Xung quanh quy định “nộp thẳng tiền phạt cho CSGT”: Là mầm mống tăng tham nhũng, tiêu cực!

Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó quy định "Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt” đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Để đỡ gây phiền hà cho dân?

Theo Điều 4 về Thủ tục xử phạt của Thông tư này:" 1. Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. 3. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31-10-2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính”.

Xung quanh vấn đề này, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ- đường sắt, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ khi đưa ra đề xuất trên.Việc nộp phạt trực tiếp có lợi cho người dân. Chẳng hạn, một người ở Hà Nam vượt đèn đỏ ở Hà Nội, thay vì đi lòng vòng nộp phạt rồi chờ đợi lấy giấy tờ thì có thể nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông, mọi việc được giải quyết nhanh chóng. Và việc nộp phạt chỉ áp dụng trong trường hợp xảy ra ở những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính, trường hợp bất khả kháng người vi phạm không thể đến kho bạc. Các tình huống khác vẫn áp dụng theo quy định cũ.

Cũng như cách nói, giải thích của ông Cục trưởng Cục CSGT, không ít người đồng tình theo phương án này. Có người còn cho rằng, đây là một bước tiến, cải cách hành chính...

Cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng nảy sinh

Thực ra, đây không phải là một việc cải cách gì mới. Nói như chính Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, ngành CSGT cũng đã nhiều lần đề nghị, nhưng không được chấp nhận. Còn nếu như quy định này được chấp nhận thì hóa ra những quy định như của Công an TP Hà Nội yêu cầu CSGT đi làm nhiệm vụ không được mang trong túi vượt quá 100 ngàn đồng, khiến nhiều địa phương khác học tập là quá ấu trĩ và lỗi thời? Thế nhưng, chính công an TP Hà Nội từng cho rằng quy định này đã hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Thực tế tình trạng CSGT nhận tiền của người vi phạm diễn ra lâu nay đã quá phổ biến. Chưa nói đến tình trạng mãi lộ thường ngày trên các tuyến xe đường dài. Ở đây có sự thông đồng giữa người vi phạm và người thi hành công vụ. Có người cho rằng, quy định cho CSGT thu tiền phạt sẽ bớt đi tình trạng lén lút trên. Tuy nhiên nhiều ý kiến lại phản bác, rằng khi chặt, nghiêm đến thế mà tình trạng mãi lộ vẫn cứ diễn ra, huống chi nay lại tăng thêm cái quyền cho họ công khai. Lẽ nào thay vì trước đó, lái xe kẹp tiền vào tờ giấy, kẹp theo bằng lái dúi vào tay cho CSGT, nay cứ đàng hoàng đưa trước thanh thiên, bạch nhật.

Nói như Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, với quy định cho phép nộp phạt trực tiếp cho CSGT không những không giảm tiêu cực mà còn dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng chức quyền, trục lợi cá nhân. Hoặc như đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng cho rằng "không giảm mà tăng tiêu cực”.

Vì dân, vì sự nghiêm minh của pháp luật hay chỉ vì để thu tiền?

Nói như lãnh đạo của ngành CSGT, những tiêu cực của CSGT cũng phần nhiều do người dân có ý thức giao thông kém mà ra. Nhiều người không muốn tới kho bạc, muốn tránh phiền phức vì các thủ tục hành chính, muốn cho nhanh nên "dúi tiền vào tay cảnh sát”. Phía công an rồi sẽ làm nghiêm, sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn. Thực tế, bao năm qua, ngành công an cũng đã có nhiều biện pháp, xử lý nghiêm minh nhưng cũng khó ngăn được những "con sâu bỏ rầu nồi canh”. Lại nói rằng đây là thủ tục để cải cách hành chính vì dân thì cũng không hẳn. Vì dân phải là vì những người tuân thủ pháp luật, đâu phải chỉ vì một thiểu số những người thiếu ý thức, vi phạm, sắn sàng mua chuộc, kéo theo sự vi phạm của người thi hành công vụ kia?

Đúng là ý thức của người dân là rất quan trọng. Mọi chế tài đưa ra như phạt nặng, thông báo đến nơi cư trú, đơn vị, cơ quan làm việc cũng là chỉ nhằm tăng sự răn đe, khép người dân vào khuôn khổ pháp luật. Ngay cả cái mặt trái thủ tục hành chính đến kho bạc nộp phạt kia cũng khiến người vi phạm ớn đến tận cổ cũng là một hình thức răn đe vậy. Thực tế chế tài đưa ra đã mạnh, nhưng họ đâu đã kinh?

Dù sao, trước thực trạng vi phạm pháp luật giao thông nhan nhản như hiện nay, rất cần xem xét tìm ra những phương pháp xử phạt, phương pháp thu tiền cho hợp lý, để vừa thực sự cải cách hành chính, tăng tính răn đe, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật. Tuy nhiên, không thể lại đưa ra phương pháp kiểu vừa đá bóng, thổi còi.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76105&menu=1390&style=1