Xung đột tại Dải Gaza: Bất đồng không bất ngờ

Phát biểu mới đây nhất của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel cho thấy khác biệt quan điểm về xung đột hiện nay tại Dải Gaza.

Các tòa nhà bị phá hủy bởi những cuộc không kích của Israel trong trại Jabalia dành cho người tị nạn Palestine ở thành phố Gaza. (Nguồn: Getty)

Ngày 12/12, phát biểu trước các nhà tài trợ của đảng Dân chủ ở Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi chính quyền tại Israel là “chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử Israel”, kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu thay đổi cách tiếp cận.

Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo sự ủng hộ dành cho chiến dịch quân sự của Nhà nước Do Thái suy yếu, trong bối cảnh Dải Gaza bị tàn phá nặng nề. Đồng thời, Tổng thống Joe Biden nói thêm rằng Israel “không muốn có giải pháp hai nhà nước”. Theo ông, hiện Nhà nước Do Thái vẫn “được hầu hết thế giới ủng hộ”, song “mọi việc đang dần xói mòn: bởi những “vụ đánh bom” trên diện rộng.

Phát biểu trước tuyên bố của ông Joe Biden chỉ vài giờ, Thủ tướng Netanyahu thừa nhận có bất đồng quan điểm với Tổng thống Mỹ về Dải Gaza thời hậu xung đột. Tuy nhiên, ông “hy vọng chúng tôi sẽ đạt thỏa thuận về vấn đề này”.

Những bình luận trên được coi là hai trong số những nhận xét thẳng thắn nhất cho đến nay khi đề cập những khác biệt dai dẳng giữa Israel và Mỹ. Từ trước khi xung đột bùng phát sau đợt tấn công của Hamas ngày 7/10, Tổng thống Joe Biden đã thẳng thắn chỉ trích liên minh cầm quyền của ông Netanyahu, trong đó có các chính đảng cực hữu. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian kể từ khi xung đột bùng phát, ông Joe Biden vẫn kề vai sát cánh với ông Benjamin Netanyahu trước công chúng, bất chấp dư luận ngày càng tranh cãi về chiến dịch của Israel.

Trong khi đó, trả lời CNN (Mỹ) hồi tháng trước, Thủ tướng Netanyahu cho biết đã nghĩ đến “một số hình thức chính quyền dân sự của người Palestine”, dù đó là thứ được “tái thiết”. Song, ngày 12/12, ông lại cho rằng: “Tôi muốn làm rõ quan điểm: Tôi sẽ không cho phép Israel lặp lại sai lầm của Oslo”và tuyên bố: “Gaza sẽ không thuộc về Hamas hay Fatah”.

“Oslo” được ông Netanyahu đề cập chính là Hiệp định Oslo năm 1993, thỏa thuận giữa Thủ tướng Israel Yitzhak Rabbin và Tổng thống Palestine Yasser, được thúc đẩy và ký kết tại Trại David (Mỹ) dưới sự trung gian hòa giải của Tổng thống nước chủ nhà khi đó là Bill Clinton. Thỏa thuận đã giúp hình thành chính quyền Palestine (PA), nắm quyền kiểm soát một phần đối với Bờ Tây và Gaza.

Đồng thời, tuyên bố của ông Netanyahu ám chỉ không chỉ Hamas mà còn đề cập Fatah. Đây là lực lượng chính trị lớn nhất tại Palestine, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy, ký kết Hiệp định Oslo và kiểm soát PA trong ba thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, PA đã bị Hamas “đánh bật” khỏi Gaza sau cuộc bầu cử năm 2007.

Như vậy, Israel không muốn giao lại quyền kiểm soát Dải Gaza cho Hamas hay PA do Fatah nắm giữ. Trong khi đó, Washington tuyên bố bác bỏ bất kỳ đề xuất nào bao gồm việc Israel kiểm soát Gaza và cảnh báo không nên thu hẹp ranh giới lãnh thổ Palestine. Đồng thời, xứ cờ hoa để ngỏ khả năng xây dựng một nhà nước Palestine, với PA tiếp tục quản lý Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc.

Có lẽ, thực trạng quan hệ Mỹ - Israel hiện tại ít nhiều được thể hiện trong phát biểu của ông Biden trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng nhân lễ Hanukkah của người Do Thái ngày 11/12. Nhắc lại mối quan hệ dài 51 năm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ kể về dòng chữ ông đã viết trên một bức ảnh cũ của hai người, gọi nhà lãnh đạo Israel bằng biệt danh thân mật “Bibi”.

Ông nói: “Tôi đã viết ở trên đầu tấm ảnh hàng chữ: ‘Bibi, tôi rất quý ông, nhưng tôi không đồng ý một chút nào về điều mà ông vừa nói’. Và ngày hôm nay vẫn như vậy”.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-tai-dai-gaza-bat-dong-khong-bat-ngo-253850.html