Xung đột ở Gaza và khó khăn của châu Âu

Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel kéo dài từ tháng 10/2023 và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, khả năng leo thang và lan rộng ngày càng tăng. Mặc dù cuộc xung đột này cách lãnh thổ châu Âu tương đối xa, nhưng vì lý do lịch sử và địa lý, các nước châu Âu có liên quan lợi ích với Trung Đông. Vì vậy, cùng với cuộc xung đột là những tác động lên lục địa già ngày càng rõ rệt.

Chia rẽ nội bộ

Từ trước đến nay, về vấn đề Israel - Palestine, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vốn vẫn không đạt được nhận thức chung. Các nước như Đức, Áo, Cộng hòa Czech... thì ủng hộ Israel vô điều kiện, trong khi các nước như Tây Ban Nha, Ireland, Bỉ... lại có thiện cảm hơn với người Palestine. Pháp cố gắng duy trì sự cân bằng, các nước khác đi theo xu hướng chủ đạo, chủ yếu ngả theo lập trường của Mỹ. Điều này chắc chắn khiến EU chỉ có thể đạt được nhận thức chung hạn chế về vấn đề xung đột Palestine - Israel. Ví dụ như ủng hộ giải pháp 2 nhà nước sẽ là một lựa chọn trung dung.

Tàu hàng Galaxy Leader bị vây quanh bởi những thuyền cơ động của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.

Tuy nhiên, xung đột Palestine - Israel lần này có cường độ khốc liệt, tổn thất to lớn và cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng chưa từng có càng làm gia tăng thêm sự bất đồng giữa các nước thành viên EU, do đó EU không thể hiện lập trường mạnh mẽ.

Khi xung đột mới nổ ra, EU nhanh chóng rơi vào hỗn loạn trong vấn đề ứng phó như thế nào? Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen đã ngay lập tức tới Israel như để bày tỏ lập trường hoàn toàn ủng hộ đối với nước này. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell hối giục Israel kiềm chế sau khi xung đột nổ ra 1 tuần, EU mới đưa ra tuyên bố, rất ngắn gọn và thể hiện sự chia rẽ giữa 27 quốc gia thành viên.

Đức vẫn ủng hộ toàn diện Israel như trước đây, mặc dù Dải Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có: Số người chết đã vượt quá 32.900 người, hơn 75.400 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, gần 2 triệu người phải tị nạn, thực phẩm, nước sạch và thuốc men thiếu trầm trọng, khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang diễn ra. Về lập trường này của Đức, Bộ trưởng Bộ Phát triển của Bỉ chất vấn: “Các bạn thực sự muốn đứng về phía sai lầm của lịch sử lần thứ hai? Các bạn sẽ vẫn đứng khoanh tay nhìn khi cuộc thanh lọc sắc tộc đang diễn ra? Đây có phải là sẽ không phạm sai lầm một lần nữa mà các bạn từng nói?”. Một nhà ngoại giao Pháp tỏ ra bất lực khi nói rằng: “Tất cả chúng ta đều quan sát Mỹ trước rồi mới quyết định lập trường của mình”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU tháng 12/2023, 4 nước Tây Ban Nha, Bỉ, Ireland và Malta yêu cầu EU thảo luận nghiêm túc về vấn đề Gaza và có các hành động cụ thể. Tuy nhiên, trước sự phản đối kiên quyết của một số nước khác, đặc biệt là Đức, EU không thể có lập trường và hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Điều này khiến EU tỏ ra bất lực trước cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza.

Trên thực tế, EU vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với Israel. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Israel. Năm 2022, kim ngạch thương mại với EU chiếm gần 29% tổng kim ngạch thương mại của Israel. Nếu EU có hành động về kinh tế, cứng rắn hơn về chính trị và ngừng viện trợ quân sự, tổ chức này sẽ có thể ảnh hưởng nhất định đến việc ra quyết sách của Israel. Tuy nhiên, do chia rẽ nội bộ, nên EU từ trước đến nay không thể có hành động mạnh mẽ.

Kinh tế bị tác động nghiêm trọng

Kinh tế EU vừa chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine. Năm 2023, nền kinh tế EU dự kiến chỉ tăng trưởng nhẹ 0,6%, hơn 10 nước rơi vào suy thoái, trong đó có Đức, nền kinh tế lớn nhất EU. Trước khi xung đột Palestine - Israel nổ ra, nền kinh tế EU vốn đã phải chịu áp lực rất lớn, bao gồm lạm phát, khủng hoảng chi phí sinh hoạt... Mặc dù tác động của cuộc xung đột Palestine - Israel đối với nền kinh tế EU không rõ ràng như cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng lại khó khăn chồng chất khó khăn và sẽ khiến nền kinh tế của tổ chức này phải đối mặt với tính khó đoán định lớn hơn trong năm 2024.

Tác động mang tính thực chất của cuộc xung đột Palestine - Israel đối với nền kinh tế EU trong giai đoạn đầu khá hạn chế, nhưng cùng với cuộc xung đột kéo dài và có thể leo thang, đặc biệt từ khi lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ, tác động đối với nền kinh tế EU dần trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là có thể khiến tình trạng lạm phát của EU nghiêm trọng hơn. Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, tình trạng lạm phát của EU đã được cải thiện, nhưng nó có thể bị đảo ngược nếu cuộc khủng hoảng Biển Đỏ trở nên tồi tệ hơn.

Biển Đỏ là tuyến đường vận chuyển thương mại đặc biệt quan trọng, khoảng 15% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua Biển Đỏ, bao gồm 8% ngũ cốc, 12% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% khí tự nhiên hóa lỏng. Tuyến vận tải hàng qua Biển Đỏ đã bớt nhộn nhịp kể từ khi lực lượng vũ trang Houthi tấn công các tàu hàng ở vùng biển này.

Thương mại giữa châu Á và châu Âu chủ yếu đi qua Biển Đỏ, các tàu hàng buộc phải chuyển hướng đến Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, không những mất nhiều thời gian hơn mà còn tốn nhiều chi phí vận chuyển hơn, đến nay chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng hơn 3 lần, điều này chắc chắn sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu lên cao. Do không thể kịp thời nhận được các linh kiện sản xuất cần thiết, một số doanh nghiệp châu Âu đã bắt đầu cắt giảm hoặc tạm dừng sản xuất. Nhà máy Tesla ở Đức đã buộc phải tạm dừng sản xuất một thời gian. Những điều này đều làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế của châu Âu.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/xung-dot-o-gaza-va-kho-khan-cua-chau-au-i727641/