Ỷ lại “vượt cấp”

Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam từ 60% đã giảm xuống 20,7%. Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), đó thực sự là một con số ấn tượng thể hiện những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, giảm nghèo không bền vững, hết nghèo rồi lại tái nghèo, chất lượng sống có chiều hướng đi xuống… đó đang là một thực tế đáng buồn.

Trong 3 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 11,76% năm 2011, 9,6% năm 2012 và còn khoảng 7,6% năm 2013, bình quân giảm 2,3% mỗi năm và giảm được gần 50% số hộ nghèo trong 3 năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,33% (2010) xuống còn 50,97 (năm 2011) và 43,89% (2012), bình quân giảm trên 7%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân được cải thiện.

Tuy đạt được những con số ấn tượng về giảm nghèo như vậy, song lâu nay, câu hỏi làm sao để các hộ dân đã thoát nghèo sẽ thoát một cách bền vững vẫn day dứt. Bởi, lâu nay, vẫn tồn tại thực tế là, nhiều hộ dân nghèo có tâm lý sợ… thoát nghèo. Lý lẽ của họ là, nếu thoát nghèo thì sẽ không nhận được sự trợ giúp của Chính phủ, trong khi khoảng cách giữa cận nghèo và nghèo lại rất mong manh. Nói như ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì: "Các chính sách giảm nghèo đang khiến người dân bị động "hưởng lợi”, không muốn thoát nghèo, thậm chí phản ứng dữ dội nếu bị ra khỏi diện nghèo”.

Một câu chuyện đang gây xôn xao dư luận gần đây cũng một bộc lộ rõ tâm lý "ỷ lại” này của không chỉ người nghèo. Đó là trường hợp 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2014. Trong số 15 tỉnh này, thật lạ là nhiều tỉnh rất khá về kinh tế song vẫn xin cấp gạo cứu đói như Khánh Hòa, Phú Yên. Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tăng trưởng kinh tế cao (GDP của tỉnh tăng 8,3% so với năm 2012, thu ngân sách đạt 11.335 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2012), nhưng vẫn xin được cấp gạo… cứu đói (?).

Tương tự, Phú Yên, một tỉnh từ lâu được mệnh danh là "vựa lúa của miền Trung”. Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên trình HĐND tỉnh tại kỳ họp vừa diễn ra tháng 12-2013, trong năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt 10,67%, vượt kế hoạch năm 0,07%. Đáng kể nhất là năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha, còn năng suất lúa hè thu đạt 65 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng vụ năm trước. Vậy nhưng "vựa lúa miền Trung” năm nay cũng có đơn xin được… cấp gạo để cứu đói.

Việc này cho thấy, tâm lý ỷ lại đang lan tỏa không chỉ đối với người dân, đối với từng hộ nghèo, mà thậm chí "vượt cấp”. Bản thân Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, việc người nghèo có biểu hiện ỷ lại vào các chương trình, chính sách là có thật. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo chủ yếu là chính sách hỗ trợ trực tiếp. Người trong diện nghèo được chu cấp đất ở, học tập, bảo hiểm y tế, cho vay vốn…

Có lẽ, câu chuyện "cho người nghèo cần câu hay con cá” vẫn chưa hết thời sự đối với mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ. Vì vậy, nếu không muốn tâm lý ỷ lại phát sinh, tốt nhất khi mang cho người nghèo cái cần câu rồi thì hãy dạy cho họ cách câu sao cho hiệu quả, thay vì đưa cho họ con cá hoặc đưa cần câu mà không bày cho họ cách câu.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75181&menu=1372&style=1