Yên Bái xử lý tài sản, trụ sở làm việc sau sáp nhập: Vì sao khó, ai gỡ khó?

Sau hơn 4 năm thực hiện sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoạt động ổn định, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, do nhiều vướng mắc, bất cập nên vẫn còn một số nhà, đất, công sở dôi dư không còn nhu cầu sử dụng đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí.

Trụ sở UBND xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái trước đây, nay đang xuống cấp và khóa cổng để không.

Trụ sở UBND xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái trước đây, nay đang xuống cấp và khóa cổng để không.

Tài sản phơi mưa, nắng

Thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, sau khi được Quốc hội thông qua, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc sắp xếp 14 đơn vị hành chính cấp xã. Kể từ ngày 1/2/2020, tất cả các xã mới sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định, tạo được niềm tin đối với người dân. Sau hơn 4 năm sáp nhập, cơ bản các trụ sở đã được bố trí sắp xếp đúng mục đích tạo hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trụ sở đang còn bỏ không, gây lãng phí.

Sau khi xã Phúc Lộc sáp nhập vào xã Giới Phiên thành xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, trụ sở trạm y tế xã Phúc Lộc cũ có diện tích trên 692m2 trở thành khu nhà bỏ không. Do nhiều năm không được sử dụng hiện nhiều hạng mục trụ sở trạm y tế đã xuống cấp. Cách Trạm Y tế xã không xa là trụ sở UBND xã Phúc Lộc cũ với 4 nhà làm việc, tổng diện tích trên 1.500m2 cũng đang trong tình trạng bỏ không tương tự. Do từ lâu không sử dụng và ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều hạng mục như hệ thống cửa của trụ sở đã bắt đầu hư hỏng.

Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã Giới Phiên cho biết: "Hiện nay đối với những công trình trụ sở thuộc diện dôi dư sau khi sáp nhập hiện UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi để giao cho thành phố phương án xử lý. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các công trình này là việc xác định giá trị tài sản trên đất trong khi người mua không có nhu cầu sử dụng những công trình này do không phù hợp với công năng sử dụng, nhiều công trình được xây dựng từ lâu đã xuống cấp. Bên cạnh đó, các công trình đều nằm trong ngõ sâu giá trị về đất đai không lớn lên khó thu hút được các nhà đầu tư và các tổ chức cá nhân khi tổ chức đấu giá”.

Bà Nguyễn Thị Mận ở thôn Đông Thịnh, xã Giới Phiên chia sẻ: "Nhà tôi ở đây đã mấy chục năm rồi, 4 năm qua thấy trụ sở Trạm y tế cũ bỏ không như vậy thì lãng phí quá, dân ở đây cũng mong Nhà nước có cơ chính sách sách hợp lý để chính quyền giải quyết bán đấu giá, trách lãnh phí đất đai”.

Tại huyện Yên Bình, giai đoạn 2019 - 2021, xã Tích Cốc sáp nhập vào xã Cảm Nhân; xã Văn Lãng sáp nhập vào xã Phú Thịnh. Đến nay, sau hơn 4 năm sau sáp nhập, qua rà soát vẫn còn dôi dư trụ sở xã Tích Cốc cũ và Trạm Y tế xã Văn Lãng cũ hiện đang bỏ hoang chưa được xử lý.

Khi chứng kiến cảnh trụ sở Trạm Y tế xã Văn Lãng cũ bị bỏ hoang đã lâu, nhiều người dân không khỏi xót xa vì một đống tài sản của Nhà nước đang bị hư hỏng, xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn 4, xã Phú Thịnh chia sẻ: "Mỗi ngày nhìn trụ sở Trạm Y tế bỏ không như này, tôi thấy lãng phí quá! Người dân ở đây đang tận dụng khoảng rộng phía ngoài để chăn nuôi gia cầm. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có thẩm quyền, có phương án giải quyết nhanh, tránh lãng phí!”.

Khó khăn vì sao?

Không phủ nhận, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết tâm và hoàn thành đúng tiến độ về sáp nhập các xã theo chỉ đạo của trung ương. Tuy nhiên, sau sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, xử lý tài sản nhà đất công do không thể phân lô bán đấu giá riêng lẻ hoặc đấu giá tập trung thì người trúng đấu giá không thể sử dụng được tài sản trên đất. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của cơ quan gặp nhiều khó khăn, do không phù hợp với nhu cầu, chi phí cải tạo, sửa chữa cao...

Xác định rõ điều này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất bảo đảm công khai, dân chủ, đặc biệt là phương án xử lý đối với trụ sở làm việc, nhà văn hóa dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167.

Trạm Y tế xã Văn Lãng, huyện Yên Bình trước đây, nay đang bị bỏ hoang.

Trạm Y tế xã Văn Lãng, huyện Yên Bình trước đây, nay đang bị bỏ hoang.

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý giá, công sản và Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính cho biết: "Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt, UBND tỉnh quyết định điều chuyển, thu hồi cơ sở nhà đất theo quy định. Đến nay, theo kết quả rà soát còn 4 trụ sở công đã được phê duyệt phương án thu hồi nhưng chưa xử lý được do việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trụ sở có diện tích đất lớn gặp khó khăn vì vượt nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về trường hợp bán một phần diện tích của một cơ sở nhà, đất hoặc phân lô chi tiết diện tích đất thành nhiều thửa đất để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất”.

Cùng đó, việc chuyển mục đích thành đất thương mại dịch vụ, sản xuất, kinh doanh đối với trụ sở UBND xã, trạm y tế ở các địa bàn miền núi còn hạn chế do vị trí không thuận lợi; đồng thời, phải bán cùng với tài sản trên đất; trong khi đó, tài sản đã cũ, không phù hợp với công năng sử dụng mới nên rất khó để bán.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế ở giai đoạn 2019 - 2021 và tiếp tục thực hiện việc bố trí, sắp xếp trụ sở công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí trong giai đoạn 2023 - 2030, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 771/CĐ-TTg ngày 29/8/2023 về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030.

Thực hiện Công điện, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính; kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang trực tiếp quản lý khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp, xử lý. Theo đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2030 tỉnh sáp nhập 14 đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Lã Tiến Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: "Để việc xử lý tài sản, trụ sở sau sáp nhập được thuận lợi, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017; trong đó, quy định cụ thể việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể để có cơ sở pháp lý thực hiện. Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, để tạo sự chủ động cho các địa phương, đẩy nhanh quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đề nghị cho phép các địa phương giao cho UBND cấp huyện chủ trì tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp do cấp huyện quản lý”.

Cùng đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về quy trình, trình tự thực hiện xử lý tài sản sau khi sáp nhập chuyển giao, đặc biệt là đối với trường hợp xử lý tài sản theo hình thức bán đấu giá (quy hoạch chia lô) theo pháp luật về nhà ở, pháp luật về đất đai và việc xử lý tài sản trên đất mà tài sản đó liên quan đến nhiều ô, lô đất để địa phương có cơ sở thực hiện nhằm giải quyết triệt để việc xử lý các cơ sở nhà đất sau khi đã chuyển giao về địa phương quản lý.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được phê duyệt, tránh hiện tượng lãng phí nguồn lực từ tài sản công, cũng cần có quy định cụ thể về việc cho phép các địa phương thực hiện thanh lý đối với nhà làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đã hết thời gian sử dụng hoặc chưa hết thời gian sử dụng nhưng không phù hợp với mục đích sử dụng mới như hình thức xử lý bán đấu giá theo quy hoạch chia lô.

Những khó khăn trên không riêng gì tỉnh Yên Bái gặp phải, mà hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính đều vướng mắc. Những kiến nghị nếu sớm được các ban, ngành tháo gỡ theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ giải quyết được vấn đề còn tồn tại sau sáp nhập của giai đoạn 2019 - 2021 và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập giai đoạn 2023 - 2030.

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/322603/yen-bai-xu-ly-tai-san-tru-so-lam-viec-sau-sap-nhap-vi-sao-kho-ai-go-kho.aspx