Yên Lâm -miền quê đáng sống

Về Yên Lâm hôm nay, điều dễ nhận thấy đó chính là sự đổi thay hiện hữu trên khắp các thôn, xóm. Những tuyến đường được đổ bê tông, trải nhựa Asphalt thay cho những tuyến đường nhỏ hẹp, mấp mô, nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà vườn được xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã tìm về đây để đầu tư sản xuất, kinh doanh; các làng nghề tiểu thủ công nghiệp nhộn nhịp những chuyến hàng xuất đi muôn nơi… Sự 'thay da đổi thịt' đã và đang hiện hữu trên mảnh đất vốn được xem là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Yên Mô.

Diện mạo xã nông thôn mới nâng cao Yên Lâm ngày càng khởi sắc.

Ngược dòng thời gian, trở về Yên Lâm cách đây hơn 10 năm (năm 2011), khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Lâm mới đạt 3 tiêu chí và thuộc tốp cuối của huyện Yên Mô. Trong đó khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng kinh tế- kỹ thuật thấp kém, lạc hậu.

Để hoàn thành các tiêu chí về: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học… đòi hỏi cần nguồn vốn rất lớn, trong khi đó ngân sách địa phương và thu nhập của nhân dân còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Trước những khó khăn đó, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng ủy, UBND xã Yên Lâm đã xây dựng lộ trình và bước đi phù hợp nhằm huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2017 xã đã vinh dự được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với phương châm "Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", Yên Lâm tiếp tiếp tục huy động các nguồn lực và động viên cán bộ, nhân dân duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời tập trung hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung đồ án được công bố công khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cùng với đó, Yên Lâm tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, Yên Lâm đã huy động nhân dân đóng góp công sức, trí tuệ của cộng đồng dân cư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Từ năm 2018 đến nay, Yên Lâm đã huy động được trên 309 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư là trên 228 tỷ đồng (chiếm 70,8%) và nhân dân đóng góp 80,2 tỷ đồng để làm đường giao thông ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, trồng hoa, cây xanh....

Nhờ có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đến nay hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai. Toàn bộ khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất được chủ động hoàn toàn. 2 HTXNN trên địa bàn đã chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo Luật HTX năm 2012, triển khai thực hiện tốt dịch vụ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, diện tích canh tác 4 vụ/năm, diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, na kết hợp nuôi thủy sản, thâm canh cá trên ao nổi… được mở rộng, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đất canh tác năm 2021 trên địa bàn xã đạt gần 150 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2010.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc phát triển cảnh quan chung luôn được cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến thôn xóm ở Yên Lâm đặc biệt quan tâm. Trong 2 năm qua, Yên Lâm đã đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, trồng cây xanh khuôn viên trụ sở, nhà văn hóa, sân vận động trung tâm xã. Nhân dân ở các thôn xóm tích cực chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa, công trình vệ sinh. 100% thôn xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn đáp ứng tốt nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư.

Đến nay 100% các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn được rải nhựa Asphalt, có hệ thống vỉa hè và rãnh thoát nước, xây dựng bồn hoa, trồng cây xanh, đảm bảo môi trường sáng- xanh -sạch -đẹp.

Một trong những dấu ấn tích cực của Yên Lâm trong những năm gần đây, đó chính là sự chuyển biến trong tư duy phát triển kinh tế. Với lợi thế giao thông thuận tiện, Yên Lâm đã tích cực tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành để kêu gọi thu hút đầu tư. Do vậy mà năm 2014, Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam đã tìm đến Yên Lâm để đầu tư đây cũng là doanh nghiệp FDI đầu tiên của huyện Yên Mô. Sự xuất hiện của công ty đã thu hút trên 6.000 lao động trong và ngoài huyện đến làm việc, trong đó nhiều lao động là người Yên Lâm, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư, Yên Lâm quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để các làng nghề Đông Đoài, Ngọc Lâm, Đông Yên, Phù Sa phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…, qua đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động lúc nông nhàn. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, tham gia các chương trình dự án. Nhờ vậy số lao động có việc làm qua đào tạo của xã đạt tỷ lệ 57%.

Kinh tế phát triển, Yên Lâm có điều kiện đầu tư cho văn hóa, giáo dục. Cơ sở vật chất trạm y tế, trường học, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa các thôn, xóm... tiếp tục được đầu tư nâng cấp cải tạo. Toàn xã đã có trên 93% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe thường xuyên, 92,86% người dân được tham gia bảo hiểm y tế. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các thôn, xóm đều xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước đảm bảo giữ vững thuần phong, mỹ tục, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Sau 4 năm triển khai thực hiện (từ năm 2018 đến cuối năm 2021), Yên Lâm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn trên toàn xã thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sinh thái được đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,2 triệu đồng/người/năm, trên địa bàn xã chỉ còn 0,6% hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, có 99,8% số hộ gia đình trên địa bàn xã hài lòng với kết quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao là minh chứng cho hiệu quả của phong trào. Sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân đã là yếu tố quan trọng để Yên Lâm hôm nay có một diện mạo mới, thực sự trở thành "miền quê đáng sống".

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-lam-mien-que-dang-song/d20220413142242119.htm