Ý nghĩa sâu xa của nghi thức tắm Phật trong đại lễ Phật đản

Lễ tắm Phật là nghi thức truyền thống trong ngày lễ Phật đản (mùng 8 tháng 4 âm lịch). Lễ tắm Phật bắt nguồn từ câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh.

Tắm Phật là nghi lễ mang màu sắc văn hóa tâm linh của tất cả những người con Phật. Hàng năm, cứ mỗi mùa Phật đản, những người con Phật trên khắp năm châu lại tổ chức nghi lễ dâng nước cúng dường tắm Phật. Mỗi năm vào dịp lễ Phật đản thì nghi lễ tắm Phật đều được diễn ra rất trang nghiêm, trọng thể.

Nghi lễ tắm Phật - một hoạt động trong lễ Phật đản.

Nghi lễ tắm Phật - một hoạt động trong lễ Phật đản.

Nghi thức tắm Phật vốn đã được xuất hiện từ lâu tại Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Trung Á khác. Ngày nay, nghi lễ này được duy trì ở hầu hết các cộng đồng Phật giáo trên thế giới.

Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ tắm Phật được bắt nguồn từ sự kiện đản sinh của đức Phật được ghi lại trong kinh điển.

Lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo đó, các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam Truyền và Bắc Truyền đều ghi lại rằng, khi Hoàng hậu Ma-da đản sinh Thái tử thì từ trên không trung có hai dòng nước của chư Thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Thái tử.

Hai dòng nước nóng và lạnh của lễ tắm Phật tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch, cảnh giới vui, buồn, sướng khổ của cuộc đời mà tất cả mọi người trong chúng ta khi được sinh ra đều sẽ trải qua. Cũng giống như Thái tử Tất Đạt Đa, ngài đã chịu đựng được hai dòng nước đó và sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong kinh sách, Đức Phật cũng dạy rằng: Người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời mà vẫn giữ được tâm bình thản, an nhiên, tự tại thì người đó chính là một vị Phật của tương lai.

Nghi thức tắm Phật hàm chứa một ý nghĩa vô cùng vi diệu. Pháp thân thanh tịnh, Phật tính luôn tiềm ẩn trong mỗi người, thế nhưng vì phiền não, tham sân si mà bị che lấp khiến cho Phật tính không được lộ ra. Muốn lộ Phật tính, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần.

Nghi thức tắm Phật cũng là một hành động để mỗi người liên tưởng tới việc gột rửa thân tâm của bản thân mình nhằm tìm lại sự thanh tịnh vốn có.

Đặc biệt, nghi thức tắm Phật cũng chính là dịp để các Phật tử, cộng đồng Phật giáo khắp nơi thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 2.600 năm về trước.

Theo các nhà nghiên cứu, trong "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Đại Việt sử lược" đều ghi lại rằng vào ngày mùng 8/4 năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Nhân Tông đã dự xem Lễ tắm Phật. Cũng theo "Đại Việt sử ký toàn thư", cứ mỗi tháng vào các ngày rằm, mồng một, và đặc biệt ngày mùng 8/4, nhà vua thường đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc, thiết nghi tắm Phật. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng nói đến việc nhà vua tổ chức lễ cầu an và thiết nghi tắm Phật vào các ngày mồng một và vào mùa xuân.

Như thế, đủ để thấy dưới triều Lý, đặc biệt là dưới thời vua Lý Nhân Tông, ngoài lễ Phật đản, nghi lễ Tắm Phật cũng được phổ biến trong các sinh hoạt của Phật giáo. Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian.

Tại Việt Nam, ngày nay, nghi thức tắm Phật thường sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng 4 âm lịch trong dịp lễ Phật đản hằng năm.

Hàng năm cứ đến trung tuần tháng tư dương lịch, đồng bào dân tộc Khmer nô nức đón mừng tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây. Ngày cuối trong 3 ngày tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây là ngày ở các chùa Khmer tổ chức lễ tắm Phật, tắm sư. Lễ tắm Phật là nghi thức quan trọng và độc đáo trong dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer ở Nam bộ, lễ tắm Phật thể hiện đức tin của người Khmer về Phật pháp, đồng thời cầu mong sự bình an đến bản thân và gia đình trong năm mới.

Để bắt đầu buổi Lễ, các ngôi chùa sẽ cất lên ba hồi trống nhằm thông báo với mọi người biết và chuẩn bị những vật dụng cần thiết. Các pho tượng Phật trong chùa được thỉnh ra đặt ở một khoảng sân rộng để thuận tiện thực hiện nghi thức tắm Phật.

Người Khmer đến chùa với những bình nước thơm (nước sạch có bỏ hoa và dầu thơm) trên tay thể hiện sự tôn kính của mình đến các pho tượng Phật. Mọi người dùng bình nước thơm để tắm các bức tượng Phật. Nếu ở những ngôi chùa có những tượng Phật lớn thì có thể thực hiện những động tác tắm tượng trưng lên một bộ phận nào đó trên pho tượng.

PV (Tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/y-nghia-sau-xa-cua-nghi-thuc-tam-phat-trong-dai-le-phat-dan.html