Xung quanh việc lấn chiếm Hồ thủy lợi Tiền Phong: Kỳ III: Khó khăn nhưng phải giải quyết dứt điểm

Ngoài việc bất cập trong quản lý hồ sơ gốc, thiếu căn cứ pháp lý từ năm 2000 trở về trước, thì việc thiếu kiên quyết trong chỉ đạo phân định rõ ranh giới đất đai, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, khai thác và chính quyền sở tại trong xử lý người vi phạm..., khiến tình trạng xâm lấn đất công trình hồ thủy lợi Tiền Phong ngày một phức tạp, cần phải có những giải pháp để xử lý dứt điểm.

Lúng túng trong xác định nguồn gốc, ranh giới

Qua tìm hiểu của phóng viên, ngày 27/2/2014, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 365/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 4111/QĐ-UB ngày 12/12/2002 của UBND tỉnh Sơn La với lý do: Công ty khai thác công trình thủy lợi Sơn La được UBND tỉnh giao đất từ năm 2002 (để xây dựng khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái hồ Tiền Phong-PV) nhưng đến nay, Công ty chưa triển khai dự án, vi phạm khoản 12, Điều 38, Luật Đất đai năm 2003 “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép”.

Đập hồ thủy lợi Tiền Phong nhìn từ trên cao.

Đập hồ thủy lợi Tiền Phong nhìn từ trên cao.

Theo ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn: Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 365/QĐ-UBND thì các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thuộc khu đất thu hồi của Công ty khai thác công trình thủy lợi Sơn La tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao từ trước theo khoản 4, Điều 2, Luật Đất đai. Tuy nhiên, do một thời gian dài, đơn vị được giao đất thực hiện dự án không triển khai thực hiện, không quản lý được dẫn đến nhiều trường hợp người dân đã xây dựng công trình, thay đổi mốc chỉ giới nên rất khó khăn trong việc khắc phục, giải quyết...

Ngày 17/10/2014, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2787/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với nội dung: Thu hồi 11.067.813,3 m² đất trong tổng số 22.930.003,9 m² của Công ty TNHH Nhà nước MTV Nông nghiệp Tô Hiệu, giao cho UBND huyện Mai Sơn quản lý, sử dụng theo quy hoạch. Về nguồn gốc và hiện trạng khu đất: Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu (trước đây là Nông trường quốc doanh Tô Hiệu) đã được UBND tỉnh giao cho quản lý và sử dụng tại Quyết định số 491/QĐ-UB ngày 09/12/1986 và được UBND tỉnh quyết định chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo Quyết định số 2685/QĐ-UBND ngày 15/11/2013 của UBND tỉnh.

Quyết định số 2787/QĐ-UBND của UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Mai Sơn chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu tiếp tục giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến diện tích đất của Công ty giao lại cho UBND huyện quản lý; lập phương án đưa phần đất được giao vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai theo quy định.

Theo ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, mặc dù huyện được giao quản lý, song hiện nay chưa bóc tách, phân định được đâu là diện tích đất khai hoang của người dân, đâu là diện tích đất nhận khoán trước kia của người dân với Nông trường quốc doanh Tô Hiệu (cũ). Đặc biệt là việc Công ty thủy lợi chưa chi trả được tiền đền bù cho người dân nằm ở trong diện tích đất quy hoạch nên chưa có căn cứ để bắt người dân phải di chuyển.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn trao đổi về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc lấn chiếm đất ở hồ thủy lợi Tiền Phong.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn trao đổi về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc lấn chiếm đất ở hồ thủy lợi Tiền Phong.

Việc thu thập thông tin, căn cứ pháp lý để chứng minh tình trạng người dân lấn chiếm đất quy hoạch lòng hồ thủy lợi Tiền Phong còn rất khó khăn, phức tạp, bởi người dân khẳng định nguồn gốc đất đang sử dụng là của Nông trường quốc doanh Tô Hiệu (cũ) chứ không phải của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang được giao quản lý hồ thủy lợi Tiền Phong với lý do đến năm 1973 công trình mới bắt đầu thi công.

Bất cập trong công tác quản lý

Là đơn vị được giao quản lý khai thác công trình thủy lợi hồ Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, thông tin: Công ty chỉ có chức năng quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, việc xử phạt thuộc thẩm quyền của xã và huyện. Hơn nữa chế tài xử phạt quá thấp so với giá trị của diện tích đất lấn chiếm. Thậm chí có những vụ việc Công ty trực tiếp thấy các tổ chức, cá nhân đổ đất xuống lòng hồ và có báo cáo xã nhưng vụ việc vẫn không giải quyết được. Nhức nhối nhất là tuyến đường tiểu khu 10, Công ty mang cả máy xúc đào một rãnh thông hào và đổ 20 cột bê tông cốt thép để ngăn người dân làm đường, thế nhưng đổ chiều nay thì sáng mai họ đập đi và mang máy xúc ra đổ đất xuống làm đường, ông Trường trần tình.

Ông N.V.A, cán bộ hưu trí đang sống ở tiểu khu 11, xã Hát Lót bày tỏ: “Người dân không thể làm được nếu chính quyền cơ sở vào cuộc xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, mức xử phạt thấp hơn rất nhiều so với giá trị của diện tích đất lấn chiếm được; nhiều hộ khi lấn chiếm bị chính quyền xử phạt, nhưng chỉ một thời gian sau lại thấy hộ đó đổ đất lấn chiếm một cách ngang nhiên và thách thức”.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La, một số người dân vì lợi ích cá nhân, họ chưa có nhận thức đúng về công dụng của công trình thủy lợi. Trong khi đó, mức xử phạt theo Nghị định 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão quá thấp nên người dân “chấp nhận” nộp phạt... để tiếp tục vi phạm. Hiện, Công ty đang lưu giữ hàng tập biên bản và quyết định xử phạt, trong đó trường hợp vi phạm bị phạt cao nhất mới có 25 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sáng, cán bộ địa chính xã Hát Lót cho rằng: “Cái khó của xã Hát Lót trong việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lòng hồ một phần do lịch sử để lại; hồ thủy lợi Tiền Phong nằm trong địa giới hành chính 364 của xã Hát Lót, nhưng khai thác và hưởng lợi lại là xã Mường Bon. Cái khó nữa là mực nước hồ không ổn định, mùa mưa nước dâng cao, mùa khô xuống thấp. Những năm gần đây, mực nước xuống rất thấp nên một số hộ dân tận dụng khai thác, canh tác trồng hoa màu xung quanh hồ. Hơn nữa việc đổ đất lấn chiếm thường xảy ra ban đêm nên rất khó kiểm soát...”.

Hồ thủy lợi Tiền Phong bị người dân lần chiếm đào ao thả cá và đổ đất làm kho, xưởng.

Hồ thủy lợi Tiền Phong bị người dân lần chiếm đào ao thả cá và đổ đất làm kho, xưởng.

Sự chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý và chế tài xử phạt thấp đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý của chính quyền địa phương. Đặc biệt là cả cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương đều khẳng định tình trạng lấn chiếm đất quy hoạch lòng hồ thủy lợi Tiền Phong đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vì chưa bóc tách, phân định được ranh giới đất giữa đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và Công ty Nông nghiệp Tô Hiệu. Trên các khu đất Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu được Nhà nước cho thuê để sản xuất nông nghiệp, thực tế các hộ gia đình và cộng đồng bản đang sử dụng vào mục đích: Trồng cây hàng năm, làm nghĩa địa, sân thể thao, đất giáo dục, đất văn hóa, núi đá, đất ở... Đây cũng là những kẽ hở để một số hộ dân có các hình thức lấn chiếm tinh vi, kéo dài nhiều năm vào diện tích quy hoạch lòng hồ thủy lợi Tiền Phong.

Cần có những giải pháp triệt để

Việc xác định trách nhiệm cụ thể để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lòng hồ thủy lợi Tiền Phong kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết sẽ do cơ quan chức năng kết luận. Song có thể nhận thấy những kẽ hở trong việc quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng ở khu vực này, mà trước hết là việc không quyết liệt trong phân định rõ nguồn gốc đất. Trên thực tế, từ năm 2019 đến nay, huyện Mai Sơn mới đang triển khai đo đạc địa chính để xác định số liệu, mà chưa phân định rõ vị trí những diện tích đất của Nông trường Tô Hiệu bàn giao cho huyện Mai Sơn trên thực địa, khiến nhiều hộ dân khu vực này lợi dụng sử dụng đất chưa đúng mục đích, chính quyền địa phương cũng gặp khó trong công tác quản lý.

Theo ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn thì đây cũng là một trong những nội dung vướng mắc nhất. Huyện Mai Sơn cũng đã chỉ đạo bóc tách các phần đất, đất nào là đất khai hoang, chỗ nào thuộc đất khoán của nông trường để xây dựng phương án cụ thể đề xuất với tỉnh phương án xử lý.

Nhiều giải pháp ngăn chặn việc lấn chiếm hồ cũng đã được cơ quan chủ quản công trình hồ thủy lợi Tiền Phong và các cơ quan chức năng của huyện Mai Sơn tính đến. Trước mắt, các bên thống nhất tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm mới...

Còn ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La, phương án lập vành đai bảo vệ hồ sẽ khả thi, nhưng thay vì lập vành đai theo cos 600.2 thì đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép lập vành đai theo hiện trạng và có phương án bồi thường, tái định cư đối với các hộ nằm trong quy hoạch hồ.

Ông Trường cũng thông tin thêm: Tới đây khi dự án tiếp nước từ hồ Chiềng Dong và suối Bom Cưa thì nước hồ Tiền Phong sẽ đầy và ổn định quanh năm. Đây cũng là cơ hội để đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ khai thác lợi thế nước hồ thủy lợi Tiền Phong. Mong chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Công ty để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để phát sinh các trường hợp lấn chiếm mới; cùng phối hợp xác minh mốc giới, hiện trạng đường vành đai.

Mực nước hồ thủy lợi Tiền Phong sẽ được nâng lên khi dự án tiếp nước hồ Chiềng Dong và suối Bom Cưa được thực hiện.

Mực nước hồ thủy lợi Tiền Phong sẽ được nâng lên khi dự án tiếp nước hồ Chiềng Dong và suối Bom Cưa được thực hiện.

Cùng nhận định, ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho rằng: Giải quyết việc lấn chiếm đất công trình thủy lợi Tiền Phong là bài toán khó nhưng phải quyết tâm thực hiện. Nếu để huyện đơn phương giải quyết thì khó mà tháo gỡ được vì còn vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Chính phủ liên quan đến Luật Đất đai. Chúng tôi cũng rất trăn trở bởi, ngoài những hộ mới lấn chiếm thì còn có những hộ dân sinh sống ở đây từ những năm 1945 nhưng lại nằm trong phạm vi công trình và được xác định là tài sản công. Phía huyện rất mong muốn sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống sinh hoạt. Việc được đấu giá quyền sử dụng đất cũng sẽ giúp cho huyện một nguồn thu ngân sách không nhỏ.

Thay cho lời kết

Sau 46 năm đưa vào khai thác, sử dụng, công trình hồ thủy lợi Tiền Phong vẫn giữ nguyên giá trị và sứ mệnh cung cấp nguồn nước nuôi trồng thủy sản, phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân các xã Hát Lót, Mường Bon. Những vi phạm lấn chiếm lòng hồ gần 20 năm qua đã làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của công trình, ảnh hưởng lớn đến công năng tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Việc lấn chiếm, thay đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng tạo ra tiền lệ xấu, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hướng tính thượng tôn pháp luật. Nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc xử lý dứt điểm thì phần diện tích đất lòng hồ sẽ tiếp tục bị lấn chiếm và ngày càng thu hẹp. Những khó khăn do lịch sử để lại cũng là nút thắt mà các sở, ban ngành, đơn vị cần phối hợp với huyện Mai Sơn để tháo gỡ, kiến nghị xem xét, giải quyết thấu đáo.

Phong Lưu - Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xung-quanh-viec-lan-chiem-ho-thuy-loi-tien-phong-ky-iii-kho-khan-nhung-phai-giai-quyet-dut-diem-40129