minh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07 về “Phát triển chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; nhằm phát triển các lĩnh vực thế mạnh, sản phẩm truyền thống có lợi thế cạnh tranh cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, triển khai các phương án, kế hoạch nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, các tổ chức kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng, vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; đổi mới phương thức đầu tư theo hướng có thu hồi. Tích cực triển khai 15 cánh đồng mẫu trong sản xuất, tập trung vào các cây trồng chính gồm: Lúa, ngô, đậu tương, lạc.

Lĩnh vực chăn nuôi tại Yên Minh đã chuyển dịch rõ nét từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, nâng cao giá trị gia tăng. Toàn huyện hiện có 20 trang trại cho thu nhập cao như: Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa; nuôi gà thương phẩm; gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAP… Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp ước đạt 33%; hiện tổng đàn gia súc có trên 107.000 con; đàn gia cầm 435.000 con. Cùng với đó, phong trào trồng rừng đã và đang phát huy hiệu quả, bình quân trồng tập trung mới 50 ha/năm, nâng độ che phủ rừng lên 40,5%. Các chương trình trọng tâm trong phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện có hiệu quả, trong đó, chú trọng thực hiện chương trình OCOP, toàn huyện hiện có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh; tập trung phát triển, củng cố 31 hợp tác xã, duy trì hoạt động 274 tổ hợp tác và 30 nhóm sở thích.

Mô hình liên kết trồng Bồ kết xen Ớt gió ở thị trấn Yên Minh. Ảnh: P.H

Yên Minh tập trung phát triển vùng cây ăn quả ôn đới và cây dược liệu. Trong đó, mở rộng diện tích cây Lê, Hồng không hạt, Xoài Kim Hoàng, mận Tam hoa… tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện trên 2.162 ha. Về cây dược liệu, đẩy mạnh phát triển các loại gồm: Quế, Hồi, Sa nhân, Thảo quả… với tổng diện tích trên 818 ha. Song song với đó, huyện phát triển sản phẩm vật nuôi chủ lực để hình thành mới các chuỗi có tiềm năng trở thành hàng hóa với quy mô phù hợp với tiểu vùng và tín hiệu thị trường. Trong đó, tích cực thực hiện các giải pháp phát triển, hoàn thiện chuỗi giá trị “Mật ong Bạc Hà”, với trên 7.600 đàn ong, sản lượng mật niên vụ 2022 – 2023 ước đạt trên 15.000 lít; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn bò vàng, lợn đen địa phương. Linh hoạt bố trí, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia; năm 2022 đã hỗ trợ 37 dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê với tổng kinh phí trên 12,1 tỷ đồng.

Thời gian tới, huyện Yên Minh tiếp tục đẩy mạnh TCCNN, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, chất lượng hàng hóa nông sản. Đồng thời, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất với những loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh; khuyến khích người dân ứng dụng KH KT vào sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, phát huy vai trò của kinh tế hợp tác…

Phạm Hoan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/yen-minh-day-manh-tai-co-cau-nong-nghiep-0970435/