Ý Đảng, lòng dân nơi biên cương

Hơn 20 năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng, trúng, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các lực lượng bám, nắm địa bàn để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Qua đó, đã huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, phục vụ sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 1: BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới

Biên giới nước ta có vị trí quan trọng, chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, với 1.109 xã, phường, thị trấn biên giới thuộc 239 huyện, thị xã thuộc 44 tỉnh, thành phố với trên 2,3 triệu hộ/trên 9,5 triệu dân gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, song do đặc điểm về địa lý, khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao... Do đó, ngay từ khi mới thành lập, Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đã triển khai lực lượng trên các tuyến biên giới, bám dân, bám địa bàn, vừa đấu tranh bảo vệ biên giới, giới tuyến, vừa tham mưu, phối hợp và trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân lao động, sản xuất, ổn định đời sống.

Trung tá Kim Đình Tư cùng nhà tài trợ trao biển tượng trưng số tiền xây dựng, sửa chữa cụm trường Sủa Nhè Lử, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái. Ảnh: Nguyễn Bích

Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, với chủ trương đúng, trúng, sáng tạo, năm 1998, Đảng ủy BĐBP đã ký Quy chế phối hợp với các Tỉnh ủy, Thành ủy biên giới, trong đó thống nhất chủ trương tăng cường mỗi xã đặc biệt khó khăn một cán bộ BĐBP để tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Chủ trương này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, làm cho người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm bám trụ nơi biên giới, tích cực tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

“Một đôi vai gánh hai trọng trách”

Đã thành thông lệ, cứ mỗi sáng, từ thứ năm đến chủ nhật hàng tuần, khi mặt trời còn chưa ló dạng, trên con đường liên thôn ở Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người dân luôn thấy bóng dáng cao gầy mặc quân phục quen thuộc với bước đi vội vã của Trung tá Kim Đình Tư đến thăm bà con các thôn bản. Đến với bà con, anh vừa tranh thủ thăm hỏi, vừa lắng nghe và giải đáp, chia sẻ những băn khoăn của bà con về mùa màng, hay chuyện gia đình, thôn bản; đồng thời vận động người dân không xuất nhập cảnh trái phép; tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm; xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, cây dược liệu, trồng lanh...

Trung tá Kim Đình Tư được đơn vị cử tăng cường với cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái năm 2016. Con đường đến với chức danh cán bộ tăng cường xã của Trung tá Kim Đình Tư cũng khá bất ngờ. Sinh năm 1972, quê Vĩnh Phúc, nhưng Trung tá Kim Đình Tư đã có “thâm niên” hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất biên cương Hà Giang với nhiều cương vị khác nhau. Ngay từ khi mới ra trường, anh đã được điều động về Đồn Biên phòng Xín Cái công tác với nhiệm vụ là một cán bộ trinh sát và phòng chống ma túy và tội phạm. Trong 1 vụ truy bắt tội phạm mua bán trẻ em qua biên giới năm 2010, anh đã bị thương. Với thương tật 4/4, năm 2014, Trung tá Kim Đình Tư được đơn vị tạo điều kiện chuyển về công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Thời gian này, công việc tuy đỡ vất vả hơn ở đồn, nhưng anh lại nhớ cồn cào đồng đội, bà con dân bản. Vì vậy, 2 năm sau, anh đã tình nguyện xin quay trở về đơn vị cũ.

Anh chia sẻ: “Bắt tay vào công việc, tôi đã tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng các nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác. Cùng với đó, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, tôi đến từng thôn để nắm bắt tình hình, tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã triển khai các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế như: Hướng dẫn nhân dân trồng cây lanh dệt vải; đầu tư trồng cây na, cây mít, cây dược liệu (chè hoa vàng, kim ngân); trồng cây sa mộc phủ xanh đất trống... Đồng thời, kêu gọi các nhà từ thiện hỗ trợ kinh phí cùng địa phương làm cầu qua suối và đổ bê tông các con đường nối các chòm xóm với số tiền hơn 1 tỷ đồng; đầu tư xây 2 điểm trường cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái và 1 nhà lưu trú cho học sinh cấp 2 với mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ sách, quần áo, đồ dùng học tập và tiền mặt 60 triệu đồng".

Đặc biệt, từ năm 2021 đến tháng 5/2023, Trung tá Kim Đình Tư đã cùng MTTQ xã và Đồn Biên phòng Xín Cái vận động 21/21 hộ theo tà đạo quay trở về với phong tục tập quán. Bên cạnh đó, Trung tá Kim Đình Tư còn kết nối với các nhà tài trợ tặng 6 con bò giống cho nhân dân; hỗ trợ kinh phí cho 6 hộ gia đình xóa nhà tạm, trị giá 60 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 681 hộ nghèo đói giáp hạt mỗi năm 2 lượt (gồm gạo, mắm muối, mì chính, dầu ăn, chăn ấm, quần áo..., nhà nào khó khăn hơn hỗ trợ cả tiền mặt) với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Được biết, hiện tại Trung tá Kim Đình Tư vừa được nghỉ chờ hưu theo chế độ vào tháng 7/2023.

Sức bật từ một chủ trương đúng, trúng, sáng tạo

Được biết, Trung tá Kim Đình Tư là một trong số 311 đồng chí được tăng cường về các xã đặc biệt khó khăn theo chủ trương mà Đảng ủy BĐBP thống nhất với một số Tỉnh ủy, Thành ủy từ năm 1998.

Trung tá Kim Đình Tư hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc bò. Ảnh: Nguyễn Bích

Chủ trương này ra đời bắt nguồn từ quá trình thực hiện nhiệm vụ của BĐBP trên các tuyến biên giới, “3 bám, 4 cùng” với đồng bào các dân tộc, Đảng ủy BĐBP nhận thấy sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển khu vực biên giới, song nhìn chung, cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao, hệ thống tổ chức đảng và đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa mỏng, vừa yếu, trong đó còn gần 300 thôn, bản chưa có đảng viên, hơn 1.000 thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ.

Do đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành hàng loạt chỉ thị, nghị quyết để triển khai thực hiện hiện quả Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh các xã, phường biên giới, hải đảo" và Nghị quyết số 150/ĐU-QSTW ngày 01/8/1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về "Quân đội tham gia lao động phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn chiến lược biên giới, hải đảo” theo hướng lấy xây dựng cơ sở vững mạnh làm mục tiêu, xây dựng tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân làm biện pháp quan trọng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Với chủ trương này, tháng 10/1998, Đảng ủy BĐBP đã thống nhất với một số Tỉnh ủy, Thành ủy biên giới tăng cường mỗi xã đặc biệt khó khăn một cán bộ BĐBP để tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Trong hơn 20 năm qua, Đảng ủy BĐBP đã cử hơn 1.000 lượt cán bộ tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới đặc biệt khó khăn, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ còn thiếu cho địa phương để tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Đến thời điểm này (năm 2023), BĐBP có 311 đồng chí cán bộ tăng cường xã, trong đó có 253 đồng chí giữ chức danh trong Ban chấp hành đảng bộ. Trong đó, 4 đồng chí bí thư đảng ủy xã (1 đồng chí huyện ủy viên), 238 đồng chí phó bí thư đảng ủy xã, 11 đồng chí ủy viên Ban chấp hành đảng bộ, 3 đồng chí giữ chức danh trong chính quyền...

Trong 20 năm với “một đôi vai gánh hai trọng trách”, đội ngũ cán bộ tăng cường xã của BĐBP đã góp phần củng cố 1.190 tổ chức đảng, 129 HĐND, 51 UBND; gần 6.000 chi đoàn thanh niên và chi hội phụ nữ, trên 7.000 tổ an ninh, tổ tự quản, tổ đoàn kết ở các xóm, bản được xây dựng và củng cố vững mạnh. Mỗi năm, các xã biên giới kết nạp được gần 1.000 đảng viên mới; tỷ lệ cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh năm sau cao hơn năm trước, số xã yếu kém giảm dần. Nhưng cái được lớn nhất kể từ khi những người lính Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, chính là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở địa phương được nâng cao, đủ sức “đề kháng” trong bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần bồi dưỡng cán bộ làm tốt công tác dân vận và giữ vững được lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Quân đội và BĐBP.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tăng cường xã cũng chủ động tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, góp phần đưa gần 101 xã từ yếu, kém lên trung bình, 192 xã từ trung bình lên khá về kinh tế, xã hội; 18/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức kết nghĩa được 117 cặp cụm dân cư hai bên biên giới. Qua đó, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng.

Có thể khẳng định, việc BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới, biển đảo là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để cùng với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương xây dựng tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho vùng biên giới và việc chăm lo đời sống nhân dân cũng là biện pháp quan trọng để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc. Góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP. Qua đó, đã huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân ở khu vực biên giới xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, phục vụ sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.n

Bài 2: Gần dân, hiểu dân, giúp dân để hoàn thành nhiệm vụ

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/y-dang-long-dan-noi-bien-cuong-post464771.html