Xung quanh vụ lở núi ở Hòa Bình: Nhà khoa học lên tiếng!

Sau bài “Lở núi ở Hòa Bình: “Nói cảnh báo được là hơi liều…” (ĐV, 27/2), nhiều nhà địa chất nêu ý kiến bày tỏ: Bản chất vấn đề trong vụ sạt lở núi trên quốc lộ 6 là do “Chưa thực sự coi trọng và khai thác các kết quả nghiên cứu”...

Lở núi ở Hòa Bình: Hiểm họa được báo trước
Lở núi ở Hòa Bình: 'Nói cảnh báo được là liều…'

TS Nguyễn Quốc Thành, Phòng phát triển công nghệ và kỹ thuật môi trường, Viện địa chất:Taluy làm cao, nguy cơ sạt lở cao

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khu vực Mai Châu, Hòa Bình có những điểm có nguy cơ sạt lở rất mạnh. Kết quả nghiên cứu đã nộp về Bộ KH-CN. Để đánh giá mức độ vùng có nguy cơ sạt lở rất mạnh, mạnh, trung bình, yếu hay ổn định phải dựa vào gần chục yếu tố như tính chất đất đá, lượng mưa, độ phân cắt, đất đá phong hóa kiểu gì, mật độ sông suối, khoảng cách giữa các khe nứt… cung đường đi qua khu vực Mai Châu thuộc vùng có nguy cơ sạt lở rất mạnh. Về địa chất luôn tồn tại khách quan, chẳng hạn núi đá thì mãi mãi nó là núi đá chứ không phải nay là núi đá này, mai nó là núi đá khác. Chỉ có các điều kiện ngoại quan là thay đổi như lượng mưa, khí hậu…

Ngoài ra, sự thay đổi còn do sự tác động của con người như làm taluy, làm đường. Rất nhiều nơi trên cả nước khi làm đường thì làm taluy có độ dốc cao để khỏi mất công xúc đất đá đi, nếu làm thoải, tạo giật cấp thấp thì mất công xúc đất đá. Do đó, họ thường làm taluy đường rất đứng, rất cao nên nguy cơ sạt lở luôn rình rập. Taluy làm cao thế nhưng cũng chẳng ai để ý, chẳng có biện pháp can thiệp nào cả.

Đề tài KC.08.01 đã có sự cảnh báo về nguy cơ sạt lở núi tại cung đường này và có kết quả đã bàn giao cho Bộ KH-CN, nếu tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu thì phải liên hệ với Bộ KH-CN. Nói địa chất năm nay khác năm trước là không đúng. Địa chất có thay đổi nhưng thay đổi chậm trừ khi có sự can thiệp của con người như khi làm đường qua núi, đường thấp khiến dốc đồi, núi càng cao gây nguy hiểm chứ còn thay đổi địa chất do tự nhiên thì chậm.

Do đó khi anh làm đường là phải có giải pháp can thiệp ngay đề tránh sạt lở rồi. Nhiều nơi khi làm đường họ cũng tính toán đến sự sạt lở núi nhưng không hiểu sao đoạn này thì chắc là không để ý hay không tính đến. Ngành giao thông phải khai thác các kết quả nghiên cứu địa chất trước đó. Tuy nhiên phải thừa nhận việc tiếp nhận kết quả các công trình nghiên cứu còn chậm, yếu kém.

PGS.TS Lại Huy Anh, Trung Tâm Địa môi trường và tổ chức lãnh thổ:Khảo sát để làm gì khi không phòng chống.

Khu vực ở Mai Châu (Hòa Bình) theo ông Doãn Minh Tâm nói đã nghiên cứu nhiều và được thực hiện hàng năm, tuy nhiên nếu chỉ khảo sát, nghiên cứu rồi để đó mà không áp dụng các giải pháp phòng chống thì cũng không có tác dụng.

GS Nguyễn Trọng Yêm chỉ ra nhiều điểm tại Hòa Bình đã được khoanh vùng cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Đây là sản phẩm của đề tài KC 08.01 "Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng tai biến môi trường tự nhiên lãnh thổ Việt Nam".ảnh Phương Nguyên

Về vấn đề trượt lở đất, ngoài các nghiên cứu mang tính chung phải nói Viện Địa chất và đặc biệt kết quả KC 08.01 đã khoanh vùng nguy cơ tai biến cùng với các giải pháp phòng tránh. Song về mặt chuyên môn khi điều tra, khảo sát đánh giá phục vụ xây dựng công trình ở những vùng có các yếu tố đặc thù thì phải nghiên cứu, khảo sát đánh giá điều kiện địa chất công trình khu vực.

Có một bất cập đang xảy ra... Đó là chúng ta vẫn bị tổn thất về nhiều mặt, mặc dù đã có nghiên cứu. Nguyên nhân là các bộ ngành chưa thực sự coi trọng và khai thác hết các kết quả trước đó. Cuối cùng hậu quả vẫn là dân phải chịu.

Nguồn Đất Việt: http://khoahoc.baodatviet.vn/home/khcn/phanbien/xung-quanh-vu-lo-nui-o-hoa-binh-nha-khoa-hoc-len-tieng/20122/194105.datviet