Xung đột Mỹ - Iran đe dọa cuộc chiến chống IS

Đối với các phiến quân của nhóm IS, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, giết chết vị tướng quan trọng của Iran Qassem Suleimani là chiến thắng 'hai trong một'.

Đối với các phiến quân của nhóm IS, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, giết chết vị tướng quan trọng của Iran Qassem Suleimani là chiến thắng “hai trong một”.

Người dân ở nhiều nước Trung Đông xuống đường biểu tình phản đối vụ ám sát tướng Soleimani của Iran. Ảnh: AP

Vụ ám sát của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào chỉ huy hàng đầu của Iran có thể khiến các lực lượng Mỹ không thể ở lại Iraq. Điều đó có thể tạo cơ hội cho nhóm cực đoan IS - vốn đã từng tàn phá Iraq với tốc độ chóng mặt năm 2014 - trở lại sau một thời gian dài bị đẩy lui. Đối với các phiến quân của nhóm IS, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, giết chết vị tướng quan trọng của Iran Qassem Soleimani là chiến thắng “hai trong một”.

Mỹ ra đòn, IS “mở cờ trong bụng”

Đầu tiên, với việc giết tướng Soleimani, chính Mỹ đã giúp IS loại bỏ thủ lĩnh của một trong những đối thủ đáng gờm nhất của chúng, khi đây là nhân vật chịu trách nhiệm xây dựng liên minh các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, đã chiến đấu trên mặt đất để đẩy lùi các phiến quân IS ra khỏi các thành trì quan trọng ở Syria và Iraq.

Vụ ám sát cũng đã chuyển hướng cơn thịnh nộ của các lực lượng dân quân ra khỏi IS, và nhiều đồng minh chính trị của họ ở Iraq tập trung chống lại sự hiện diện của Mỹ ở đó. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tiếp tục chiến dịch do Mỹ lãnh đạo nhằm “nhổ tận gốc” những gì còn lại của IS và ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm cực đoan này ở cả Iraq và nước láng giềng Syria. Đây chính xác là “vị thần trong cỗ máy” mà IS đang cần, để cho chúng có chỗ hoạt động và thoát ra khỏi giới hạn hiện tại, Sam Heller chuyên gia nghiên cứu về cuộc chiến chống lại IS, nhận định. “Ngay cả khi các lực lượng Mỹ không rút đi ngay lập tức, tôi rất khó tưởng tượng rằng họ có thể tiếp tục cuộc chiến chống IS một cách có ý nghĩa”, ông nói thêm.

Hơn 5.000 lính Mỹ hiện đang đồn trú tại Iraq, cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho các lực lượng Iraq đang nỗ lực truy lùng hàng ngàn phiến quân IS vẫn đang âm mưu tấn công khủng bố từ những nơi ẩn náu ở các vùng nông thôn hẻo lánh, sa mạc và núi rừng. Không có sự giám sát, hoạt động tình báo, vận chuyển và hỗ trợ trên không của Mỹ, các phiến quân IS sẽ phát hiện các cuộc càn quét của lực lượng Iraq để trốn thoát - để từ đó có thời gian tái thiết tổ chức của chúng.

Hơn thế nữa, sự hỗ trợ tình báo và hậu cần của quân đội Mỹ cũng cần thiết không kém đối với Châu Âu và các đối tác quân sự khác trong liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống lại IS. Ngay cả đội ngũ nhỏ hơn dưới 1.000 thành viên dịch vụ Mỹ vẫn được triển khai để chiến đấu với IS ở Syria cũng sẽ không thể duy trì nếu không có sự hỗ trợ của người Mỹ bên trong Iraq. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria đã khiến các lực lượng Mỹ ở đó dễ bị tấn công trong khi giảm bớt áp lực cuộc chiến chống IS.

Iraq sẽ trục xuất binh sĩ Mỹ?

Sau vụ tấn công, Quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết, trong đó nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại nước này và đảm bảo rằng họ không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì. Nếu Iraq quyết định buộc Mỹ rút quân ra, cuộc chiến đánh bại IS và ngăn chúng trở lại sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ Iraq, được thành lập sau cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003, từ lâu phải vật lộn để cân bằng sự phụ thuộc vào Washington và phương Tây trước mối quan hệ chặt chẽ với nước láng giềng Iran. Khi trở lại Iraq vào năm 2014, các nhà ngoại giao và sĩ quan quân đội Mỹ luôn nhấn mạnh, họ chỉ có mặt theo lời mời chính thức của chính phủ Iraq và chỉ đến để giúp tăng cường năng lực của lực lượng Iraq chống lại IS.

Nhưng tuần trước, lực lượng Mỹ ở Iraq không chỉ ám sát tướng Soleimani. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tương tự đã giết chết một lãnh đạo dân quân cấp cao của Iraq và cũng là một quan chức an ninh hàng đầu của chính phủ. Giám đốc quan hệ công chúng của ông cũng bị giết. Và trong những ngày trước đó, Mỹ đã giết hơn 25 thành viên của một nhóm dân quân lớn của Iraq, trong một cuộc tấn công tên lửa được cho là nhằm trả đũa một cuộc tấn công khác khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Hành động này vi phạm nghiêm trọng đối với những điều khoản đã được thỏa thuận.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã coi tướng Soleimani là kẻ thù đáng sợ. Sau khi Washington xâm chiếm Iraq năm 2003, ông Soleimani giúp thành lập và chỉ đạo các lực lượng dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn ở Iraq, vốn bị cáo buộc đứng sau các vụ tấn công giết chết hàng trăm người Mỹ. Nhưng trong cuộc chiến chống lại IS sau năm 2014, Mỹ ngầm chấp nhận tướng Soleimani là “đồng minh”. Các dân quân được Iran hậu thuẫn đã chiến đấu trên bộ trong khi máy bay phản lực, máy bay trực thăng và máy bay không người lái của Mỹ cung cấp sức mạnh trên không. Các lực lượng dân quân này cũng ngừng tấn công các lực lượng Mỹ tại Iraq.

Nhưng giờ đây, Tổng thống Trump đã bắt tay vào cuộc đối đầu leo thang với Iran, tìm cách sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng để buộc Tehran phải tuân theo các hạn chế mới đối với các hoạt động quân sự và các chương trình hạt nhân. Các dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn trong những tháng gần đây một lần nữa bắt đầu đe dọa hoặc tấn công người Mỹ. “Nếu mọi việc leo thang thành cuộc chiến giữa Iran và Mỹ, sự hỗn loạn sẽ tạo ra những điều kiện tương tự cho phép IS phát triển”, Ilan Goldenberg - một cựu lãnh đạo ở Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama nhận định. Theo ông, đây là một tình huống hoàn hảo để IS tái sinh.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_218726_xung-dot-my-iran-de-doa-cuoc-chien-chong-is.aspx