Ý nghĩa của một con số

1/4, tức là 0,25, chỉ là một con số bé nhỏ. Nhưng, khi được gắn liền với yếu tố nào đó, có thể 1/4 sẽ không còn bé nhỏ nữa.

1. Tết Giáp Thìn đã trôi qua với thời tiết lý tưởng vô cùng. Nhiều người nói rằng, đã quá lâu rồi mới có một dịp Tết đẹp trời như thế. Ở miền Bắc, một chút lạnh vừa đủ, một chút nắng vừa đủ đã thôi thúc mọi người ra ngoài du xuân. Ở miền Nam, không khí mát mẻ cũng giúp những chuyến đi chúc Tết trở nên dễ chịu hơn hẳn.

Trong không khí ấy, nhất là khi phố phường vắng vẻ hơn, thậm chí vài người còn có chút hơi men, việc điều khiển phương tiện giao thông cũng có thể sẽ chủ quan hơn. Và, thường thì các dịp lễ, Tết, xu hướng chủ quan ấy là tương đối phổ biến. Bởi vậy, tai nạn giao thông dịp Tết cũng trở nên khó lường.

CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tối mùng 1 Tết trên tuyến đường Trần Nhật Duật.

Theo thống kê, trong 7 ngày Tết Giáp Thìn vừa qua, cả nước đã xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người. So với 7 ngày Tết Quý Mão năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 83 vụ, song số người tử vong đã giảm nhiều, với 24,38%, xấp xỉ 1/4.

Giảm 1/4 số người chết so với cái Tết năm ngoái là một con số tương đương 70 người. 1/4 thì quá nhỏ bé nhưng 70 mạng người thì lại không nhỏ bé chút nào. Và, việc giảm 1/4 này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân cùng tác động, song không ai có thể phủ nhận nó là kết quả của cả một năm nỗ lực với công tác chấn chỉnh an toàn giao thông, đặc biệt là việc xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Có thể nói, trong Tết Giáp Thìn vừa qua, đại đa số người dân đã có ý thức rất rõ về chuyện đã nhậu nhẹt thì không điều khiển phương tiện giao thông. Thay vào đó, nhiều người đã quen với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc các dịch vụ vận chuyển hành khách cá nhân. Cái câu nói “xin phép, hôm nay tôi lái xe nên không uống” đã trở nên quen thuộc trên các bàn tiệc và chuyện dụ dỗ, ép buộc người khác “dzô, dzô” cũng đã gần như mất tích. Ai cũng hiểu cái hệ lụy của việc bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn nó phiến toái như thế nào và tốt nhất là nên tránh từ trước.

Có nhiều người trót điều khiển xe đến nơi tổ chức tiệc (do trước đó có công việc ở địa chỉ khác) còn có một thói quen mới đủ để “vênh với đời”. Đó chính là gọi điện cho vợ hoặc “quân Q” (con gái), “quân K” (con trai) đã trưởng thành bắt xe ôm tới chở mình về nhà. Có thể nói, một ý thức tích cực mới đã hình thành trong cộng đồng và để có được sự khởi đầu này, phải qua một quá trình xử lý rất gắt gao đối với tình trạng điều khiển phương tiện giao thông khi đã có hơi men.

Dịp Tết vừa qua, số ca vi phạm nồng độ cồn bị xử lý lên tới 29.099, tăng tới 21.373 trường hợp so với Tết Quý Mão. Sự tăng đột biến, với số lượng “khủng” như vậy có thể được lý giải không phải do người điều khiển phương tiện giao thông ngay sau khi sử dụng bia rượu ở Tết năm nay nhiều hơn Tết Quý Mão mà vì lý do dễ hiểu hơn: lực lượng CSGT đã nghiêm khắc hơn, không cả nể, kiêng cữ một cách mềm mỏng và cảm tính nữa. Nếu nhớ lại từng cái Tết đã đi qua, ắt hẳn chúng ta sẽ cùng thống nhất với nhận định kể trên.

Nhiều năm về trước, các cơ quan chức năng thường ngại “dông cả năm” cho người dân nên phần nào có chút nương tay. Một ví dụ đơn giản, chỉ 20 năm trước thôi, ngay sau Giao thừa là có những nơi người dân thiếu ý thức tổ chức ngay những sòng xóc đĩa trên vỉa hè, thậm chí còn chơi suốt cả mùng 1, mùng 2 Tết. Nhưng, nhiều năm qua, tình trạng ấy hầu như không còn nữa do sự nghiêm minh của những người thực thi luật pháp. Và, với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông cũng vậy. Không nể nang, không nương tay đã trở thành tôn chỉ hành động để từ đó, người dân hình thành ý thức thượng tôn pháp luật.

Như vậy, rõ ràng con số 1/4 kể trên đã không còn nhỏ nhoi nữa. Song, trên thực tế, nó lại đang vô cùng lặng lẽ. Nó chỉ như một thống kê thông thường mà mỗi chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua trong mỗi ngày vẫn xuất hiện thêm các con số thống kê khác, ở nhiều lĩnh vực khác. Chỉ một khi có ai đó nhắc chúng ta rằng cái 1/4 ấy là mạng sống của 70 con người, chưa biết họ giới tính cụ thể ra sao, ở độ tuổi nào. Và, từ chính sự lặng lẽ của con số 1/4 ấy, chúng ta cần phải nhắc lại với nhau một lần nữa về những ý kiến phản biện chuyện nồng độ cồn zero ồn ào suốt một thời gian gần đây với lý do nhiều khi cực kỳ cảm tính kiểu “uống có một lon bia thì làm sao đủ say để gây tai nạn”.

Nói về uống bia, thực tế có những “siêu nhân” có khả năng “quất” cả thùng bia 24 lon nhưng vẫn đủ tỉnh táo. Tuy nhiên, không ai dám chắc chắn giao phó sinh mệnh của mình cho một tay lái đã “sương sương” chục lon như vậy cả. Là một người cũng ham nhậu nhẹt, bản thân tôi cũng đã trải qua một tai nạn vào năm 2005 mà cho tới tận bây giờ tôi không thể nhớ nổi nguyên nhân của tai nạn. Tất cả những gì còn trong trí nhớ chỉ là đêm đó mình đã uống quá nhiều. Kể từ đó, nỗi sợ đã khiến tôi luôn sử dụng xe ôm, taxi, Uber rồi sau đó là Grab mỗi khi đi tiệc tùng. Thực sự, cảm giác cầm lái khi đã có chút bia rượu là rất khác. Dù chưa say, dù còn tỉnh táo nhưng sự kích thích về tốc độ là luôn có và chính nó, chứ không phải cái gì khác, sẽ là thứ dẫn dắt con người ta gặp phải tai nạn.

Việc CSGT kiểm tra, xử lý nồng độ cồn xuyên Tết đã góp phần nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.

2. Nếu quy định một nồng độ cồn tối thiểu cho phép thì mức độ tối thiểu ấy là bao nhiêu? Chỉ cần trả lời cặn kẽ câu hỏi này thôi, những người đưa ra ý kiến phản bác “zero” sẽ hiểu tại sao cần nghiêm ngặt như vậy. Cơ địa mỗi cá nhân mỗi khác, do đó khó có thể quy đồng về một mức tối thiểu phổ biến đủ tạo ra tính công bằng cho tất cả và đủ để giảm thiểu tình trạng vi phạm nồng độ cồn. Có những cá nhân chỉ nửa lon bia cũng có thể đã lâng lâng và giả định như mức quy định an toàn tối thiểu còn cao hơn tỷ lệ sau khi uống nửa lon bia, có ai dám chắc rằng những người “đô quá yếu” sẽ điều khiển phương tiện giao thông an toàn sau khi “chiều lòng đối tác nửa ly”? Và, điều gì sẽ xảy ra nếu như luật pháp quy định một mức tối thiểu nào đó lớn hơn 0?

Chắc chắn sẽ có những tranh cãi với những lập luận vá víu cho rằng mức ấy là không hợp lý; mức kia, mức nọ mới hợp lý hơn. Những tranh cãi vô bổ này không chỉ làm mất thời gian của nhiều người mà kéo theo nó sẽ là những xáo trộn xã hội không đáng có, thậm chí, để bảo vệ cho nó, Nhà nước lại phải mất nhiều thời gian và một khoản kinh phí nào đó để chứng minh tính khoa học của con số tối thiểu giả định kia. Vì lẽ này, việc quy định mức an toàn “zero” là hợp lý, hợp tình hơn cả. Nó công bằng với tất cả mọi người.

Nó dễ dàng được nhiều người dân đồng tình và cơ bản, nó rõ ràng ở điểm: “Tại Việt Nam, điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người là vi phạm pháp luật”. Chính sự tuân thủ một cách vô cùng nghiêm túc của đại đa số người dân cũng như sự thực thi nghiêm khắc của lực lượng thi hành luật pháp suốt thời gian dài vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho việc quy định nồng độ cồn tối thiểu ở mức zero đã được chấp nhận một cách rộng rãi.

Tất nhiên, trong quá trình hình thành một ý thức mới, vẫn sẽ có những điều xảy ra còn chưa làm hài lòng một số bộ phận, song không thể vì một chút khiếm khuyết nhỏ như thế để phủ nhận quá trình thực thi một tiêu chuẩn mới đúng đắn.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/y-nghia-cua-mot-con-so--i723679/