Ý nghĩa của bánh xu xê

Bánh xu xê là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi và cả dịp lễ Tết ở một số địa phương, tuy nhiên không phải ai cũng biết ý nghĩa của loại bánh này.

Bánh xu xê là tên gọi khác của bánh phu thê, một món ăn truyền thống của Việt Nam. Bánh xu xê không chỉ góp mặt trong các dịp cưới hỏi với ý nghĩa về tình yêu và sự hòa hợp trong cuộc sống hôn nhân, mà còn hiện diện trong các dịp lễ quan trọng.

Ý nghĩa của bánh xu xê

Ý nghĩa của bánh xu xê: Loại bánh này tượng trưng cho sự chung thủy, tình nghĩa vợ chồng thắm thiết, bền chặt nên thường được chọn là lễ vật trong đám cưới, đám hỏi. (Ảnh: Front of Center)

Bánh xu xê hay phu thê vốn là đặc sản của làng Đình Bảng xưa (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân Đình Bảng lại nô nức làm những cặp bánh thơm ngon với mong ước cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc, gia đình yêu thương nhau. Ngày nay, nhiều địa phương khác cũng làm loại bánh này.

Theo những người dân trong vùng truyền lại, bánh phu thê bắt nguồn từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên bánh là phu thê.

Một sự tích khác kể về vợ chồng người lái buôn. Trước lúc người chồng lên đường buôn bán ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và gửi gắm tâm tư "dù có xa nhau nhưng tấm lòng hướng về chồng luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh".

Câu chuyện khác lại kể rằng, một lần, vua Lý Thánh Tông cùng Nguyên phi về quê dự hội làng, người dân Đình Bảng dâng lên vua các sản vật quê hương. Có đôi vợ chồng trẻ làm bánh dâng vua. Vua ăn thấy ngon nên đã đặt tên bánh là phu thê. Từ đó, người dân làng Đình Bảng truyền nhau cách làm bánh phu thê và lưu giữ đến ngày nay.

Bánh phu thê là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi và các dịp lễ tết. (Ảnh: Front of Center)

Bánh phu thê mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng thủy chung son sắt của các cặp vợ chồng, về tình yêu và sự hòa hợp trong cuộc sống hôn nhân. Phần bột mỏng ôm trọn nhân đậu xanh bên trong thể hiện sự ôm ấp, chở che, ấm áp của tình nghĩa phu thê.

Không chỉ vậy, bánh phu thê còn bao hàm triết lý ngũ hành một cách tinh tế, thể hiện qua 5 màu của bánh: Màu trắng của bột lọc và cơm dừa, màu vàng của dành dành tạo màu cho vỏ bánh và nhân đỗ xanh, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc. Đó là sự hòa hợp của con người với trời đất, giữa người với người và giữa vợ với chồng.

Bánh phu thê được buộc thành cặp bằng lạt điều, biểu tượng cho sự thủy chung, son sắt. Trong các lễ vật ăn hỏi hay tiệc cưới, bánh phu thê được đặt trong chiếc hộp giấy màu đỏ, thay lời cầu chúc cho tình vợ chồng bền chặt, thắm thiết.

Bánh xu xê được sản xuất thế nào?

Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy, sau đó lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại được xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô, để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát.

Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ, đãi sạch vỏ, sau đó đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh, 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.

Khi bóc chiếc bánh ra, ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trong suốt, nhìn rõ những sợi dừa nạo nhỏ rắc lẫn bên trong. Màu vàng của vỏ bánh được tạo thành từ hoa/quả dành dành. Người làm bánh đem hoa dành dành phơi khô, khi nào làm bánh thì ngâm vào nước sôi để lấy màu, dùng nước này trộn vào bột để tạo màu bánh.

Theo truyền thống, bánh xu xê được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng là lớp lá dừa. Trên tráp ăn hỏi, bánh thường được đặt trong hộp giấy màu đỏ.

Bánh thường được luộc bằng bếp củi đun vừa lửa.

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/y-nghia-cua-banh-xu-xe-ar853609.html