Xung đột Nga - Ukraine ngày 6/5: Ukraine có nguy cơ mất cứ điểm quan trọng trước mùa hè

Trong bối cảnh quân đội Nga tiếp tục giành được một số thắng lợi sau khi chọc thủng hàng phòng thủ của Ukraine tại Avdiivka, Kiev có thể sẽ sớm mất quyền kiểm soát một số thành phố quan trọng, Newsweek nhận định.

Theo tờ báo này, quân đội Nga có thể giành quyền kiểm soát thành phố Chasov Yar ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk "trước mùa hè".

Chasov Yar từng là một “điểm tập kết quan trọng của lực lượng Ukraine, nằm trên một ngọn đồi với tầm nhìn bao quát ra khu vực xung quanh”. Thành phố này cũng đóng vai trò là “cửa ngõ” đến Kramatorsk và Slavyansk - hai khu định cư mà Nga cần để có thể loại bỏ lực lượng Ukraine khỏi Donbass.

Pháo binh Nga tấn công cứ điểm của Ukraine ở Donetsk

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng pháo binh của Quân đoàn 1 đã phá hủy một cứ điểm của Ukraine ở Donetsk.

Theo bộ này, sau khi nhận được dữ liệu về tọa độ và tính chất của mục tiêu, tổ súng cối 120 mm đã nhắm bắn từ vị trí bắn được ngụy trang. Kết quả là mục tiêu bị bắn trúng sau ba lần khai hỏa.

"Lực lượng pháo binh của Quân đoàn 1 thuộc cụm quân phía nam Nga đã phá hủy một cứ điểm của các đơn vị Ukraine ở khu vực Donetsk bằng súng cối", trích thông báo.

Mỹ có thể gửi quân tới Ukraine nếu Kiev thất bại?

Lãnh đạo phe dân chủ tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries không loại trừ khả năng Mỹ sẽ phải đưa quân tới Ukraine trong trường hợp Kiev thất bại trước Mátxcơva.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS: “Chúng ta không thể để Ukraine thất thủ vì nếu điều đó xảy ra thì rất có khả năng Mỹ sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột - không chỉ bằng tiền mà còn bằng lực lượng của chúng ta".

Nghị sĩ Jeffries cũng đề cập đến phe ủng hộ Nga trong đảng Cộng hòa, cáo buộc họ trì hoãn việc phê duyệt nguồn tài trợ bổ sung cho nhu cầu quân sự của Kiev. Theo Jeffries, phe này không muốn ủng hộ Ukraine và không tin rằng Nga là đối thủ của Mỹ.

Trước đó, chính quyền Mỹ từng nhiều lần tuyên bố nước này không có ý định đóng quân ở Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 cho biết vấn đề triển khai bộ binh ở Ukraine đã được nêu ra tại một cuộc họp ở Paris với sự tham dự của đại diện khoảng 20 nước phương Tây. Theo ông, các bên tham gia chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này, nhưng không thể loại trừ kịch bản như vậy trong tương lai. Sau hội nghị, đại diện của hầu hết các nước tham gia cuộc họp đều cho biết họ không có ý định đưa quân tới Ukraine.

Ukraine dùng pháo tự hành Archer phá hủy Msta-S của Nga

Ukraine vừa công bố một đoạn video ghi lại khoảnh khắc quân đội nước này dùng pháo tự hành bánh lốp Archer do Thụy Điển cung cấp phá hủy pháo tự hành Msta-S của Nga ở vùng Luhansk.

Báo cáo ban đầu cho biết, Lữ đoàn pháo binh số 45 Ukraine đã phá hủy Msta-S của Nga với sự hỗ trợ của pháo tự hành bánh lốp Archer. Vụ tập kích diễn ra gần làng Chervonopopivka, vùng Luhansk.

Nhờ hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số và các cảm biến phụ trợ nên pháo đã khai hỏa vào Msta-S với độ chính xác cao. Kết quả, vũ khí Nga đã bốc cháy và phá hủy hoàn toàn.

Hiện, Nga vẫn chưa bình luận về các thông tin trên.

Phương Tây bất đồng về đề xuất tịch thu tài sản của Nga

Bất chấp yêu cầu của Ukraine về việc tịch thu toàn bộ các tài sản của Nga bị phong tỏa ở các nước phương Tây, nhiều quan chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ám chỉ rằng đề xuất này không còn được thảo luận, theo Financial Times.

Thay vào đó, các quốc gia G7 đang xem xét những cách khác để tận dụng tài sản của Nga. Hồi tháng 2, Bỉ đã đề xuất một kế hoạch mà trong đó khoảng 190 tỷ euro dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga do Euroclear nắm giữ có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay viện trợ Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này được coi là rủi ro và các nước châu Âu vẫn phản đối.

Theo tờ báo, Ả-rập Xê-út và Indonesia đang vận động hành lang phản đối việc sử dụng tài sản của Nga do lo ngại về nguồn dự trữ của chính họ được nắm giữ ở phương Tây. Một quan chức châu Âu cho biết: “Họ rất lo lắng”, nói thêm rằng mối quan tâm chính của họ là: “Tiền của họ có còn an toàn ở đó không?”

Nhóm các quốc gia ủng hộ tịch thu toàn bộ tài sản của Nga, do Mỹ dẫn đầu, tin rằng việc này sẽ là một động lực tài chính lớn và có thể góp phần vào chiến thắng của Kiev trong cuộc xung đột.

Nhưng những người phản đối cho rằng việc này có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế, đe dọa trật tự toàn cầu. Ngoài Ả-rập Xê-út và Indonesia, một số quốc gia khác như Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý và thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tỏ ra hết sức thận trọng, dẫn đến bế tắc.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo rằng “việc chuyển từ phong tỏa tài sản sang tịch thu và xử lý chúng có thể phá vỡ trật tự quốc tế mà chúng ta muốn bảo vệ, muốn Nga tôn trọng”.

EU cũng lo ngại về sự an toàn của các tài sản châu Âu đang nằm ở Nga, vì Mátxcơva đã cam kết sẽ trả đũa nếu G7 có động thái tịch thu dự trữ ngoại hối của Nga.

Phát biểu tại Sao Paulo hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Giancarlo Giorgetti của Ý - quốc gia giữ chức chủ tịch G7 năm nay, nói rằng sẽ “khó khăn và phức tạp” để tìm ra cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản nhà nước của Nga. Người đồng cấp Pháp của ông, Bruno Le Maire, thậm chí còn thẳng thắn hơn khi cho rằng đơn giản là không tồn tại nền tảng pháp lý nào cho việc này.

Chuyên gia Philippa Webb - tác giả một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản của Nga, cho biết: “Rủi ro là nếu chúng ta bắt đầu phớt lờ những nguyên tắc quốc tế, các quốc gia khác cũng có thể làm như vậy với chúng ta, và chúng ta sẽ đặt ra một tiền lệ có thể gây ra những tác động không mong muốn về sau".

Gói viện trợ nước ngoài được Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước đã trao cho chính quyền Tổng thống Joe Biden quyền tịch thu tài sản của Nga do Mỹ nắm giữ.

Tuy nhiên, châu Âu chỉ ra rằng việc Mỹ áp dụng lập trường cứng rắn sẽ dễ dàng hơn vì Mỹ chỉ nắm giữ 5 tỷ đô la tài sản nhà nước của Nga.

Ngày 29/4, Reuters đưa tin rằng việc tịch thu khoảng 320 tỷ đô la tài sản của Nga ở nước ngoài có thể chi trả cho nhu cầu thời chiến của Ukraine cho đến năm 2028.

Minh Hạnh

Theo Tass, Sputnik, Pravda

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xung-dot-nga-ukraine-ngay-65-ukraine-co-nguy-co-mat-cu-diem-quan-trong-truoc-mua-he-post1634721.tpo