Y tế Bình Phước vượt khó sau đại dịch

Năm 2022, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nhưng những hậu quả, hệ lụy mà nó để lại vô cùng lớn. Đến giữa năm 2022, ngành y tế bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư, hóa chất…; nhân viên y tế hoang mang, người dân thì lo lắng bởi bệnh viện thiếu thuốc điều trị, công tác khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự đồng hành của các sở, ban, ngành, ngành y tế tỉnh Bình Phước đã có những thay đổi kịp thời, thích ứng sau đại dịch.

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN - NHIỆM VỤ HÀNG ĐẦU

Đại dịch Covid-19 chưa qua, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh với số ca mắc tăng cao và ghi nhận một số trường hợp tử vong. Ngay lập tức, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh triển khai một số giải pháp để phòng, chống dịch. Cả hệ thống từ y tế điều trị đến y tế dự phòng lại vào cuộc chiến với hơn 100% sức lực. Với nỗ lực đó, nguy cơ dịch chồng dịch đã không xảy ra, sốt xuất huyết trên địa bàn được kiểm soát và lui dần. Cũng với mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất sau đại dịch, việc tiêm phòng vắc xin cho các nhóm đối tượng được triển khai ráo riết nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ, nâng miễn dịch trong cộng đồng.

Năm 2022 với nhiều khó khăn, vất vả là thế, nhưng với ngành y tế Bình Phước, mỗi y, bác sĩ đều nỗ lực nâng cao tay nghề, chất lượng chuyên môn. Trong ảnh: Các bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước trao đổi trong quá trình chụp MRI cho bệnh nhân

Trở về trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch, các cơ sở y tế trong tỉnh đã quay về với chức năng của mình, làm tròn trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không ngừng nâng cao y đức, chất lượng phục vụ là lý do Trung tâm Y tế thị xã Phước Long luôn nhận được sự tin cậy từ phía bệnh nhân. Bài bản, chuyên nghiệp từ điều trị nội trú lẫn ngoại trú, vì thế người dân địa phương và khu vực lân cận đều cảm thấy hài lòng khi đến khám, chữa bệnh tại đây. Bà Phạm Thị Tám ở xã Long Hưng, huyện Phú Riềng khẳng định: Trung tâm Y tế thị xã Phước Long luôn là địa chỉ tin cậy để người nhà tôi lên đây khám. Về thuốc, công tác điều trị, các bác sĩ đều chăm sóc rất tận tình.

Dù công tác chuyên môn đang đối mặt với nhiều khó khăn về thuốc, hóa chất… nhưng đội ngũ y, bác sĩ tỉnh Bình Phước luôn xác định vượt khó, đồng hành với ngành y và hướng tới những điều tốt hơn trong tương lai. Trong ảnh: Các y, bác sĩ Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Bình Long đang khám, chữa bệnh cho trẻ em

Một số kết quả nổi bật của ngành y tế Bình Phước năm 2022: Đối với người từ 18 tuổi trở lên, số người đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4 là 170.818/191.571 người, đạt 89%. Đối với người từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 71,2%, với 75.812/106.452 người. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 96.785/128.263 trẻ tiêm mũi 2, đạt 75,4%. Có 7/8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 về y tế đạt kế hoạch giao…

Tại Trung tâm Y tế thị xã Bình Long, đề án phát triển trung tâm lên bệnh viện hạng II đã được thông qua và chuẩn bị triển khai mạnh mẽ. Ngay sau khi nâng cấp, đây sẽ là bệnh viện hạng II đáp ứng nhu cầu điều trị của nhân dân các huyện, thị xã trên toàn tuyến quốc lộ 13, giảm áp lực điều trị cho bệnh viện tuyến tỉnh. Dù vậy, ngay thời điểm này, người dân khi đến khám và điều trị bệnh ở đây vẫn hoàn toàn tin tưởng và an tâm, bởi trung tâm có hệ thống chuyên gia cố vấn là y, bác sĩ đầu ngành tại các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bình Long cho biết: Chúng tôi đã ký hợp đồng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, trong đó sẽ đào tạo một số chuyên khoa cụ thể như: nội soi đại tràng, siêu âm tim, mổ sỏi túi mật… Các bác sĩ sẽ “cầm tay chỉ việc” để mục đích cuối cùng là nâng chất lượng khám, chữa bệnh, tiến lên bệnh viện hạng II.

HƯỚNG ĐẾN Y TẾ CHUYÊN SÂU

Trong năm 2022, việc đầu tư y tế chuyên sâu được ngành y tế tỉnh quan tâm và đẩy mạnh. Y tế chuyên sâu được thể hiện thông qua việc đưa vào vận hành đơn vị tim mạch can thiệp bằng phương pháp can thiệp mạch vành qua da; nghiên cứu khoa học; tổ chức các lớp tập huấn nhằm cập nhật lại kiến thức, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ trong tỉnh. Đơn vị tim mạch can thiệp bằng phương pháp can thiệp mạch vành qua da được Bệnh viện đa khoa tỉnh khai trương, đưa vào hoạt động cuối tháng 7-2022. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật chuyên sâu này được triển khai tại Bình Phước với mục tiêu điều trị bệnh tim mạch theo hướng chuyên sâu, mở ra bước đột phá mới trong chiến lược điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch trên địa bàn. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh kỳ vọng: Triển khai đơn vị này, bệnh nhân tại tỉnh có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật chăm sóc cao mà không cần đi xa, đặc biệt là trong việc nâng cao điều trị bệnh tim mạch cho người dân. Mục đích cuối cùng là cứu sống nhiều trường hợp nặng, nguy kịch, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim.

Các y, bác sĩ Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh thực hiện siêu âm cho bệnh nhân

2022 cũng là năm ghi dấu ấn của ngành y tế tỉnh Bình Phước với việc tổ chức khá bài bản, chuyên nghiệp các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức. Đã có hàng chục lớp tập huấn chuyên sâu về tim mạch, tiêu hóa, xương khớp… với sự hướng dẫn của các cố vấn, y, bác sĩ đầu ngành trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Một thời gian dài dành sức cho việc phòng, chống dịch Covid-19, đây chính là các hoạt động bổ trợ kiến thức, cập nhật thông tin hữu ích, kịp thời cho đội ngũ những người làm nghề y trên địa bàn tỉnh, góp phần mang lại hiệu quả trong phòng, chống dịch, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiếp cận trình độ khoa học của thế giới.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Quang Trọng, Tổng thư ký Chi hội Siêu âm Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật siêu âm tuyến giáp cho đội ngũ bác sĩ của tỉnh

Tuy không nói ra nhưng chúng tôi ai cũng hiểu, một bác sĩ phải “vừa hồng vừa chuyên”. Ngoài năng lực chuyên môn phải rèn luyện hằng ngày thì thái độ của nhân viên y tế cũng rất quan trọng. Đây chính là 2 yếu tố cần thiết để chúng tôi tiếp tục vượt qua khó khăn và đạt được kết quả trong thời gian tới.

Tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước

THAY ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Bên cạnh những kết quả đã làm được, y tế Bình Phước cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của y tế cả nước. Đó là việc thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, nhiều y, bác sĩ bỏ việc… Nhưng khó khăn chính là thước đo bản lĩnh để thử thách năng lực, khả năng thích ứng và vượt qua của những người thầy thuốc. Các cơ quan liên quan, Bộ Y tế đang vào cuộc tháo gỡ những điểm nghẽn, khắc phục bất cập để các hoạt động dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân trở về như trước đại dịch. Ngành y tế sẽ có thêm niềm tin, động lực để yên tâm gắn bó với nghề, làm tròn trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Quả thực trong giai đoạn đầu, chúng tôi có lúng túng, e dè. Nhưng hiện nay, Bộ Y tế đã cập nhật những khó khăn và đang chỉnh sửa chế độ, chính sách, nghị định, thông tư để thực hiện đấu thầu thuốc. Đây chính là những điều kiện để ngành y tế phát triển trong thời gian tới.

Năm 2022, đơn vị tim mạch can thiệp đã được khai trương tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Trong ảnh: Bệnh nhân đầu tiên được can thiệp kỹ thuật tại đơn vị

Đơn vị tim mạch can thiệp được trang bị hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo về tim mạch bài bản. Đây là bước tiến mới của y tế Bình Phước, hướng đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

Thanh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/141818/y-te-binh-phuoc-vuot-kho-sau-dai-dich