Ý thức không tăng, tai nạn khó giảm!

Trước khi nghị định của Chính phủ về quy định không uống rượu, bia khi tham gia giao thông có hiệu lực, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến lạm dụng bia, rượu. Song khi quy định này được thực thi nghiêm ngặt, đa số các vụ tai nạn giao thông lại do phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra.

Có thể khẳng định chưa bao giờ học lái xe, đặc biệt thi sát hạch lái xe khó và nghiêm như hiện nay. Muốn đỗ lấy bằng lái chỉ còn cách học thật, thi thật. Những người cầm vô lăng ô tô, điều khiển phương tiện xe gắn máy tất cả đều có bằng lái. Vậy mà mỗi hai từ “ý thức” vẫn không chịu học!

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, vào giờ cao điểm, có dịp lưu thông trên các tuyến phố mới thấy hết sự hỗn loạn. Chỗ nào “hở”, làn đường nào “rộng” ô tô, xe máy chen nhau vào, xe máy, ô tô dàn hàng ngang… đường phố càng thêm tắc nghẽn.

Đường phố là vậy, lưu thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ còn hãi hùng hơn. Theo Luật Giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông bất luận thế nào cũng phải giữ khoảng cách tối thiểu; muốn vượt lên phải đảm bảo tính an toàn và phải vượt bên trái ô tô đang lưu thông cùng chiều. Nhưng thực tế trên quốc lộ, ví như quốc lộ 1A, đi trên con đường này luôn trong tình trạng “ú tìm”. Nhiều loại phương tiện giao thông như xe ô tô chở khách (giường nằm), xe limousine (loại 9 chỗ) chạy vèo vèo. Thấy xe làn trong đi chậm, sẵn sàng vượt từ bên phải, cứ thấy trống là vượt.

Có lần tôi đi xe ô tô loại limousine từ Hà Nội về Ninh Bình. Ngồi trên xe, thấy bác tài chạy với tốc độ khá cao, vượt xe đi cùng chiều như chơi lái xe trên thiết bị điện tử, mới lân la hỏi, thì được trả lời. Thật ra, khi đã cầm vô lăng không lái xe nào muốn đi ẩu, ai cũng muốn an toàn. An toàn không phải cho hành khách mà quan trọng cho chính bản thân, song sức ép cạnh tranh đành phải đi nhanh.

Tò mò hỏi tiếp lý do, thì bác tài trả lời: Nhà xe (doanh nghiệp) đều khoán thời gian chạy, khoán chuyến (số lượng chuyến đi về trong ngày). Nếu không đáp ứng yêu cầu về thời gian, chuyến sẽ không được lĩnh đủ lương, công. Ngược lại, nếu vượt năng suất sẽ được thu nhập cao hơn. Anh còn nhấn mạnh, ngành, nghề, lĩnh vực nào cũng vậy cả.

Nghe anh kể mới hiểu ra nhiều lẽ, song bất luận hoàn cảnh nào hay lý do nào đi chăng nữa nếu bản thân mỗi người khi tham gia giao thông nghĩ về bản thân mình, nghĩ về gia đình mình chắc chắn ý thức tham giao thông sẽ được nâng lên, đồng nghĩa tai nạn sẽ được kéo giảm ở mức thấp nhất.

Hà Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/y-thuc-khong-tang-tai-nan-kho-giam-167237.html