Y khoa trên trời!

Có hai loại y khoa, loại lo chuyện sát đất cho con người đang ngụp lặn trong bể khổ và loại nói chuyện trên trời, có lẽ cho sinh vật trên hành tinh khác! Đặt cày trước trâu xét cho cùng chỉ thiệt cho nhà nông! Trâu đứng sau cày cao lắm chỉ là trâu làm… cảnh!

Người bệnh sáng hôm qua đến phòng khám của tôi hãy còn rất trẻ. Anh ta phải chật vật lắm mới được phép nghỉ việc buổi sáng để khám bệnh vì lý do mất ngủ từ nhiều tháng, từ khi anh rời ghế trường đại học vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Anh này trước đó đã được điều trị qua nhiều thầy thuốc trong ngành thần kinh với chẩn đoán nghe rất “chuyên khoa” như suy nhược thần kinh, phân liệt cá tính, trầm cảm… Dù đã thử hết các mặt hàng thuốc an thần anh vẫn chưa ngủ được ngon giấc.

Ước gì rớt… mạng!

Người bệnh sau ít phút đắn đo đã cho tôi xem một bản in sẵn bao gồm nhiều lời dặn về cách phòng chống mất ngủ, có lẽ của ai đó phiên dịch từ bản tin trên Internet, để hỏi nên áp dụng cách nào. Bản tin có nội dung như sau:

• Phòng ngủ không được quá nóng hay quá lạnh, tốt nhất là khoảng 18 độ C. Không thấy nói bệnh nhân nếu đang sống dưới mái tôn bốc lửa phải làm sao!

• Phòng ngủ không được nằm sát con đường để tránh tiếng động vì tiếng động với cường độ hơn 40 decibel thừa sức phá giấc ngủ.

• Phòng ngủ phải tối gần như hoàn toàn và nên có màn dày che cửa sổ. Cũng không thấy nói nếu phòng nóng như thiêu mà đóng cửa sổ, kéo màn thì làm sao tránh cảnh bị đút lò đến sáng.

• Cần tấm nệm cho đúng, không quá cứng cũng không quá mềm. Tốt nhất là nệm latex với hai mặt, một cho mùa hè, một cho mùa đông. Đừng quên thay nệm mới tối thiểu mỗi năm năm một lần.

Có hai loại y khoa, loại lo chuyện sát đất cho con người đang ngụp lặn trong bể khổ và loại nói chuyện trên trời, có lẽ cho sinh vật trên hành tinh khác.

• Không được để đồ bề bộn trong phòng ngủ vì bao bì, túi xách, sách báo gây ảnh hưởng trên vô thức khiến giấc ngủ bị xáo trộn. Đừng bày biện lung tung trên sàn nhà.

• Giường ngủ theo đúng phong thủy hơn nữa nếu đầu giường không kê sát tường. Cũng không nên có cửa sổ sau lưng.

• Tất cả trang thiết bị điện tử không được có mặt trong phòng ngủ, từ máy vi tính cho đến máy truyền hình. Giường ngủ phải cách ổ cắm điện tối thiểu 50 cm. Chỉ dùng phòng ngủ để… ngủ! Tác giả chỉ quên mách nước phải làm sao nếu gia chủ tuy cũng hiểu câu nơi ăn chốn ngủ nhưng phải ăn ngay trên giường vì không có phòng nào khác ngoài phòng ngủ!

Hỏi bệnh khác xa hỏi về bệnh

Điều đáng nói là người bệnh tuy đã qua tay nhiều thầy nhưng chưa quan lang nào hỏi thăm về gia cảnh bệnh nhân. Nếu thầy thuốc có thêm ít phút cho người bệnh ắt đã hiểu anh này đang chật vật kiến cơm để nuôi đàn em ăn học dưới quê. Anh ta đang ở trọ trong căn phòng rộng không đến tám thước vuông với nhiệt độ bên trong gần như lò bánh mì giờ cao điểm, với nhà bên cạnh là quán karaoke vặn nhạc inh ỏi đến gần 3 giờ sáng rồi nhường lời cho xe tải vào TP cho kịp chợ đầu mối. Với nỗi lo nội tâm, với nỗi khổ ngoại cảnh, anh này muốn ngủ được thẳng giấc chắc chỉ trừ khi… hôn mê! Đáng tiếc chỉ ở điểm không ít thầy thuốc vì có căn nhà rộng hơn của người bệnh, với đồng lương cao hơn thu nhập ít ỏi của bệnh nhân nên thường quá chú trọng vào trang sách y khoa mà quên chuyện ngoài đường.

Trật bước đầu, trật hết!

Nếu văn hào Lỗ Tấn nổi tiếng nhờ câu “Cứ đi rồi sẽ thành đường” thì điều đó, đáng tiếc làm sao, lại không đúng trong y khoa. Người bệnh không cần gì khác hơn là hiệu quả, càng sớm càng tốt, càng lâu càng hay. Muốn thế thì bất cứ liệu pháp nào cũng phải bắt đầu bằng bước thứ nhất thật chính xác. Đó là khâu chẩn đoán. Có đầy đủ phương tiện điều trị đến đâu mà định bệnh sai thì cũng vô ích. Không có ngoại lệ.

Đây lại chính là vấn đề hiện nay hãy còn gút mắc cho nhiều người bệnh ở xứ mình. Vì còn thiếu một mạng lưới y tế phủ kín cơ sở hạ tầng, vì chưa có đội ngũ bác sĩ gia đình để đảm nhiệm công việc định bệnh, hay nói đúng hơn, định hướng chẩn đoán nên nhiều người bệnh hoặc đến thầy thuốc quá trễ vì không đánh giá đúng mức tình trạng nghiêm trọng của bệnh chứng, hoặc tuy có gõ cửa thầy thuốc sớm hơn nhưng lại gõ nhầm cửa. Trong cả hai trường hợp, đôi bên đều bị thiệt thòi. Một mặt, người bệnh phải gồng gánh căn bệnh trầm kha một cách oan uổng, từ phí tổn cho đến biến chứng. Mặt khác, thầy thuốc tốn công phí sức chữa trị bệnh nặng với tỉ lệ thành công không thể khả quan như mong muốn. Tất cả chỉ vì sai lệch trong bước đầu tiên của tiến trình điều trị.

Thực trạng đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Đây là một thí dụ điển hình vì đang rất phổ biến. Nhiều bệnh nhân thay vì tìm đến tố chống lao do tình trạng biếng ăn, suy nhược để xin chụp ảnh phổi và thử phản ứng lao tố là hai hình thức chẩn đoán rất đơn giản lại chọn cách tự mua thuốc ho do bệnh nhân phần chỉ tập trung vào dấu hiệu thường ho có đàm, hay thậm chí sổ mũi mỗi khi trở trời, phần cũng muốn tránh né biện pháp tầm soát bệnh lây lan theo kiểu không biết thì coi như… chưa bệnh! Không thể trách bệnh nhân vì người bệnh đâu có học y khoa đến… sáu năm! Cứ lây lất như thế đến lúc nào đó, khi bệnh nặng hơn, khi chịu hết nổi, bệnh nhân, thường khi theo lời khuyên của chòm xóm vì dễ gì tìm được thầy thuốc gần nhà, quyết định tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng với lối suy nghĩ đơn giản pha cảm tính. Đã nghẹt mũi còn đâu khác hơn là gần tai với họng. Tưởng chỉ trật một chút là lầm. Điểm tệ hơn nữa là đã quét nhà dễ gì không ra rác. Gặp 10 người bệnh lam lũ với cảnh mưa nắng hai mùa thì thầy thuốc tai mũi họng nhẹ lắm cũng tìm ra viêm mũi dị ứng hay viêm xoang gì đó trong chín trường hợp!

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/bac-si-noi/y-khoa-tren-troi-672367.html