Xung quanh đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô

Tại một cuộc họp về giao thông Hà Nội diễn ra ngày 8-8, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã đề xuất đưa một phần đường sắt trong đó có các tuyến tàu hàng và dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm. Trước ý kiến này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần phải tính kỹ các giải pháp sao cho hợp tình, hợp lý.

Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội , hiện Hà Nội có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông. Trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn đường sắt liên tỉnh trong nội thành.

“Ga Hà Nội cũng là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân bằng đường sắt. Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời Ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xóa bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành”, Thiếu tướng Bình kiến nghị.

Với biện pháp này, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tin tưởng sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

Ga Hà Nội đang được đề xuất dời khỏi nội đô.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết: Bản thân tôi cách đây nhiều năm đã thấy không nên để ga Hà Nội trong trung tâm. Đưa ga Hà Nội ra khỏi nội đô là tốt. Song trong hoàn cảnh hiện nay ta chưa đủ điều kiện kinh tế để di dời, để xây dựng những ga mới thì nên dành tiền để đầu tư vào đường sắt tốc độ cao, nâng chất lượng chạy tàu để phục vụ luân chuyển hành khách tốt hơn. Hay đưa ga Hà Nội thành nơi trung chuyển hành khách quốc tế, còn bổ sung kinh phí đầu tư thêm vào ga vận chuyển hành khách liên tỉnh ở hai nhà ga Ngọc Hồi và Yên Viên (Gia Lâm).

Trước đề xuất của Công an Hà Nội, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu việt đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.

“Một đoàn tàu có thể chuyên chở được từ 700-1.000 hành khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô. Nếu đường sắt không ở trung tâm thì phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành sẽ tăng lên đáng kể. Do vậy, phải xem xét kỹ việc di chuyển đường sắt ra ngoại thành”, ông Minh phân tích thêm.

Người đứng đầu Tổng Công ty Đường sắt đưa ra giải pháp có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.

Bên cạnh đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, địa phương có quyền đề xuất các giải pháp ngoài quy hoạch do thực tế phát sinh. Tuy nhiên, làm gì cũng phải có tính toán kỹ để có giải pháp khả thi.

Vị này cho hay, những người dân buôn bán, sinh sống sát hai bên đường sắt, mỗi khi có tiếng còi tàu là vụt chạy vào nhà, từng có lần được thế giới đánh giá là đất nước có hình ảnh “hãi hùng” về đường sắt. Về tình trạng này, chúng ta cần sớm khắc phục bày phương án tốt nhất.

Khi nhắc đến đề xuất trên, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nhắc đến đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là ga Hà Nội hiện nay và kết nối với đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) và tuyến số 3 (Nhổn-ga Hà Nội). Về mặt pháp lý, chúng ta muốn làm gì thì phải tôn trọng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

GS Lã Ngọc Khuê phân tích thêm, về mặt giao thông đô thị hiện đang thấy khó khăn, chính điều này là nhược điểm do ta chưa giải quyết tốt giao thông đường sắt. Gần đây thành phố làm các tuyến đường sắt đô thị. Trong các tuyến này, thì điểm quan trọng đều qua ga Hà Nội.

Tóm lại, ga Hà Nội sẽ là điểm quy tụ tất cả các tuyến đường sắt đô thị, ngoài ra, ga Hà Nội sau này chắc chắn sẽ còn là điểm tập kết của xe buýt, xe taxi để chở khách tới điểm kết nối. Ga Hà Nội sẽ phát huy vai trò trung tâm điều phối rất lớn của toàn giao thông đô thị thành phố. Nó không khác gì hồ Yên Sở, nước phải đổ về đấy, xử lý rồi mới phân đi các nơi khác.

Giờ ga Hà Nội ngoài chức năng của mình, có thể tính đến làm các trung tâm dịch vụ cao tầng, như trung tâm thương mại, hoặc trung tâm hành chính. Ở mảnh đất gần 20ha, lại ở một vị trí trung tâm, nếu ta tạo một tổ hợp các công trình kiến trúc mới, sẽ tạo ra một diện mạo mới cho Hà Nội. Ga Hà Nội hiện nay là một tài sản vàng của Thủ đô.

“Không phải học đâu xa. Ngay như Hồ Chí Minh, họ không may mắn như Hà Nội, người ta không có quỹ đất ở trung tâm. Chợ Bến Thành rất chật chội, họ phải đào ngầm xuống đất để tạo ra một trung tâm ngầm về giao thông rộng khoảng 4ha. Nếu mang so sánh thì chỉ bằng 1/5 quỹ đất của ga Hà Nội. TP Hồ Chí Minh khó khăn thế mà vẫn cố gắng phát triển và bảo tồn, huống hồ Hà Nội có sẵn đất nếu không tận dụng và phát huy thì các thế hệ trẻ sau này của Hà Nội, nhìn thấy TP Hồ Chí Minh như vậy, liệu có suy nghĩ gì?”, GS Lã Ngọc Khuê thẳng thắn đưa ra nhận định và nêu luận điểm cuối cùng về vấn đề này: Nếu nói đường sắt đi lại nhiều, gây mất an ninh trật tự, mất ATGT, thì bây giờ chỉ còn cách bóc hết đường sắt của cả nước.

Hiện nay dọc tuyến Bắc-Nam có tới hơn 4.000 đường ngang dân sinh đều có nguy cơ gây ra TNGT, chứ không riêng gì khu vực Hà Nội. Mặt khác, từ năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tiên là phải làm tuyến đường sắt trên cao Yên Viên-Ngọc Hồi, nhưng chúng ta không làm. Nếu nâng tuyến này lên cao thì làm gì có tai nạn, làm gì có đường ngang. Cái này là lỗi của chúng ta làm chậm quá, không thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/phuong-an-nao-cung-phai-dua-tren-quy-hoach-tong-the-thu-do-453181/