Ý Đảng, lòng dân nơi biên cương (bài 2)

Những năm qua, khu vực biên giới đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm, đầu tư phát triển về nhiều mặt, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do những điều kiện về địa lý tự nhiên, phong tục, tập quán, nên khu vực biên giới còn nhiều vấn đề bất cập, yếu kém so với các địa bàn khác như: hệ thống chính trị cơ sở nhiều địa phương chưa thực sự vững mạnh, có những tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc vừa mỏng, vừa yếu; còn nhiều thôn bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ; công tác phát triển đảng viên là người dân tộc khó khăn; đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương chưa đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Bài 2: Gần dân, hiểu dân, vì dân để hoàn thành nhiệm vụ

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, thiếu hiểu biết của đồng bào các dân tộc để tuyên truyền, kích động làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, để huy động sức mạnh toàn dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạt lật đổ, phá hoại sự nghiệp cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với hàng loạt chủ trương, biện pháp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã, phường biên giới, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP đã ban hành Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 về việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Chỉ thị ra đời như một làn gió mới, đưa công tác vận động quần chúng trong BĐBP ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Nông, BĐBP Quảng Nam tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc trên địa bàn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Gia Minh

Cán bộ Đồn Biên phòng A Nông, BĐBP Quảng Nam tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc trên địa bàn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Gia Minh

Chỉ thị 681 - Làn gió mới trong công tác vận động quần chúng của BĐBP

Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc chỉ thị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhất là các đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ; ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị theo Hướng dẫn 2358/HD-CCT ngày 29/10/2018 của Cục Chính trị BĐBP. Với chỉ tiêu: Ban chỉ huy đồn Biên phòng (mỗi đồng chí từ 2-3 hộ); các đội: Vận động quần chúng, trinh sát, phòng chống ma túy và tội phạm, kiểm soát hành chính, trạm kiểm soát (mỗi đồng chí từ 5-7 hộ); cán bộ tăng cường xã, thị trấn biên giới (mỗi đồng chí từ 7-9 hộ), các đơn vị BĐBP trong toàn lực lượng đã lựa chọn, phân công 9.402 đồng chí đảng viên phụ trách 40.893 hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Với phương châm thấu hiểu từng hoàn cảnh, các đảng viên đến từng gia đình được phân công phụ trách để tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe nguyện vọng của bà con để cùng với đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con cũng như hình thức tuyên truyền, giúp đỡ phù hợp. Trước hết, đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách thì đảng viên phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ họ tổ chức sản xuất, vay vốn ngân hàng, hỗ trợ ngày công, con giống thí điểm mô hình chăn nuôi, sản xuất mới.

Đối với những hộ gia đình có mối quan hệ chính trị, xã hội phức tạp, dễ bị lợi dụng, kích động, có thành viên vướng vào tệ nạn xã hội thì đảng viên phải phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản bảo đảm về an ninh trật tự. Đồng thời, tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, không tham gia khiếu kiện, tụ tập đông người, không tham gia tệ nạn xã hội để từng bước làm thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình được phân công phụ trách.

Còn đối với các hộ gia đình theo tôn giáo, đảng viên phụ trách phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân gắn với thực hiện tốt kỷ cương, pháp luật, các quy định của địa phương; xây dựng tình làng, nghĩa xóm ở khu dân cư, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng, gây rối, biểu tình.

Đối với những hộ gia đình có mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới, thì các đồng chí đảng viên Biên phòng lại tập trung tuyên truyền về chủ quyền biên giới quốc gia, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn kiện pháp lý biên giới đất liền; vận động các hộ gia đình tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Để biên giới luôn bình yên

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy BĐBP cho biết: "Năm 2018, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP đã ban hành Chỉ thị 681 về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở địa bàn khu vực biên giới. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, một cách làm hiệu quả để cán bộ, chiến sĩ BĐBP gần dân hơn, hiểu dân hơn, nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình địa bàn, là cầu nối để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân biên giới; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân nơi biên giới không ngừng được củng cố và ngày càng vững chắc".

Tại tỉnh Quảng Bình, quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã ban Nghị quyết số 390-NQ/ĐUBP, ngày 26/12/2018; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh ban hành Kế hoạch số 2865/KH-BCH ngày 30/12/2018 về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của trên, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Quảng Bình đã chủ động chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở triển khai rà soát, tập trung 3 nhóm: Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, có công với cách mạng; hộ gia đình có mối quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, dễ bị lợi dụng, kích động, thành viên gia đình có tiền án, tiền sự, đối tượng quản lý nghiệp vụ và hộ gia đình có các mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới. Căn cứ kết quả khảo sát, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình tổ chức, biên chế, các đơn vị phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình bảo đảm chỉ tiêu hộ gia đình được phân công phụ trách, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên.

Do đó, các đồng chí đảng viên đồn Biên phòng được phân công phụ trách các hộ gia đình đã tích cực, chủ động bám địa bàn, thường xuyên có các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương... kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả.

Nổi bật là, các đảng viên của BĐBP Quảng Bình đã tham mưu cho cấp trên quan tâm làm nhà “Tình nghĩa”, thăm, tặng quà, động viên các hộ gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, có công với cách mạng; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, phù hợp khả năng đơn vị, địa phương đối với các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Còn với các hộ có các mối quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, thì các đảng viên Biên phòng tập trung tìm hiểu nguồn gốc những bức xúc, tâm tư, vướng mắc, xác minh làm rõ các mối quan hệ để từ đó có nội dung, giải pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động các gia đình và cộng đồng về lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, chú trọng tuyên truyền, vận động hộ gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương...

Chia sẻ về kết quả triển khai Chỉ thị 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP, Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy BĐBP Quảng Bình cho biết: Thông qua việc phụ trách hộ gia đình, các đảng viên đồn Biên phòng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với tập thể đơn vị, các tổ, đội công tác địa bàn chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động hộ gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, tích cực lao động, sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, không vượt biên, vượt biển trái pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và không tiếp tay cho các loại tội phạm, đối tượng vi phạm pháp luật..., góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tham mưu, đề xuất các nội dung và tham gia duy trì có nền nếp, hiệu quả các mô hình tự quản theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017 - 2021, “Xóa mù chữ”; các Chương trình: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, “Quân dân y kết hợp”; tổ chức tốt các hoạt động “Xuân Biên phòng ấm lòng dân biên giới”, “Biên cương đêm hội trăng rằm”.

Đồng thời, chủ động tham mưu chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương các cấp, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm chăm lo vì người nghèo, vì học sinh nghèo, quan tâm tài trợ xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ sản xuất, đời sống nhân dân, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn biên giới. Một số đơn vị và đảng viên đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đạt được một số kết quả rất tích cực như: Đảng bộ Biên phòng: Làng Ho, Lý Hòa và các đảng viên: Nguyễn Thành Dũng (Đồn Biên phòng Ra Mai); Bùi Đức Sử (Đồn Biên phòng Cà Xèng); Hồ Văn Dương (Đồn Biên phòng Làng Ho)...

Còn tại Nghệ An, được phân công phụ trách 6 hộ gia đình ở khu vực biên giới, Thiếu tá Phan Văn Thắm, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên cho các gia đình khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn các hộ dân áp dụng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Bản thân Thiếu tá Phan Văn Thắm còn trích tiền lương trực tiếp hỗ trợ 50 con gà, 2 con lợn trị giá 2 triệu đồng cho 2 hộ gia đình trên địa bàn để người dân có sinh kế thoát nghèo. Ngoài ra, anh và đồng đội còn giúp đỡ người dân Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn xây dựng bể chứa nước sạch trị giá gần 70 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt hằng ngày.

Cùng với đó, Thiếu tá Phan Văn Thắm tích cực tham mưu cho Đảng ủy Đồn Biên phòng Môn Sơn và trực tiếp phối hợp với cán bộ xã Môn Sơn xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể bản Khe Búng từ yếu kém vươn lên vững mạnh. Đặc biệt, năm 2022, Thiếu tá Phan Văn Thắm cùng với cán bộ, nhân viên trong Đội Vận động quần chúng tham mưu cho chỉ huy đơn vị triển khai “Gian hàng 0 đồng” trong các phiên chợ hằng tháng. Đến nay, đã có hơn 8 tấn quần áo, giày dép, sách vở, cặp sách được tặng miễn phí cho người dân trên địa bàn. Mô hình này đã được Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, xem đây là mô hình cần được nhân rộng ra trên địa bàn các xã biên giới của huyện.

Việc phân công các đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình theo Chỉ thị 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP đã góp phần thiết thực trong việc khích lệ người dân vượt qua khó khăn, vươn lên lao động sản xuất. Cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình được giúp đỡ đã thay đổi rõ nét. Trong số 40.893 hộ gia đình ở khu vực biên giới do đảng viên đồn Biên phòng phụ trách, nhiều hộ khó khăn nay đã có cuộc sống ổn định; những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân đã được giải quyết kịp thời, người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, nhiều hộ tự nguyện đăng ký cam kết không vi phạm pháp luật...

Đáng chú ý, có những cá nhân vốn nghiện ngập, thường xuyên vi phạm pháp luật, nay đã thay đổi tích cực về lối sống, siêng năng làm ăn, chăm lo xây dựng gia đình. Các hộ được đảng viên đồn Biên phòng phụ trách chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, không có hộ nào có thành viên vi phạm pháp luật phải xử lý. Từ sự giúp đỡ của đảng viên đồn Biên phòng, nghĩa tình quân dân thêm gắn kết, người dân tích cực cung cấp thông tin, giúp BĐBP kịp thời xử lý tình hình, giải quyết tốt các mâu thuẫn nổi lên trên địa bàn, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Bài 3: Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng nền biên phòng toàn dân của các cấp ủy đảng ở khu vực biên giới

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/y-dang-long-dan-noi-bien-cuong-bai-2-post465088.html