Yên Bái tăng cường trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Trong số các vụ án được giải quyết, các hồ sơ thụ lý đều có tài liệu bảng thông tin về người được trợ giúp pháp lý để các đương sự thuộc diện trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận dịch vụ.

Đối tượng phạm tội người dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu được TGPL tại phiên tòa.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách lớn có tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. TGPL trong hoạt động tham gia tố tụng sẽ giúp những người không có khả năng tự mình bào chữa hoặc không có đủ điều kiện để mời luật sư bào chữa, bảo vệ cho mình trước pháp luật được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.

Để triển khai Luật TGPL, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã có kế hoạch tổ chức quán triệt trong ngành thông qua các hội nghị giao ban công tác và có công văn gửi các TAND cấp huyện, thị xã, thành phố; triển khai đến đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký và yêu cầu giải thích về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án.

Quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp viên, luật sư đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc người được TGPL, thu thập chứng cứ, chuẩn bị bản luận cứ và tham gia tranh luận tại phiên tòa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp Hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích cho người được TGPL.

Năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Yên Bái đã thụ lý 3.572 vụ việc. Trong số các vụ án được giải quyết, các hồ sơ thụ lý đều có tài liệu bảng thông tin về người được TGPL để các đương sự thuộc diện TGPL có điều kiện tiếp cận dịch vụ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TAND tỉnh, thực tế cho thấy, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, số vụ việc được TGPL còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Phần lớn người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội chưa được tiếp cận và biết đến TGPL.

Nhiều trường hợp tìm đến cơ quan TGPL khi sự việc đã quá muộn, khiến việc TGPL khó khăn. Cùng với đó, nguồn lực của Trung tâm TGPL chưa thể thực hiện hiệu quả và đáp ứng đầy đủ cho cộng đồng. Yên Bái là tỉnh miền núi, trình độ dân trí còn thấp, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số không nghe và hiểu tiếng hết Việt nên việc truyền đạt thông tin pháp luật đến người dân còn chưa đầy đủ.

Để công tác TGPL đạt hiệu quả, không chỉ TAND tỉnh mà cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các đợt truyền thông về TGPL, đặc biệt là các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn để tiếp cận với người dân, giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác này; tăng cường truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn để nhiều người dân biết và kịp thời tiếp cận TGPL khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.

Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục khai thác hiệu quả Trang thông tin điện tử của Tòa phục vụ công tác truyền thông TGPL, cung cấp địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động TGPL; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa TAND tỉnh với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, khi bắt đầu tiếp nhận đơn nếu phát hiện đối tượng là người được TGPL sẽ chủ động giới thiệu đến Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh để được hỗ trợ.

Đặc biệt, đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án sẽ thực hiện việc giải thích quyền được TGPL cho các đối tượng khắc phục tình trạng bỏ sót nhu cầu TGPL của người thuộc diện TGPL, nhất là đối với người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về pháp luật hạn chế, chưa thể nhận biết và tiếp cận với thông tin, hoạt động TGPL.

Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/14/317220/yen-bai-tang-cuong-tro-giup-phap-ly-tr111ng-hoat-dong-to-tung.aspx